Tinh gọn đơn vị hành chính để phục vụ người dân tốt hơn

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 đã hoàn tất, các địa phương đang tiến hành công bố quyết định, đến ngày 1/1/2025 các phường mới sẽ chính thức đi vào hoạt động.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Phường 6, Quận Bình Thạnh.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Phường 6, Quận Bình Thạnh.

Theo tiêu chí của Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, thành phố có 80 phường thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập thành 41 phường, giảm 39 phường. Sau khi sắp xếp, thành phố sẽ có 16 quận, 5 huyện, thành phố Thủ Đức và 273 đơn vị phường, xã, thị trấn.

Gấp rút sắp xếp

Nghe thông tin sắp sáp nhập Phường 6 vào Phường 5, bà Nguyễn Thị Chinh, kinh doanh buôn bán mặt hàng bao bì tại chợ Hòa Bình (Quận 5) thu xếp đến Ủy ban nhân dân Phường 5 để hỏi về việc điều chỉnh giấy phép kinh doanh. Tại đây, cán bộ phụ trách kinh tế giải đáp: “Tất cả trường hợp có Giấy phép kinh doanh mà địa chỉ tại Phường 6, Quận 5 sẽ được cán bộ phường hướng dẫn đổi giấy phép có địa chỉ hành chính là Phường 5 thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố hoặc người dân đổi trực tiếp tại phường và quận không tốn phí”. Bà Chinh yên tâm khi được cán bộ giải thích kỹ càng việc điều chỉnh giấy phép kinh doanh cũng như một số thủ tục giấy tờ có liên quan khi sáp nhập hai phường thành một. Theo thống kê, có khoảng 374 giấy phép kinh doanh có địa chỉ Phường 6 sẽ được đổi qua Phường 5, Quận 5 nhằm cập nhật địa chỉ các hộ kinh doanh sau khi sáp nhập hai phường. Ông Võ Thành Tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 5, Quận 5 cho biết: Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn quận, Phường 6 nhập vào Phường 5 và tên mới là Phường 5 với 26.146 nhân khẩu, diện tích 0,46 km2. Số biên chế (gồm cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách) được quận phân bổ cho phường là 45 người khi sáp nhập hai phường thành một. Thời gian Phường 5 mới ra mắt, hoạt động dự kiến từ ngày 30/12/2024. Theo đó, có ba thủ tục hành chính mà Phường 5 phải hỗ trợ người dân điều chỉnh nếu có nhu cầu gồm: Căn cước công dân, Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chủ quyền nhà/đất). Theo ông Tới, hai thủ tục đầu tiên khá thuận tiện vì trách nhiệm thuộc về Công an quận và Ủy ban nhân dân phường. Còn lại đối với giấy chủ quyền nhà/đất, sẽ có 1.800 Giấy chủ quyền nhà/đất từ Phường 6 chuyển qua Phường 5 sẽ phải cập nhật biến động khi có giao dịch, mua bán. Đây cũng là một áp lực không nhỏ đối với địa phương. “Phường 5 đã lên phương án bố trí bốn cán bộ lĩnh vực kinh tế của phường mới cùng một cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận phối hợp thực hiện các giao dịch này khi người dân có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng. Phường bảo đảm việc giải quyết thủ tục nhà, đất không ảnh hưởng đến người dân trên địa bàn khi tổ chức sáp nhập và thành lập phường mới”, ông Tới chia sẻ.

Bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5 cho hay: Quận 5 hiện có 14 phường, sau sắp xếp sẽ còn 10 phường. Khi các phường mới đi vào hoạt động, các địa phương phải có trách nhiệm thực hiện điều chỉnh các giấy tờ liên quan cho các tổ chức, cá nhân do thay đổi địa giới hành chính theo tiêu chí người dân chỉ đến một nơi để làm thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến nghị người dân hoặc tổ chức chỉ liên hệ đổi địa chỉ hành chính trên giấy tờ khi thật sự có nhu cầu, tránh tình trạng dồn ứ, tập trung mất thời gian nếu chưa cần thiết phải cấp đổi...

