Quần đảo Trường Sa là ngôi nhà lớn với chiến sĩ, bà con, ngư dân trên biển, để họ ấm lòng khi cần một nơi để trở về, được tiếp thêm sức mạnh về tinh thần, vật chất, sức khỏe trong hành trình vươn khơi bám biển. Tinh thần vượt khó, bám trụ để làm điểm tựa cho ngư dân về sức khỏe của các chiến sĩ quân y nơi đây khiến bất kỳ ai cũng ngưỡng mộ.

Túc trực 24/24 vì sức khỏe quân, dân đảo Trường Sa

Vài tuần trước, nam thanh niên N.V.H 36 tuổi  là công nhân đang cùng hải đoàn canh tác và làm việc trong khu vực Trường Sa bị đau bụng vùng thượng vị sau đó lan dần về hố chậu phải. Bệnh nhân đã được đưa vào bệnh xá ở đảo lân cận cấp cứu xử trí ban đầu. Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân đau tăng lên nên được chuyển sang Trung tâm y tế Trường Sa để cứu chữa.

Trung tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ, Bệnh viện Quân y 175 TP Hồ Chí Minh, Bệnh xá trưởng Trung tâm Y tế Trường Sa cho biết, ngay khi có thông tin ban đầu, toàn bộ ê-kíp cấp cứu của Trung tâm Y tế Trường Sa cùng với chỉ huy đảo và các đơn vị liên quan đã triển khai và hỗ trợ tiếp đón bệnh nhận sớm nhất kịp thời nhất.

Bệnh nhân đã được làm những xét nghiệm cấp cứu, cũng như chụp X-quang và siêu âm. Nhận định đây là trường hợp bệnh nhân có tình trạng bụng ngoại khoa, theo dõi viêm ruột thừa cấp, Trung tâm đã triển khai hệ thống Telemedicine để hội chẩn với các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 175. Nhờ sự tham vấn tốt nhất từ bệnh viện, ê-kíp nhân viên y tế đảo Trường Sa nhanh chóng tiến hành mọi công tác chuẩn bị và phẫu thuật cho bệnh nhân.

Sau quá trình cấp cứu kịp thời, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được chuyển sang giai đoạn theo dõi hậu phẫu, chủ yếu là kháng sinh giảm đau chống viêm và nuôi dưỡng tĩnh mạch, theo dõi tiếp các vấn đề về  hậu phẫu.

Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ nhanh chóng chẩn đoán tổn thương của bệnh nhân từ cầu cảng.

Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ nhanh chóng chẩn đoán tổn thương của bệnh nhân từ cầu cảng.

Trước đó, thực hiện nhiệm vụ trên ngư trường, trong điều kiện thời tiết sóng rất to, một thuyền viên bất ngờ bị trượt chân té ngã. Toàn bộ vùng mặt đầu bị chấn thương, cần khẩn trương đưa về Trung tâm Y tế Trường Sa cấp cứu. Trung tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ, Bệnh viện Quân y 175 TP Hồ Chí Minh, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa nhanh chóng nhận lệnh ra cầu cảng cấp cứu.

Khai thác nhanh các thông số cơ bản về tai nạn của thuyền viên, các bác sĩ nhận thấy tình trạng huyết áp bệnh nhân thấp, có biểu hiện choáng. Nhanh chóng, 2 điều dưỡng khênh bằng băng ca hướng nhanh về phía trạm xá nằm phía sau tòa nhà Ủy ban nhân dân thị trấn. Bằng mọi biện pháp nhanh nhất, bệnh nhân được được xử lý giảm đau bất động, chụp X-quang, làm xét nghiệm. “Bệnh nhân chỉ chấn thương phần mềm, chấn thương não nhẹ”, bác sĩ Thọ trao đổi với các đồng nghiệp.

Anh nhanh chóng hội chẩn qua Telemedicine với ê-kíp cố vấn từ xa từ Bệnh viện Quân y 175, TP Hồ Chí Minh, báo cáo với Ban quân y của Lữ đoàn 146 để có sự phối kết hợp về mặt chuyên môn. Những tư vấn của các chuyên gia đầu ngành giúp các anh vững vàng xử trí cho người bệnh tại đảo Trường Sa lớn. Nhờ đó, sau 3-5 ngày, bệnh nhân đã dần bình phục.

