Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh, thiếu niên tỉnh Thanh Hóa luôn phối hợp với các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.
Năng động khởi nghiệp
Gợi mở lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực học tập, kỹ năng, điều kiện, gia cảnh của mỗi cá nhân, đã có hơn 1.500 thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, hơn 4.000 thanh niên tìm được việc làm tại các nhà máy, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng hướng nghiệp cho cán bộ đoàn cơ sở, phối hợp đào tạo 15 nghề xã hội đang cần.
Ở huyện Triệu Sơn sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên Lê Xuân Anh theo học nghề ở làng Phú Đô (Hà Nội) rồi trở về gia đình tại thôn Hùng Cường, xã Xuân Thịnh, huy động 600 triệu đồng sắm máy chế biến, mua lương thực sẵn có tổ chức sản xuất bún, gắn sản xuất với chế biến, nâng cao giá trị nông sản.
Áp dụng quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, sản phẩm bún, bánh được nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, người tiêu dùng lựa chọn. Bí thư đoàn xã Xuân Thịnh Lê Xuân Tiến ghi nhận: Hiện nay cơ sở tạo việc làm, thu nhập cho bốn lao động và tấm gương bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp đã góp phần khích lệ, thúc đẩy thanh niên nông thôn năng động tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Lê Ngọc Lợi theo học trung cấp nghề điện tử, điện lạnh, vừa học nghề, vừa làm việc tại xưởng cơ khí tư nhân và theo học thêm ngành tự động hóa tại Trường đại học Hồng Bàng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2013, trở về xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Lê Ngọc Lợi hành nghề cơ khí, tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, vay 50 triệu đồng cộng với nguồn tích lũy đầu tư chế tác, thi công khung nhôm cửa kính. Chăm chỉ lao động, chi tiêu hợp lý, Lợi dần có của ăn, của để, thuê đất xây dựng, mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư 1,3 tỷ đồng mua máy chế tác gỗ MDF, tạo thêm các sản phẩm gia dụng theo nhu cầu đời sống dân sinh, nhận thi công nội thất.
Với tổng giá trị tài sản cố định sáu tỷ đồng, vốn lưu động 2,5 tỷ đồng, cơ sở Lợi Dung chuyên chế tác, thi công khung nhôm cửa kính, đồ gỗ dân dụng, nội thất các công trình tạo việc làm thường xuyên cho sáu lao động đạt mức thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/tháng. Hàng chục thanh niên từng học nghề tại cơ sở Lợi Dung đã trưởng thành, thành lập cơ sở thi công, lắp đặt khung nhôm, cửa kính, gỗ nội thất hoặc đang làm việc tại doanh nghiệp, trên các công trình xây dựng.
Tại thôn Đại Vàng, xã Thọ Dân, thanh niên Lê Ngọc Thanh cùng bố đẻ cải tạo, nâng cao bảy sào vườn trồng đào tơ, chiết ghép cành vào đào gốc cổ thụ làm tăng giá trị, cho lợi nhuận 400 triệu đồng/năm. Phó Trưởng ban Công tác mặt trận, Tổ trưởng tiết kiệm vay vốn thôn Đồng Vàng Hoàng Văn Nhượng cho biết: Cải tạo vườn tạp, người dân chuyển diện tích đất nông nghiệp canh tác hiệu quả thấp sang trồng cây đào cho giá trị kinh tế cao hơn.
Thôn Đại Vàng là "rốn lũ" bên sông giờ phát triển mạnh nghề trồng, chăm sóc, kinh doanh cây đào cổ thụ. Với 45 hộ gia đình trồng đào, chiếm hơn 47% tổng số hộ trong thôn, đạt tổng doanh thu 18 tỷ đồng/năm; nhiều gia đình thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Huyện đoàn Triệu Sơn phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 76 thanh niên vay hơn 4,4 tỷ đồng tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh. Huyện cũng bố trí thêm 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, giao Huyện đoàn phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho thanh niên vay, quản lý nguồn vốn khởi nghiệp.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phạm Văn Tuấn cho biết: Với 16 chương trình tín dụng, tính đến hết tháng 10 năm nay, tổng dư nợ đạt hơn 756 tỷ đồng cho 12.863 hộ trên địa bàn huyện vay vốn phát triển kinh tế, trong đó có 1.336 thanh niên vay gần 86 tỷ đồng thông qua 38 tổ tiết kiệm vay vốn. So với đầu năm, dư nợ cho thanh niên vay tăng 6 tỷ 354 triệu đồng nhưng còn nhiều thanh niên muốn vay vốn làm ăn.
Đồng hành, hỗ trợ thanh niên
Nhiều năm qua, Tỉnh đoàn Thanh Hóa chủ trì tổ chức cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Đánh giá các ý tưởng, dự án khởi nghiệp qua ba vòng thi, mỗi năm, ban tổ chức tuyển chọn 10 dự án khởi nghiệp xuất sắc trao giải thưởng, vận động, huy động các nguồn lực hỗ trợ thanh niên ứng dụng trong thực tiễn.
Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh đoàn đã tổ chức thành công năm cuộc thi, thu hút gần 1.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, các tổ chức thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhận đỡ đầu, hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp; theo đó, có 32 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc được các doanh nghiệp, doanh nhân đỡ đầu và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa kết nối các ý tưởng đến nhà đầu tư; tổ chức đoàn cùng tổ chức tín dụng hướng dẫn thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay.
Các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được áp dụng trên các lĩnh vực khởi nghiệp đa dạng của thanh niên; tiêu biểu có 116 tác giả ứng dụng, phát triển dự án, thành lập doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. Tiên phong ứng dụng công nghệ, phát triển các phần mềm ứng dụng, thiết kế sản phẩm truyền thông số, Công ty cổ phần truyền thông số ADATV do thanh niên Nguyễn Hữu Thế làm chủ được công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Các phần mềm soạn, giảng giáo án điện tử, màn hình tương tác ứng dụng trong hoạt động dạy và học, màn hình led quảng cáo của doanh nghiệp được nhiều cơ quan, trường học trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa lựa chọn, tạo việc làm, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng cho bảy lao động.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh quan tâm bố trí Quỹ Tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, dần tăng nguồn vốn, mở rộng đối tượng được vay. Lũy kế đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ hơn 70 tỷ đồng, giao Tỉnh đoàn Thanh Hóa phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, sử dụng nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Hơn 71,2 tỷ đồng đã giải ngân cho hơn 1.000 dự án khởi nghiệp.
Một số dự án tiếp cận mức vay cao, phát huy hiệu quả như tại huyện miền núi Thạch Thành Công ty cổ phần Befine ở xã Thạch Sơn vay 930 triệu đồng tổ chức sản xuất hóa dược, dược liệu, đạt doanh thu 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 30 lao động; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuân Núi ở xã Thạch Quảng vay 290 triệu đồng tổ chức dịch vụ chăn nuôi cho doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động.
Tham dự, đoạt giải xuất sắc tại vòng chung kết hội thi "Ý tưởng khởi nghiệp", thanh niên Nguyễn Hoàn, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn vay 95 triệu đồng tín dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tổ chức sản xuất máy làm nấm cung ứng ra thị trường. Tự động hóa quy trình làm đất, xử lý nguyên liệu, "máy làm nấm" được khách hàng lựa chọn; cơ sở sản xuất do thanh niên làm chủ đạt doanh thu từ 600-750 triệu đồng, lợi nhuận 240 triệu đồng/năm, tạo việc làm, thu nhập cho bốn lao động.
Bí thư Tỉnh đoàn Lê Văn Châu trao đổi: Các cấp bộ đoàn trong tỉnh tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, tổ chức tín dụng, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, hướng dẫn thanh niên tiệm cận nguồn vốn vay khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đóng vai trò chủ chốt trong thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, minh bạch, nhanh chóng hoàn tất thủ tục, giải ngân kịp thời.
Tuy nhiên, nhu cầu vay lớn nhưng nguồn vốn bố trí theo kế hoạch hằng năm còn hạn chế cho nên nhiều thanh niên chưa thể tiếp cận đủ số vốn cần thiết để triển khai các dự án.
Mặt khác, thanh niên phải có vốn đối ứng, trả nợ định kỳ sáu tháng/lần cũng là rào cản đối với thanh niên khởi nghiệp, nhất là thanh niên các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa. Khó đáp ứng các điều kiện vay vốn, như phải có tài sản thế chấp cho nên phần lớn thanh niên lựa chọn hình thức vay tín chấp dưới 100 triệu đồng, chưa tiếp cận được mức vay lớn hơn.
Từng du nhập, ba lần thất bại, dần làm chủ kỹ thuật chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật phát triển 40 trang trại ở các hộ thành viên, thành lập Hợp tác xã chăn nuôi, phát triển thỏ NewZealand ở Thanh Hóa, thanh niên Nguyễn Công Tùng, ở thôn Phúc Hải, xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, bộc bạch: Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm cầu cho nên nghề chăn nuôi thỏ giảm quy mô, sản lượng.
Tùng tiếp tục duy trì, phát triển chăn nuôi 2.000 con thỏ ở ba khu trang trại, liên kết bảo quản, cung ứng sản phẩm thực phẩm đông lạnh. Dù vậy, Tùng phải tiếp cận nguồn vốn vay thương mại, trả lãi suất cao hơn vì tiếp cận nguồn ưu đãi khó khăn.
Hiện, trang trại của Tùng đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng, chỉ bằng 10% doanh thu thời điểm trước năm 2019 nhưng thực lãi hơn 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho ba lao động.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lê Hữu Quyền: Tính đến ngày 31/10/2024, dư nợ cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội ở Thanh Hóa là 14.445 tỷ đồng, chiếm 99,1% tổng dư nợ; riêng chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đạt dư nợ 1.933 tỷ đồng, thúc đẩy mở mang ngành nghề, tạo sinh kế, việc làm cho người lao động, trong đó có các dự án khởi nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh do thanh niên làm chủ, thiết thực hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp.