Tính giải pháp căn cơ để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu

NDO -

Những năm gần đây, câu chuyện ùn ứ hàng xuất khẩu, nhất là nông, hải sản ở các cửa khẩu biên giới phía bắc đã thành thông lệ "đến hẹn lại lên", khiến cho điệp khúc buồn "biết rồi, khổ quá, nói mãi" của người nông dân "một nắng hai sương" cứ lặp lại như một vòng luẩn quẩn. Nhiều người còn ví von rằng đây là "căn bệnh cố hữu mà không thể có liều thuốc đặc trị".

Tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?". (Ảnh: VGP)
Tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?". (Ảnh: VGP)

Câu chuyện ùn tắc nông sản ở cửa khẩu đã trở thành mối quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều cuộc họp, buổi làm việc để tìm giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Xuất khẩu nông sản "không thể đường mòn lối mở mãi"! Việc giải quyết tận gốc vấn đề đầu vào-đầu ra cho nông sản sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế. Đây cũng là chủ đề của cuộc Tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tổ chức chiều 4/3.

Vẫn tư duy "lối mòn cũ"

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đường bộ ở thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục Hải quan; các cơ quan Trung ương và địa phương đã vào cuộc hết sức tích cực.

Với sự tích cực vào cuộc của các cơ quan Trung ương, địa phương và sự trao đổi tích cực với phía Trung Quốc, cơ bản hàng hóa nông sản của chúng ta bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, đến nay, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía bắc.

Đến sáng 4/3, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, tỉnh đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3.

Dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi chung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ.

Để bảo đảm quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt là hàng nông sản, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn phải thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ. Tỉnh cố gắng trao đổi hằng ngày, hằng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để bảo đảm quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh cho biết, Trước đây đã có tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu, tuy nhiên tình hình lần này có điểm khác so với trước đây, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid". Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhìn lại cách đây 3-4 năm, cũng có tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu dù không nặng nề như thời điểm trước và sau Tết do dịch Covid-19. Đến khi xảy ra câu chuyện, lại nháo nhào tìm nguyên nhân, đặt ra câu hỏi: Tại sao lại lệ thuộc một thị trường lớn, không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân, sao không tăng chế biến hàng hóa mà lại xuất khẩu thô, sao không chuẩn hóa chất lượng, làm ăn chính ngạch, sao không đầu tư phát triển logistics?... Đó là những câu hỏi 3-5 năm trước, nhưng chúng ta "hay quên" vì khi giải phóng ùn tắc tại cửa khẩu thì những câu chuyện đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy.

Bà con làm ra sản phẩm cứ đưa lên cửa khẩu còn hơn để chín rục tại chỗ. Một số địa phương thông báo bà con không đưa hàng lên cửa khẩu là làm phần ngọn, không phải gốc. Cách làm kinh tế của chúng ta vẫn "mù mờ" đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu. Ở các địa phương, hoạt động nuôi trồng hầu hết là thả nổi người nông dân tự làm. Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng bao nhiêu hecta, các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ sản lượng chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn. Tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế, tìm kiếm thị trường, vênh nhau giữa sản xuất và thị trường. Quan hệ thương nhân 2 bên vừa qua cũng là vấn đề, hoàn toàn phụ thuộc vào biến động thị trường…

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, dù có nhiều giải pháp nhưng kết quả cuối cùng không được như mong muốn. Vậy, chúng ta đã nhìn thấy nguyên nhân gốc rễ chưa? Lý giải điều này, ông Bình cho rằng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch. Với quan niệm Trung Quốc là thị trường “dễ tính”, khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp trở tay không kịp. Doanh nghiệp chưa có tầm nhìn chiến lược. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, người ta thay đổi lâu rồi, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều.

Tích cực phối hợp, giúp đỡ doanh nghiệp

Về việc giúp đỡ các doanh nghiệp thì Hiệp hội rau quả Việt Nam có những biện pháp cung cấp thông tin nhận rõ vị trí hiện tại. Việc xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc phải cấp mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng phải được cấp mã số… được thông tin rõ, nếu không làm thì không đưa hàng sang thị trường Trung Quốc được. Cuối năm 2021, Hiệp hội đã có sự nhất trí cao từ các doanh nghiệp hàng đầu của Hiệp hội để liên kết, hỗ trợ tạo sức mạnh. Cùng với đó, Hiệp hội Làm vườn và Hội Nông sản sạch TP Hồ Chí Minh cũng tạo những liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh đánh giá, từ khi xảy ra vấn đề ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, liên bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, những giải pháp này đều xuất phát từ thực tiễn. Từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này, như chúng ta thấy, Thủ tướng Chính phủ đã có điện đàm với phía bạn, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng liên tục có điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp. Có thể thấy, việc thông quan chưa triệt để nhưng những nỗ lực này cũng đã có hiệu quả, cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15 nghìn xe thông quan. Trước đây, chỉ 7 trong số 13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay đã mở tất cả 13 cửa khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Bộ Công thương hết sức coi trọng công tác truyền thông chính sách về nhập khẩu nông sản cho bà con. Đặc biệt, Bộ Công thương phát hành rất nhiều sách giới thiệu về giao thương, xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong những sách này, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, tiêu chuẩn hàng hóa, những đạo luật, pháp lệnh của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng.

