Ngày 29/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị chính phủ các nước không nên giảm các hạn chế phòng dịch Covid-19, trong đó có việc giảm thời gian cách ly, mặc dù các phát hiện ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể khiến bệnh tình người mắc ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh các nước cần “cẩn trọng” trong việc giảm các biện pháp hạn chế phòng dịch, đồng thời cho rằng ở thời điểm hiện tại, không nên có thay đổi lớn trong chiến thuật và chiến lược phòng dịch chỉ dựa trên cơ sở các nghiên cứu ban đầu và sơ bộ về Omicron.
Tiến sĩ Ryan chỉ ra rằng, ngay cả với những biến thể trước, hầu hết bệnh nhân sẽ ủ bệnh và xuất hiện các triệu chứng hoặc cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 6 ngày đầu. Như vậy, chỉ sau khoảng thời gian này, khả năng dương tính hoặc truyền bệnh mới thấp hơn.
Do đó, việc giảm thời gian cách ly với những người mắc Covid-19 là “sự đánh đổi” giữa việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh với duy trì các hoạt động của nền kinh tế.
Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO đưa ra tuyên bố trên sau khi Tây Ban Nha thông báo rút ngắn thời gian cách ly đối với các ca mắc Covid-19 từ 10 xuống còn 7 ngày. Trước đó, Mỹ cũng giảm khuyến nghị cách ly đối với các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày.
Theo hướng dẫn của WHO về cách ly, các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng cần cách ly 10 ngày sau khi biểu hiện triệu chứng và thêm 3 ngày sau khi hết triệu chứng; trong khi các trường hợp không biểu hiện triệu chứng cần cách ly 10 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính.
Hiện, các nước đều đang nỗ lực nhằm tìm ra biện pháp phù hợp để vừa có thể chặn đà lây lan của dịch bệnh vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đặc biệt sau khi số ca mắc mới trên toàn thế giới tăng 11% trong tuần trước do sự lây lan của biến thể Omicron.