Hội chẩn ca bệnh với các bác sĩ qua hệ thống Telemedicine.

Hội chẩn ca bệnh với các bác sĩ qua hệ thống Telemedicine.

Theo nguyện vọng của bệnh nhân muốn trở lại tàu công tác, các y, bác sĩ cấp phát thuốc và hỗ trợ chuyến tàu cho bệnh nhân. "Những ngày ở đây, bệnh nhân không chỉ được hỗ trợ ăn, ở, điều trị miễn phí mà chúng tôi còn chăm sóc như người nhà, động viên tinh thần mau khỏi bệnh”, bác sĩ Thọ chia sẻ.

Đây là một trong những ca được trực tiếp cứu chữa tại Bệnh xá Trường Sa lớn với sự hỗ trợ chuyên môn từ xa, không cần phải đưa về bờ can thiệp. Nhờ vậy, bệnh nhân được xử trí kịp thời và nhanh chóng trở lại với hải trình.

Trung tâm Y tế Trường Sa lớn do Bệnh viện Quân y 175 thực hiện nhiệm vụ công tác y tế được đầu tư đầy đủ hệ thống siêu âm, X-quang, xét nghiệm cơ bản bảo đảm cho cấp cứu và cứu chữa ban đầu cho bà con ngư dân đang sinh sống và làm việc trong khu vực.

Tại đây, hệ thống Telemedicine cũng được thiết lập để hỗ trợ hội chẩn từ xa, giúp các y, bác sĩ từ Trung tâm y tế có thể liên lạc kết nối và hội chẩn về hình ảnh để đưa ra hướng xử trí và phác đồ sớm nhất, giúp cứu chữa kịp thời. Và trường hợp trên là những ca được hội chẩn Telemedicine thành công.

Trang thiết bị y tế hiện đại tại đảo Trường Sa lớn.

Trang thiết bị y tế hiện đại tại đảo Trường Sa lớn.

Chiều 20/4, chúng tôi được đặt chân tới Trường Sa lớn. Phía cổng thị trấn Trường Sa, rất nhiều tàu cá neo đậu. Bác sĩ Nông Hữu Thọ đang hối hả cùng quân, dân trên đảo tiếp đoàn công tác. Chỉ dành ít thời gian để chia sẻ về công việc tại thị trấn, bác sĩ Thọ cho hay, từ lâu anh đã đăng ký xin được góp một phần sức nhỏ bé chăm sóc sức khỏe cho người dân biển đảo. Là bác sĩ ngoại khoa lồng ngực, anh đảm nhận vị trí Bệnh xá trưởng, thực hiện không ít ca phẫu thuật tại đảo.

Tình thương là phương thức chữa lành giúp y, bác sĩ đoàn kết vượt qua những khó khăn cứu chữa cho người dân. Đây là câu châm ngôn hay và là động lực cho cán bộ chiến sĩ. Bởi vì ở đây, chúng tôi phải đảm trách nhiều chuyên khoa khác nhau, trong điều kiện tương đối hạn chế, một mặt về chuyên môn phải có tinh thần, đồng đội, có tình thương với bệnh nhân, sẽ tìm cách sáng tạo vượt qua khó khăn thử thách.
Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ

Chỉ tay về phía cổng thị trấn, bác sĩ Thọ cho biết, hầu hết ngư dân neo đậu về đây ngoài cần hỗ trợ sức khỏe chủ yếu mắc các bệnh lý về nội khoa, chấn thương do tai nạn lao động như chấn thương tay, chân, ngực, bụng, đầu. Hội chứng giảm áp là chấn thương thường gặp nhiều nhất do bà con thường lặn sâu để đánh bắt cá, gây ra tình trạng yếu chi, khó thở. Nếu phát hiện sớm kịp thời đưa vào cứu chữa oxy liệu pháp, nội khoa, cân bằng nước điện giải, bù dịch cho qua cơn nguy kịch, 3-5 ngày bệnh nhân sẽ hồi phục. Nếu tới trễ, bệnh nhân sẽ khó bảo toàn tính mạng nên nhận định, xử trí kịp thời rất quan trọng.

Ở bệnh xá, các nhân viên y tế không chỉ chăm sóc về sức khỏe, mà còn là người nhà, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho quân, dân và ngư dân hoạt động gần đảo khi nằm điều trị tại đây.

Đưa ngư dân gặp sự cố sức khỏe về Bệnh xá.

Đưa ngư dân gặp sự cố sức khỏe về Bệnh xá.

Bệnh nhân được sơ cứu kịp thời.

Bệnh nhân được sơ cứu kịp thời.

Bác sĩ Nông Hữu Thọ thăm khám cho ngư dân.

Bác sĩ Nông Hữu Thọ thăm khám cho ngư dân.

Nhiều ca bệnh phải xử trí ngay trong đêm.

Nhiều ca bệnh phải xử trí ngay trong đêm.

Trước đó, chúng tôi được đặt chân lên đảo Đá Tây A, được chứng kiến cơ sở vật chất đầu tư khang trang của Trung tâm Y tế nơi đây với trang thiết bị y tế đồng bộ hơn như một bệnh viện thu nhỏ. Theo bác sĩ Lê Dương Võ Hoàng, Trung tâm Y tế Đá Tây A gồm có 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 điều dưỡng quân y.

Hơn 11 năm đi khắp các đảo lớn, nhỏ... để làm điểm tựa cho ngư dân về sức khỏe, y sĩ Nguyễn Văn Thắng vừa nhận nhiệm vụ tại đảo Đá Tây A. Trước đây, ở những đảo nhỏ, khắc phục những thiếu thốn về trang thiết bị chẩn đoán hiện đại, y sĩ Thắng phải chẩn đoán bằng kinh nghiệm, sau đó chuyển tiếp bệnh nhân đến đảo Song Tử hoặc Trường Sa lớn để cấp cứu. Tại đây, kíp của anh có thêm bác sĩ, điều dưỡng và trang thiết bị y tế đầy đủ hơn, việc thăm khám sức khỏe cho ngư dân tốt hơn rất nhiều.

Y sĩ Nguyễn Văn Thắng đã có 11 năm công tác tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa.

Y sĩ Nguyễn Văn Thắng đã có 11 năm công tác tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa.

Đảm nhận nhiệm vụ Bệnh xá Trưởng đảo Đá Tây A, vừa hoàn thiện chứng chỉ hành nghề 18 tháng tại Bệnh viện Quân y 103, bác sĩ Lê Dương Võ Hoàng xung phong đăng ký ra đảo Đá Tây A công tác. Ca bệnh nhớ nhất mà bác sĩ Hoàng xử trí cấp cứu khi nhận nhiệm vụ Bệnh xá Trưởng là cấp cứu ngư dân bị ngộ độc cá hồng. Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Y tế Đá Tây A trong tình trạng sốc vào lúc 3 giờ sáng. Ngay lập tức, kíp cấp cứu túc trực ở cầu cảng đã đo huyết áp, nhịp tim, nhận định tình hình bệnh nhân rồi nhanh chóng đưa về bệnh xá cho bệnh nhân uống điện giải, bù dịch. "12 tiếng sau, bệnh nhân ổn định dần được cho về tàu tiếp tục hành trình đánh bắt hải sản. Ngư dân tàu đã tặng chúng tôi một con cá rất to cảm ơn”, bác sĩ Hoàng nhoẻn miệng cười kể.

Bác sĩ Lê Dương Võ Hoàng.

Bác sĩ Lê Dương Võ Hoàng.

Với những trường hợp vượt quá khả năng điều trị, bác sĩ Hoàng sẽ gọi điện cho các trạm xá lớn ở đảo Nam Yết (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phụ trách chuyên môn), Song Tử (Bệnh viện Quân y 103 phụ trách chuyên môn), Trường Sa lớn (Bệnh viện Trung ương Quân y 175 phụ trách chuyên môn) để xin hướng xử lý, tư vấn cho ngư dân đến cơ sở y tế phù hợp để được điều trị tốt nhất.

