Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên

NDO -

NDĐT - Cháu Ly Chương B., 7 tuổi bị mắc bệnh giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi vừa được các bác sĩ Học viện Quân y 103 phối hợp các chuyên gia Nhật Bản thực hiện ghép phổi thành công. Đây là bước tiến mới trong chuyên ngành ghép tạng ở Việt Nam, mang lại hy vọng cho những bệnh nhân cần được ghép phổi.

Việt Nam đạt bước tiến mới trong y học khi tiến hành thành công ca ghép phổi đầu tiên.
Việt Nam đạt bước tiến mới trong y học khi tiến hành thành công ca ghép phổi đầu tiên.

Học viện Quân y là một trong những trung tâm ghép tạng lớn của quân đội và cả nước. Sau những thành công về ghép thận, ghép gan, ghép tim và ghép khối tụy – thận, năm 2016, Học viện Quân y xác định nghiên cứu triển khai ghép phổi trên người là một nhiệm vụ trọng tâm.

Ngày 14-11-2016, Học viện Quân y đã cùng với Bệnh viện Nhi Trung ương lựa chọn cháu Ly Chương B., 7 tuổi, quê ở xã Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) để chẩn đoán. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, Học viện đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời chuyên gia trong, ngoài nước hội chẩn, chẩn đoán và kết luận cháu Ly Chương B. bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ ba, có chỉ định ghép phổi.

7 giờ sáng ngày 21-2, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi cho cháu Ly Chương B.. Người cho phổi là bố và bác ruột của cháu Ly Chương B..

GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, êkíp phẫu thuật đã phẫu thuật lấy hai thùy dưới của hai người cho và ghép vào phổi của cháu bé. Ca ghép kéo dài đến 17 giờ 30 phút cùng ngày.

Sau mổ, cả bố và bác ruột của cháu Ly Chương B. đều ổn định. Riêng cháu Ly Chương B. đang được điều trị tích cực, các chỉ số sinh tồn đều ổn định nhưng bệnh nhi còn rất nhiều vấn đề cần phải theo dõi sát sao trong thời gian tới.

Theo Giám đốc Học viện Quân y, ca ghép phổi đầu tiên này có nhiều điểm khó khi thể trạng bệnh nhi rất yếu. Các ca ghép thông thường chỉ lấy tạng từ một người, nhưng đây là lấy tạng từ hai người nên phải hết sức cẩn thận khi dùng các thuốc ức chế miễn dịch.

GS Quyết thông tin thêm, đây là ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người chết não” do Học viện Quân y thực hiện. Từ tháng 6-2016 đến tháng 10-2016, Học viện đã xây dựng đề cương nghiên cứu, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép phổi tại Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản và đón đoàn chuyên gia của nước bạn sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép phổi cho Học viện.