TP Hồ Chí Minh xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh

NDO -

Chiều 25/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn. Thông tin được quan tâm nhiều là TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kịch bản ứng phó với hệ thống điều trị cho từng tình huống, từng cấp độ trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, thành phố tuy ở cấp độ 2 về đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ nhưng thực chất số ca mắc mới của thành phố vẫn còn ở mức độ 3. Do vậy, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh trong thời gian tới để người dân không chủ quan, thực hiện nghiêm quy định 5K nhằm tránh lây lan dẫn đến số ca mắc mới tăng lên.

Với số ca mắc còn cao, công tác kiểm soát dịch của thành phố cũng như kế hoạch ứng phó đối với ngành y tế vẫn ở cấp độ 3, cấp độ nguy cơ cao. TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kịch bản ứng phó với hệ thống điều trị cho từng tình huống, từng cấp độ trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, liên quan công tác thu dung, điều trị, thành phố đang triển khai 4 kịch bản tương ứng số lượng ca mắc mới trong 100.000 dân/tuần.

Tình huống thứ nhất, nếu số ca mắc mới ở mức độ 1, các ca F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ sẽ được chăm sóc tại nhà do trạm y tế phường quản lý. Đối với các trường hợp nhập viện điều trị, thành phố sẽ sử dụng Bệnh viện dã chiến số 16 để thu dung, điều trị. Ngoài ra, còn có 3 bệnh viện Nhiệt đới, Từ Dũ, Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ở tình huống thứ hai, tình hình dịch được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới tương ứng ở mức độ 2, số ca F0 không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà. Thành phố sẽ sử dụng 2 Bệnh viện dã chiến số 16 và 13 cùng các bệnh viện quận, huyện; sử dụng thêm Bệnh viện Hùng Vương để điều trị.

Ở tình huống thứ ba, số ca mắc mới tương ứng mức độ 3, những bệnh nhân không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ sẽ điều trị tại nhà với sự chăm sóc, quản lý của các trạm y tế lưu động. Thành phố sẽ sử dụng 3 bệnh viện dã chiến 13,14, 16; Trung tâm hồi sức tại 3 Bệnh viện Chợ Rẫy, Quân y 175, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới; Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 cùng Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương tham gia tiếp nhận điều trị.

Trong tình huống thứ tư, dịch bệnh bùng phát, số ca mắc ở mức độ 4, những bệnh nhân nhẹ sẽ được điều trị tại nhà. Ngoài trạm y tế lưu động, các phường, xã thành lập tổ chăm sóc Covid-19 cộng đồng để hỗ trợ trạm y tế chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Tình huống này, thành phố huy động toàn bộ các bệnh viện, trung tâm hồi sức, các bệnh viện quận, huyện, đồng thời  mở thêm bệnh viện dã chiến 300-500 giường tại các quận, huyện. Tổng số giường điều trị bệnh nhân trong tình huống này là 16.000-19.000 giường, trong đó có 6.500 giường oxy và 2.000 giường ICU.

Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố thông tin, ngày 24/10, số ca bệnh nhân nặng đang thở máy ở thành phố tiếp tục giảm với 286 bệnh nhân. Trong ngày 24/10, thành phố cũng có 689 bệnh nhân nhập viện, 539 bệnh nhân xuất viện.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan