Ðến đầu tháng 11/2023, thành phố Hải Phòng có gần 1,908 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 92,07% dân số toàn thành phố, tăng 35.817 người so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố phấn đấu bao phủ 93% dân số toàn thành phố tham gia bảo hiểm y tế.
Hiện, toàn thành phố có hơn 1,85/1,908 triệu người (chiếm gần 98%) số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 183/183 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp.
Bắc Ninh phấn đấu năng suất lúa vụ xuân bình quân đạt 65,5 tạ/ha
Vụ xuân 2024, toàn tỉnh Bắc Ninh phấn đấu gieo trồng 31.950 ha cây trồng; trong đó có 28.700 ha lúa (diện tích lúa năng suất, chất lượng cao chiếm 71%), năng suất bình quân đạt 65,5 tạ/ha, sản lượng 187.842 tấn. Diện tích cây rau màu và cây khác là 3.250 ha.
Dự báo thời tiết vụ xuân 2024 tiếp tục có diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại xuất hiện muộn, tổng lượng mưa cao hơn; giá giống, vật tư duy trì ở mức cao làm tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư sản xuất của nông dân. Ðể đạt kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, có chính sách hỗ trợ bổ sung phù hợp với điều kiện của địa phương để khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất.
Quảng Ninh tăng cường hợp tác thu hút đầu tư từ Nhật Bản
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án đạt xấp xỉ 2,4 tỷ USD, chiếm 20,52% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hai dự án ODA đang triển khai thực hiện, trong đó có dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản với tổng mức đầu tư 3.293 tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh cam kết ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các công ty Nhật Bản đầu tư vào tỉnh trong những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà Quảng Ninh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt; đồng thời cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư thành công, bền vững tại tỉnh.
Hải Dương thu hút vốn FDI tăng 4,5 lần
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, từ đầu năm đến giữa tháng 11, các khu công nghiệp trong tỉnh thu hút 889,16 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt gần 4,5 lần kế hoạch năm.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 771,39 triệu USD. 26 lượt dự án FDI đã được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm 117,77 triệu USD.
Một số khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án FDI mới là Ðại An mở rộng, An Phát 1, Lương Ðiền-Cẩm Ðiền, Lai Cách. Ðến nay, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút 278 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,87 tỷ USD.
Bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề ở Thái Bình
Hiện nay, tỉnh Thái Bình có 141 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó có 102 làng nghề còn duy trì hoạt động sản xuất. Tỉnh Thái Bình đang xây dựng đề án với mục tiêu xuyên suốt là gìn giữ bí quyết gia truyền, sản xuất thủ công kết hợp với máy móc, công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm truyền thống, mang bản sắc văn hóa vùng, miền có giá trị kinh tế cao; bảo đảm điều kiện tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2025 có hơn 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả, ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo chương trình OCOP. Ðến năm 2030, công nhận mới 20 nghề và 10 làng nghề truyền thống, phát triển năm làng nghề gắn với du lịch, ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu.
Hà Nam có 91,6% số hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa
5 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Hà Nam triển khai rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Năm 2022 có 258.644/282.382 hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa (đạt 91,6%), vượt 2,16% so với mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20 đề ra; 609/686 khu dân cư được công nhận danh hiệu Khu dân cư văn hóa, đạt 88,8%. Hằng năm, hơn 500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp duy trì và giữ vững danh hiệu Ðơn vị văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được hoàn thiện.