Tin vắn

Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng
0:00 / 0:00
0:00

Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, đến năm 2030, phát triển tỉnh Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về quy mô kinh tế của cả nước với cơ cấu kinh tế hợp lý, dựa trên cơ sở phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung; ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao; nông thôn và đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc và phát triển bền vững...

Tỉnh phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, đạt các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng.

Hơn 200 nghìn tấn hàng hóa thông quan qua địa bàn Móng Cái

Từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đạt hơn 200.000 tấn (tăng 79% so với cùng kỳ năm 2022).

Tổng số doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đạt 310 doanh nghiệp (tăng 26 doanh nghiệp so với cùng kỳ). Số thu của Chi cục trong hai tháng đầu năm đạt 263 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái sau khi đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển, góp phần giảm chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp; giúp việc kết nối với các cửa khẩu đường bộ, chuỗi cửa khẩu quốc tế với các khu kinh tế của tỉnh...

Vận hành thương mại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2

Tin vắn ảnh 1
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Với tổng công suất 1.200MW, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ, được xây dựng tại xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ USD.

Hiện tại đang có hơn 1.000 kỹ sư, công nhân thi công trực tiếp tham gia xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng sửa chữa, vận hành, chạy thử. Nhà máy cơ bản hoàn thành công tác chạy thử, phát điện lên hệ thống điện quốc gia.

Trước đó, ngày 6/2, Tổ máy số 1 đã hoàn thành công tác chạy tin cậy, Tổ máy 2 dự kiến hoàn thành công tác chạy tin cậy trong tháng 4/2023.

Nhà máy đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để đưa vào vận hành thương mại, dự kiến vào cuối quý II, đầu quý III/ 2023.

Nam Định thu hồi giấy phép khai thác thủy sản của 74 tổ chức, cá nhân

Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định vừa ban hành quyết định thu hồi giấy phép khai thác thủy sản đối với 74 tổ chức, cá nhân là chủ tàu đăng ký hoạt động nghề lưới kéo, lưới rê, lưới chụp, hậu cần nghề cá và lồng bẫy trên địa bàn, do không còn đủ điều kiện hoặc đã bán tàu đi các tỉnh, thành phố khác và xóa đăng ký.

Theo quyết định của Chi cục Thủy sản Nam Định, huyện Hải Hậu là địa phương có nhiều tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép nhất (36 chủ tàu); tiếp đến là huyện Giao Thủy (27 chủ tàu) và huyện Nghĩa Hưng (11 chủ tàu).

Chi cục đã giao Trạm Thủy sản liên vùng phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thuộc các huyện ven biển thông báo, niêm yết công khai danh sách tàu cá bị thu hồi giấy phép khai thác thủy sản.

Tái thả hơn 15 nghìn cá vược giống tại Ninh Bình

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình vừa phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Ninh Bình tái thả hơn 15 nghìn cá vược giống xuống cửa sông Đáy giáp biển Ninh Bình nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Trước đó, từ năm 2020 đến 2022, Ninh Bình đã thả hơn 54 nghìn cá giống các loại như: cá chép, cá chuối, cá trôi, cá vược.

Để khắc phục tình trạng khai thác, đánh bắt quá mức khiến nguồn lợi thủy hải sản, ngành chức năng của tỉnh đang tập trung cơ cấu lại nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản; thành lập các khu bảo vệ thủy hải sản; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản kiểu hủy diệt.

Hải Phòng công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, địa phương

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa công bố kết quả xếp hạng đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thành phố năm 2022.

Theo đó, trong 21 sở, ngành, đơn vị của thành phố Cảng, Sở Du lịch dẫn đầu bảng xếp hạng; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng xếp thứ 2; Sở Kế hoạch và Đầu tư xếp thứ 3. Đứng cuối bảng xếp hạng lần lượt là các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông.

Trong 14 quận, huyện, dẫn đầu lần lượt là Ủy ban nhân dân các quận: Dương Kinh, Ngô Quyền, huyện Tiên Lãng và quận Hồng Bàng. Cuối bảng xếp hạng lần lượt là các huyện Kiến Thụy, Vĩnh Bảo và An Lão.

Việc công bố kết quả DDCI hằng năm sẽ là cơ sở để các sở, ngành, địa phương có cơ sở, giải pháp cải thiện chất lượng quản trị, điều hành kinh tế của đơn vị mình.