Tinh thần trách nhiệm là gì?
Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công.
Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm. Vài thí dụ:
Người nấu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm lành canh ngọt, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia, trồng rau, nuôi gà (có kế hoạch động viên anh em giúp). Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc, thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.
Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.
Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm.
Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ.
Đảng và Chính phủ điều tra, nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận nhằm vào lợi ích chung của nhân dân, đặt chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ. Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình… Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân.
Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm.
Tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường, và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm. Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm trọn nhiệm vụ.
Cuộc kháng chiến vĩ đại của ta đã tỏ rằng nhân dân và bộ đội ta rất tiến bộ. Công việc kháng chiến kiến quốc ngày càng nhiều, càng mới, càng to, càng phức tạp. Cán bộ ta không khỏi vấp khuyết điểm trong tiến bộ. Nhưng với sự giáo dục của Đảng, của Chính phủ và của quần chúng, cùng với lòng kiên quyết dùi mài tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chúng ta nhất định chiến thắng khuyết điểm cũng như nhất định chiến thắng thực dân.
(*) Bài đã đăng trên Báo Nhân Dân, số 36, ngày 13-12-1951.