Item 1 of 3

Bác sĩ Nông Hữu Thọ sơ cứu cho người bệnh ở cầu cảng.

Bác sĩ Nông Hữu Thọ sơ cứu cho người bệnh ở cầu cảng.

Đón tiếp bệnh nhân đưa về Bệnh xá.

Đón tiếp bệnh nhân đưa về Bệnh xá.

Tiếp đón người bị nạn đưa về Trạm xá đảo Trường Sa lớn.

Tiếp đón người bị nạn đưa về Trạm xá đảo Trường Sa lớn.

Phát huy tinh thần đoàn kết về mặt chuyên môn, tự chủ xử lý tình huống

Đảm nhận nhiệm vụ gian khó, trong tình trạng còn thiếu thốn các thiết bị hiện đại, chẩn đoán chuyên sâu về các mặt bệnh, các chiến sĩ quân y tại đây luôn vận dụng sáng tạo những kiến thức và kinh nghiệm có được để kịp thời nhận định về tình trạng bệnh lý người bệnh.

Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Nông Hữu Thọ cho hay, hệ thống hội chẩn từ xa Telemedicine chỉ là phương tiện hỗ trợ, quan trọng nhất với ê-kíp chiến sĩ quân y tại đảo là sức mạnh tập thể trong hội chẩn tại chỗ, phải độc lập tự chủ ra quyết định kịp thời.

“Tình thương là phương thức chữa lành giúp y, bác sĩ đoàn kết vượt qua những khó khăn cứu chữa cho người dân. Đây là câu châm ngôn hay và là động lực cho cán bộ chiến sĩ. Bởi vì ở đây, chúng tôi phải đảm trách nhiều chuyên khoa khác nhau, trong điều kiện tương đối hạn chế, một mặt về chuyên môn phải có tinh thần, đồng đội, có tình thương với bệnh nhân, sẽ tìm cách sáng tạo vượt qua khó khăn thử thách”, bác sĩ Thọ bày tỏ.

Hệ thống hội chẩn từ xa Telemedicine chỉ là phương tiện hỗ trợ, quan trọng nhất với ê-kíp chiến sĩ quân y tại đảo là sức mạnh tập thể trong hội chẩn tại chỗ, phải độc lập tự chủ ra quyết định kịp thời.

Tại đảo Trường Sa lớn, Trung tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ cùng các nhân viên y tế tại đây cũng đang ấp ủ sớm sẽ có chương trình kết hợp với các thầy giáo trên đảo, mở lớp học tiếng Anh dạy cho các em học sinh. Hè này, trên đảo Trường Sa, những em nhỏ có thể sẽ sớm được tiếp cận những chữ cái tiếng Anh ban đầu để việc học tập nơi đây có thêm nhiều điều thú vị. Đây cũng là cách mà các y, bác sĩ tranh thủ tận dụng thời gian công tác tại đảo, vừa ôn luyện kiến thức cho mình, vừa góp một phần sức nhỏ bé giúp cho việc học tập, sức khỏe các em nơi đây ngày càng tốt hơn.

Tại đảo Đá Tây A, bác sĩ Lê Dương Võ Hoàng -Bệnh xá trưởng tâm sự, cuối năm nay, Trung tâm Y tế Đá Tây A sẽ có thêm ê-kíp y, bác sĩ tại các bệnh viện lớn đảm nhận chuyên môn tại đảo, các trang thiết bị sẽ được đầu tư đồng bộ hơn nữa. Điều này, giúp các chiến sĩ quân y tự tin bám trụ, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân tại chỗ, không mất thời gian vận chuyển, làm giảm thời gian vàng điều trị.

Trong số các y, bác sĩ như Nông Hữu Thọ, Lê Dương Võ Hoàng, Nguyễn Văn Thắng, có người mai đây sẽ tiếp tục đi tới đảo khác nhận nhiệm vụ y tế hoặc trở về đất liền, nhưng trong họ đều vô cùng tự hào vì đã được đặt chân tới những điểm đảo xa xôi của Tổ quốc, góp công sức cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội, nhân dân trên đảo và ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Ngày xuất bản: 24/4/2024
Thực hiện: THIÊN LAM