Kiện toàn bộ máy nhân sự trước ngày 30/6/2025

Quận Bình Thạnh là địa phương có số lượng phường phải sắp xếp lớn nhất với 12 phường thuộc diện sáp nhập. Địa phương sẽ điều chỉnh 0,15 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 8.708 người của Phường 6 vào Phường 5. Sau khi điều chỉnh, Phường 5 có diện tích tự nhiên đạt 9,45% so với tiêu chuẩn, quy mô dân số đạt 172,79% so với tiêu chuẩn. Chị Nguyễn Thị Bình, ngụ Phường 6 cho hay: “Tôi có nghe thông tin về sáp nhập một phần Phường 6 vào Phường 5. Người dân chúng tôi mong việc sáp nhập sẽ không làm xáo trộn quá nhiều thứ liên quan đến thủ tục hành chính. Nếu có thay đổi, điều chỉnh cũng mong chính quyền các địa phương tạo điều kiện để người dân không bị ảnh hưởng về thủ tục hành chính”.

Theo ông Võ Thành Khả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 8, Quận 8 sẽ hoàn thành công tác sắp xếp trước ngày 15/12/2024. Sau đó, Ủy ban nhân dân quận sẽ ban hành quyết định thông qua vào ngày 20/12/2024 để chuẩn bị cho lễ công bố chính thức vào cuối tháng 12/2024. Trong quá trình tổ chức sắp xếp bộ máy nhân sự, địa phương đang giải quyết 131 trường hợp cán bộ dôi dư; bao gồm 36 cán bộ, 62 công chức và 33 người hoạt động không chuyên trách. Tương tự, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp, giai đoạn 2023-2030, quận có 8 phường thuộc diện sắp xếp, tổ chức lại thành bốn phường mới. Đến nay, việc chuẩn bị cho các phường mới hoạt động từ tháng 1/2025 đúng theo tiến độ của thành phố đề ra. Để giải quyết bài toán cán bộ dôi dư, hiện tại quận Gò Vấp đang vận dụng Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ, Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 14/3/2024 của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn để sắp xếp. Theo đó, quận bố trí các lãnh đạo phường vào vị trí tương đương. Việc bố trí dựa trên năng lực, quá trình cống hiến và trình độ, chuyên môn để cán bộ yên tâm công tác; công chức, người làm việc không chuyên trách dôi dư được cân đối, bố trí tại chỗ, điều động sang các phường còn biên chế hoặc đưa vào diện tinh giản trong vòng 5 năm.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết: Theo lộ trình, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp phường tại Thành phố Hồ Chí Minh chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1, từ ngày 1 đến 31/12/2024, các Quận: 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận sẽ tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập bộ máy các tổ chức đảng, chính trị-xã hội. Chỉ định ban chấp hành, bí thư, phó bí thư các phường và chủ trương nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường mới. Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2025 sau khi phường mới đi vào hoạt động đến đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, các đơn vị mới tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công đại hội. Bà Thắm thông tin: 80 phường sau khi sắp xếp sẽ dôi dư 1.022 người, khoảng một phần ba nhân sự hiện có. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ thực hiện theo lộ trình, thực hiện giảm dần và chia theo các trường hợp: đủ điều kiện tiếp tục công tác, chuẩn bị về hưu có thể tiếp tục ở lại làm việc và những trường hợp không tiếp tục làm việc sau khi sắp xếp; ưu tiên bố trí cán bộ tại địa phương. Đồng thời, phải áp dụng các chính sách hỗ trợ cho cán bộ khi nghỉ công tác. Hiện Sở Nội vụ đang dự thảo tờ trình để tham mưu Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về những chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư. Cuối năm 2024, lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức chương trình gặp gỡ các cán bộ thuộc diện sắp xếp để tuyên dương, trao quà tri ân ■

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn người dân đồng thuận cao khi thành phố thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030. Tại Quận 10, có 877.674/961.533 cử tri đồng ý với chủ trương sắp xếp, đạt tỷ lệ 91,28%. Tại Quận 3, có 21.105/22.931 cử tri ủng hộ việc nhập Phường 9 vào Phường 10 thành một đơn vị hành chính, đạt tỷ lệ 92,04%. Quận 4, có 14.377/14.546 cử tri ủng hộ nhập nguyên hiện trạng Phường 6 vào Phường 9, đạt tỷ lệ 98,84%. Quận 5, có 18.287/19.727 cử tri ủng hộ nhập nguyên hiện trạng Phường 2 và Phường 3 thành một đơn vị hành chính, đạt tỷ lệ 92,70%. Quận 6 có 22.436/22.582 cử tri ủng hộ, đạt tỷ lệ 99,35% đồng ý nhập nguyên hiện trạng Phường 2, 6 và một phần Phường 5 thành một đơn vị hành chính, lấy tên gọi là Phường 2…