Tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam khóa 19 đã thông qua 22 Nghị quyết thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, có Nghị quyết quan trọng về Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để sớm đưa các Nghị quyết vào cuộc sống, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương cụ thể hóa, tổ chức thực hiện; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ triển khai và phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết đã được thông qua; tập trung rà soát, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến liên quan đến Quy hoạch tỉnh để hoàn thiện, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện...
Nam Định có 329 sản phẩm OCOP đạt từ ba sao trở lên
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, sau gần bốn năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 329 sản phẩm OCOP đạt từ ba sao trở lên; trong đó, có 282 sản phẩm đạt ba sao và 47 sản phẩm đạt bốn sao; có hai sản phẩm đang được Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm sao là nghêu thịt hộp Lenger (của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam) và gạo sạch chất lượng cao 888 (của Công ty TNHH Gạo sạch Toản Xuân).
Đầu tư xây dựng bến số 7, số 8 cảng biển tại Lạch Huyện
Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn là nhà đầu tư Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng. Quy mô dự án gồm đầu tư xây dựng hai bến (mỗi bến dài 450m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus; một bến sà-lan tiếp nhận tàu sức chở 160 Teus; hệ thống thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa, kho bãi, hạ tầng đồng bộ, kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 12.800 tỷ đồng, tiến độ thực hiện là 5 năm (2023-2027); thời hạn hoạt động dự án 70 năm.
Xác định thị trường tiêu thụ 40 nghìn tấn vải thiều Thanh Hà
Hải Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá vải thiều Thanh Hà. |
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết: Vụ vải năm 2023 huyện Thanh Hà có 3.265ha vải thiều, ước tổng sản lượng vải quả đạt khoảng 40 nghìn tấn. Để tiêu thụ vải, huyện Thanh Hà xác định Trung Quốc vẫn là thị trường chính, tiếp đến là thị trường trong nước. Huyện tiếp tục nâng cao chất lượng để đưa sản phẩm vải Thanh Hà ra các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Australia, Thái Lan.
Để thuận lợi cho việc xuất khẩu, Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với các ngành hướng dẫn, kiểm soát các cơ sở đóng gói vải thiều được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, duy trì các mã đã có, đồng thời đăng ký đề nghị cấp mới ba mã số cơ sở đóng gói sang thị trường Trung Quốc trong vụ vải 2023, bảo đảm yêu cầu của phía Trung Quốc khi đưa vải quả sang tiêu thụ...
Đem đến sự hài lòng cho người dân
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Đề án xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2024. Mô hình nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cấp xã, hướng tới xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân tốt hơn. Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến tháng 10/2024 có tất cả 16 xã, phường, thị trấn thực hiện xây dựng thí điểm mô hình này đạt hiệu quả.
Khánh thành Đền thờ hai vị danh tướng thời Hùng Vương
Đền thờ hai danh tướng Lỗ Nha, Nghị Chú (thời Hùng Vương) vừa được khánh thành tại thôn 3 (tên cũ là làng Sài Thị), xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Theo tích xưa kể rằng, từ thời Hùng Vương, có hai anh em sinh đôi là Lỗ Nha, Nghị Chú đã giúp nước đánh giặc, lập công.
Sau đó, hai vị tướng về sinh sống tại làng Sài Thị, khai hoang, dạy bảo cày cấy, giúp cho dân làng ngày càng giàu có. Để tưởng nhớ công lao, người dân trong làng đã xây dựng ngôi đền thờ hai danh tướng này. Sài Thị cũng là nơi ghi dấu sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Hưng Yên…
1.217 hộ nghèo ở Ninh Bình được hỗ trợ nhà ở
Đến nay, tỉnh Ninh Bình có 1.217 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; trong đó, có 1.157 hộ được hỗ trợ theo Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, còn lại được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội của tỉnh. Ngoài hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh Ninh Bình đang tích cực đẩy mạnh thực hiện hai dự án nhà ở xã hội có quy mô 6,3ha tại thành phố Ninh Bình. Sau khi hoàn thiện, hai dự án nêu trên sẽ cung ứng 195.572m2 sàn, tương ứng 2.348 căn hộ chung cư và 94 căn nhà ở riêng lẻ cho công nhân, người thu nhập thấp làm việc tại khu công nghiệp của tỉnh.