Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già vào năm 2050

NDO -

NDĐT- Sáng 2- 12, tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Đối thoại về chính sách y tế người cao tuổi. Tại đây các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế đều chỉ rõ, Việt Nam là một trong mười nước có tỷ lệ già hóa nhanh nhất thế giới. Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già vào năm 2050.

Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già vào năm 2050

Tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam tăng nhanh và liên tục từ 7,1% dân số (năm 1989) lên 10,5% (năm 2013). Nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn sáu năm so với dự báo (2017).

Với tốc độ già hóa dân số nhanh hơn so với các nước khu vực, Việt Nam chỉ mất khoảng 20 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn cấu trúc dân số già. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số, gấp hơn hai lần hiện nay. Năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số. Khi đó chỉ với 3 người trong độ tuổi lao động đã có 1 người cao tuổi.

Tỷ lệ người già tăng rất nhanh nhưng khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội chưa theo kịp. Theo các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, dân số Việt Nam già trước khi giàu vì chi phí y tế sẽ tăng ít nhất ba lần trong năm 2030. Còn theo Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư Nguyễn Trung Anh, chi phí y tế cho người già cao gấp bảy đến 10 lần người trẻ, người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc và xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế.

Bên cạnh số lượng bệnh nhân đến khám ngày càng nhiều, thì nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa T. Ư còn cho thấy hầu hết bệnh nhân cao tuổi mắc từ ba, bốn bệnh trở lên. Tính bình quân, mỗi người cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên) phải sử dụng từ ba đến năm loại thuốc, có những bệnh nhân phải dùng đến tám loại thuốc để điều trị nhiều bệnh phối hợp, đo đó chi phí y tế tăng lên rất cao.

Tổ chức Y tế thế giới đã xác định người cao tuổi là nguồn lực mới của sự phát triển. Tuy nhiên, già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra những thách thức rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, sự bền vững quốc gia không chỉ đối với các nước đang phát triển mà còn cả các quốc gia đã phát triển.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đánh giá: già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia, đòi hỏi phải hoàn chỉnh hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi.

Việt Nam đang bước vào xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó bao gồm Bệnh viện lão khoa T.Ư và các khoa lão tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; các nhà dưỡng lão tại cộng đồng của nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có một kế hoạch tổng thể và thiếu các chính sách, giải pháp về tài chính. Hiện nay, 30% người cao tuổi ở nước ta không có bất kỳ loại bảo hiểm y tế nào.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết thêm: Quốc hội và Chính phủ đang có chủ trương khuyến khích xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nói chung và người cao tuổi nói riêng. Nhưng thực tế triển khai có những điểm còn hạn chế, như những mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng chưa được triển khai rộng rãi.

Trong đề án tăng cường y tế cơ sở, Bộ Y tế cũng chú trọng nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó sẽ tích hợp mô hình bác sĩ gia đình để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cộng đồng và khuyến khích các mô hình khác nhau.

Trước bối cảnh mô hình bệnh tật thay đổi và tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chuyển hướng từ dự phòng các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch; đặc biệt tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng chống bệnh ung thư.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những khó khăn vướng mắc, các cơ quan chức năng sẽ có định hướng quan trọng trong hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, biến những thách thức về già hóa trở thành cơ hội phát triển trong tương lai.