Mạng lưới cơ sở y tế hướng tới cung ứng dịch vụ y tế toàn diện

Nằm ngay trung tâm xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, Trạm y tế xã Phiêng Khoài khá nổi bật với tòa nhà 2 tầng có diện tích 350 m2 một sàn được xây dựng khang trang trong khuôn viên hơn 800 m2.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La triển khai kỹ thuật “Bơm ciment tạo hình thân đốt sống qua da” do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển giao.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La triển khai kỹ thuật “Bơm ciment tạo hình thân đốt sống qua da” do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển giao.

Dẫn chúng tôi đi thăm 15 phòng chức năng, trong đó có 9 phòng phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, các phòng chức năng, bác sĩ Vũ Huy Thông, Trưởng Trạm y tế Phiêng Khoài cho biết, trạm có 10 cán bộ y tế, trong đó có hai bác sĩ và một dược sĩ đại học thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho 12 nghìn người dân sinh sống trên địa bàn. Trung bình mỗi ngày trạm đón tiếp thăm khám cho khoảng 30 bệnh nhân.

Trạm đang theo dõi và cấp phát thuốc cho 256 bệnh nhân tăng huyết áp. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng được duy trì khá cao, trong thời gian qua khi được cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng, cán bộ của trạm và nhân viên y tế thôn bản đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để mời, nhắc các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi đến tiêm chủng đúng lịch, tiêm bổ sung...

Nhờ trạm y tế mới được xây dựng, người dân đến khám bệnh có quạt mát, ghế ngồi tại khu vực chờ khám; các phòng khám, phòng theo dõi sau tiêm chủng, phòng lưu bệnh trong ngày đều rộng rãi... theo đó y, bác sĩ làm việc cũng đỡ vất vả hơn, không còn chật chội như trạm cũ.

Chị Điêu Thị Thủy, 43 tuổi (nhà ở cách Trạm Y tế xã Phiêng Khoài hơn 2 km) cho biết rất vui vì công trình mới, rộng rãi, sạch đẹp và thoáng mát. Từ nay chị được thăm khám, theo dõi sức khỏe ở cơ sở khang trang mà lại gần nhà, không phải đi 40 km ra Trung tâm y tế huyện.

Có cơ ngơi mới, các cán bộ y tế ở Trạm Y tế Phiêng Khoài mong muốn được cấp thêm danh mục thuốc (hiện nay mới có 25 loại là quá ít); trang bị thêm trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Trạm y tế Phiêng Khoài là một trong 40 trạm y tế trên địa bàn 10 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La được đầu tư xây mới theo dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Đến nay, dự án đã hoàn thành 27 trạm, trong đó 12 trạm đã bàn giao đưa vào sử dụng; 15 trạm đang hoàn thiện thủ tục kiểm tra kỹ thuật để bàn giao đưa vào sử dụng. Theo tiến độ, dự kiến hết tháng 5/2024 có 39 trạm y tế xã sẽ hoàn thành xây lắp, làm thủ tục bàn giao đưa vào khai thác phục vụ nhân dân. Trạm thứ 40 cũng sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 15/10 tới đây.

Ngoài đầu tư xây mới 40 trạm y tế, dự án cũng sẽ cung cấp trang thiết bị y tế cho tất cả 204 trạm y tế xã và 12 trung tâm y tế huyện, thành phố.

Nhiều xã bắt đầu thí điểm mô hình sàng lọc đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư cổ tử cung và mô hình lồng ghép cải thiện dinh dưỡng trẻ em như: mô hình sàng lọc đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư cổ tử cung tại 28 bản thuộc các xã Co Tòng, Liệp Tè (huyện Thuận Châu); Mường Lèo, Sam Kha (huyện Sốp Cộp).

Các xã Pú Bẩu, Mường Cai, Huổi Một (huyện Sông Mã); Long Hẹ, É Tòng, Co Mạ (huyện Thuận Châu) triển khai mô hình cải thiện dinh dưỡng trẻ em. Theo đánh giá của đoàn giám sát Bộ Y tế, khi các trạm y tế được xây mới cũng như tăng cường cơ sở vật chất sẽ tạo ra “bộ mặt mới” cho y tế cơ sở ở Sơn La.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế xác định sự kiên định theo đuổi mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, bảo đảm phát triển mạng lưới cơ sở y tế để làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong từng thời kỳ, đồng thời từng bước tiệm cận hệ thống y tế của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, quy hoạch gồm năm cơ sở y tế cấp vùng, liên tỉnh và liên ngành thuộc các lĩnh vực: khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần; y tế dự phòng, y tế công cộng; kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn về thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, vắc-xin và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế, sản xuất dược phẩm, vắc-xin, sinh phẩm y tế và thiết bị y tế; lĩnh vực dân số-sức khỏe sinh sản.

Các chuyên gia lĩnh vực y tế cho rằng, bên cạnh phát triển hệ thống cơ sở y tế chuyên sâu, cần tiếp tục đầu tư cho y tế cơ sở để làm tốt chức năng “người gác cổng của hệ thống y tế”.

Việc đầu tư nhằm bảo đảm đồng thời cả hai yếu tố: nâng cao năng lực toàn diện của mạng lưới y tế cơ sở; cải thiện sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với cộng đồng dân cư cũng như sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với các cơ sở y tế tuyến trên.