Có một thực tế, trong số các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tương tối nhiều nên nhận thức về tầm quan trọng cũng như đội ngũ cán bộ nắm bắt vấn đề này còn hạn chế. Tuy nhiên, dù thế nào thì thông tin là vô tận, doanh nghiệp luôn luôn cần thông tin.

Vai trò hiệp hội trong lĩnh vực này là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước, từ công tác tham vấn chính sách đến tuyên truyền. Hiện nay, Thương vụ ở Trung Quốc cũng thường xuyên thông tin. Khi có thông tin, Bộ trao đổi ngay với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển cho địa phương để thông báo. Và ngay trên website của Bộ Công thương, hằng tuần, 10 ngày có bản tin nông sản và bất cứ cơ quan, doanh nghiệp, địa phương nào có nhu cầu về thông tin, Bộ đều cung cấp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta say sưa nhất định với thành tích xuất khẩu và thật sự nhờ đó mà bà con đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, những nông sản thường xuyên có mặt tại thị trường Trung Quốc thấy bản báo cáo kết quả xuất khẩu hằng năm và hồ hởi với kết quả đó. Chúng ta không nghĩ tới rủi ro và rủi ro luôn luôn hiện hữu trước mắt, có thể "gãy" bất kỳ giờ nào.

Đây là dịp cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với trách nhiệm quản lý Nhà nước ngành Nông sản, Bộ Công thương và hiệp hội ngành hàng rau củ quả tuần sau cùng ngồi lại để giải mã, đặt từng câu hỏi, đưa ra giải pháp và tiến độ theo yêu cầu Thủ tướng là chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời phải có tiến độ rõ ràng, hành động nhất quán từ cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và có sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc. Chúng ta cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro.

Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, ngay từ khi chưa có dịch, thực hiện chủ trương về khuyến khích xuất khẩu, cơ quan hải quan cũng như các bộ, ngành đã hết sức tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu. Tình huống dịch bệnh là chưa từng có trước đây, cơ quan hải quan cũng như các bộ, ngành thực thi các chính sách tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngành hải quan cũng đã tập trung nguồn nhân lực, tăng ca, tăng kíp và tăng giờ. Đặc biệt là ở các tỉnh biên giới phía bắc trong giai đoạn vừa rồi, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh, anh em đều làm thêm, làm ngoài giờ, thậm chí trong những lúc khó khăn sau Tết, có buổi làm việc đến 23 giờ đêm để chờ những chuyến xe có thể thông quan qua cửa khẩu. Đấy là những khó khăn chung mà hải quan phải tìm các khắc phục.

Về phía công chức hải quan, lãnh đạo Tổng cục cũng đã chỉ đạo phối hợp, hỗ trợ cùng với các ban, ngành tại địa phương, thường xuyên có trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc. Là một trong những đơn vị chủ trì trong việc thông quan hàng hóa, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, việc thiết lập vùng xanh để làm hài hòa nhu cầu phòng, chống dịch cũng như các yêu cầu trong thông quan hàng hóa rất quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người dân trong hoạt động xuất khẩu.

Đến thời điểm hiện nay, có 13 trong số 78 cửa khẩu hoạt động. Tuy nhiên, từ ngày 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá, với lượng nông sản đang vào chính vụ như vậy mà tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn tiếp diễn.

Thứ hai, về việc thiết lập "vùng xanh" để bảo đảm an toàn phòng chống dịch, chúng tôi đã thiết lập và triển khai ở khu biên giới. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của chúng ta và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan. Cùng với các biện pháp Lạng Sơn triển khai tích cực, trong đó cả việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu, tuy nhiên, hằng ngày xe chở hàng vẫn lên Lạng Sơn bằng nhiều hình thức khác nhau. Tỉnh đã thực hiện phương thức hạn chế tiếp xúc, tuy nhiên năng lực thông quan chưa được cải thiện trong khi hàng hóa vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, tình trạng ùn tắc sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Lạng Sơn mong các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, các địa phương thúc đẩy các kênh tiêu thụ nội địa đặc biệt trong thời gian hiện nay, đẩy mạnh chế biến cũng như mở lại, khôi phục lại một số hoạt động xuất khẩu nông sản để giảm tải áp lực xuất khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay, tránh thiệt hại kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.