Đội ngũ y, bác sĩ cả nước chia lửa với miền nam thân yêu

NDO -

“Ai cũng mong muốn sẽ là "những mảnh ghép nhỏ" góp vào bức tranh lớn trong công cuộc đầy lùi dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống bình yên trở lại với người dân TP Hồ Chí Minh”, TS Phan Thảo Nguyên, Bệnh viện E mang theo khí thế lạc quan và quyết tâm chiến thắng của hàng trăm y, bác sĩ trẻ lên đường vào miền nam.

GS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E gửi gắm niềm tin vào đồng đội khi chi viện cho miền nam.
GS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E gửi gắm niềm tin vào đồng đội khi chi viện cho miền nam.

Hôm qua, anh và hàng trăm y, bác sĩ tinh nhuệ nhất của nhiều bệnh viện tuyến Trung ương gồm Bệnh viện E, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương lên đường vào TP Hồ Chí Minh tiếp sức đồng đội điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đội quân tinh nhuệ này sẽ “chia lửa” với các đồng nghiệp ở hai “chiến trường” điều trị bệnh nhân Covid-19 khốc liệt nhất là Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức với một tâm huyết: Khi nào TP Hồ Chí Minh chiến thắng dịch bệnh mới trở về.

Họ cũng như hàng nghìn cán bộ y tế khác đã kiên trì bám trụ tại các tâm dịch suốt 2 tháng qua, sẵn sàng dốc hết 200% sức lực vì sự an toàn của người dân, vì sự hồi sinh của người bệnh.

Tiếp sức và chia lửa vì miền nam thân yêu -0
 Mặt trận điều trị bệnh nhân Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhân lực y tế

Miền nam đang trong những ngày bị tổn thương nặng nề vì Covid-19. Cuộc đối mặt với kẻ thù vô hình đã làm cho cuộc sống bị ngưng trệ, tốc độ lây nhiễm bệnh tăng nhanh chưa từng có. Mỗi ngày, nhân viên y tế tại đây phải làm việc gấp 2, 3 lần công việc bình thường, chăm sóc khối lượng bệnh nhân lớn trong nhiều giờ đồng hồ.

Tại mặt trận điều trị, việc thiếu một số lớn nhân viên y tế tinh nhuệ trong công tác hồi sức tích cực đã khiến đội ngũ nhân viên y tế tại đây bất lực trước nhiều trường hợp diễn biến nguy kịch nhanh và không thể qua khỏi. 

Hơn lúc nào hết, ngành y tế cần phải có thêm những cuộc tiếp sức nữa để giảm tải áp lực cho đội ngũ áo trắng đã kiên trì trụ vững suốt gần 2 tháng qua, để chi viện cho những tâm dịch đang thiếu nhân lực trầm trọng.

Tiếp sức và chia lửa vì miền nam thân yêu -0
 Bệnh viện K lên đường chi viện cho miền nam.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại miền nam đang là những ngày tháng khốc liệt, cam go nhất, tổn thất nặng nề nhất trong nhiều cuộc cầm quân chinh chiến của Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế - Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Thấu hiểu nỗi vất vả gần vắt kiệt sức lực của những nhân viên y tế tuyến đầu trong 2 tháng qua, với quyết tâm bảo vệ mặt trận điều trị, tiếp sức cho các chiến sĩ áo trắng không gục ngã, ngày 24/7, ông đã phát đi thư ngỏ khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công - tư; Hội Y tế TP Hồ Chí Minh; các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế; các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu; các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối thiết bị sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

“Với trách nhiệm với nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng yêu thương đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công việc chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc điều trị cho người bệnh”, Thứ trưởng ngỏ lời.

Tiếp sức và chia lửa vì miền nam thân yêu -0
 Thư ngỏ của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Thời điểm Thứ trưởng kêu gọi cả nước cùng chi viện cho miền nam là khi TP Hồ Chí Minh trong những ngày tiếp tục căng thẳng, số ca tăng vọt lên 5.000 ca nhiễm mỗi ngày. 14 bệnh viện dã chiến luôn trong tình trạng quá tải, thiếu nhân lực ở rất nhiều vị trí. Trong khi đó, các địa phương khác cũng có khoảng trống lớn trong công tác hồi sức, tích cực.

Bức thư ngỏ của Trưởng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đã chạm đến trái tim hàng trăm nghìn cán bộ y tế. Chỉ sau 2 ngày, đã có thêm một sự chi viện thần tốc cho chiến trường điều trị miền nam.

Từ gần 4.000 người đang chi viện cho chiến trường nóng bỏng này, đến hôm qua (27/7), địa phương này đã nhận được thêm hơn 2.000 người tình nguyện đăng ký. Họ đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ theo sự điều phối của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để bù đắp vào những chỗ thiếu hụt nhân lực y tế. 

Lần này, ngành y tế có cả sự vào cuộc mạnh mẽ của đội ngũ y tế tư nhân như Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Nam Sài Gòn.

Tiếp sức và chia lửa vì miền nam thân yêu -0
 PGS, TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương động viên đoàn công tác đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Trong đó, Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức đăng ký chuyển đổi công năng toàn bộ bệnh viện với quy mô ban đầu là 100 giường và có thể nâng lên 200 giường khi cần. Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Xuyên Á đăng ký hoạt động theo mô hình “bệnh viện phân đôi”. Bệnh viện Hiệp Lợi tham gia tiêm chủng. Tất cả bệnh viện trên đều đủ năng lực để tham gia ở tầng 3 trong hệ thống điều trị 5 tầng của thành phố.

Trong lần chi viện này, có những người đã từng trải qua nhiều mặt trận điều trị khốc liệt, có những người lần đầu tiên dấn thân vào điểm nóng. Có những thách thức nhìn thấy trước mắt, có những khó khăn chưa thể lường được… nhưng các chiến sĩ áo trắng vẫn tình nguyện hy sinh, tình nguyện cống hiến, tình nguyện chia lửa và tiếp sức vì một tinh thần nhân văn tuyệt vời: sát cánh bên đồng đội, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tiếp sức và chia lửa vì miền nam thân yêu -0
 Đoàn chi viện miền nam của Bệnh viện Da liễu Trung ương đã đến TP Hồ Chí Minh hôm qua.

Sự chi viện kịp thời này là sự chia sẻ quý báu nhất cho TP Hồ Chí Minh, đặc biệt cho công tác chăm sóc người bệnh không triệu chứng, có triệu chứng, hồi sức chuyên sâu bệnh nhân nặng và nguy kịch, để giúp ngành y tế tại đây không phải chịu sự "căng kéo" giữa các bộ phận, giảm tải cho y tế tuyến đầu.

Trong cuộc chiến còn dài hơi và nhiều thách thức nhất từ trước đến nay, chắc chắn sẽ còn nhiều chiến sĩ áo trắng đăng ký tình nguyện dấn thân. Họ đã và đang sẵn sàng chờ lệnh lên đường để bảo vệ miền nam ruột thịt, vì sự bình an của người dân trước kẻ thù Covid-19.

Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp nhận 2 đợt chi viện nhân lực với tổng số: 3.969 người, trong đó: 700 bác sĩ, 1.553 điều dưỡng, 78 kỹ thuật viên, 9 nhân viên y tế khác và 1.629 sinh viên.

Cụ thể, đợt 1, thành phố đã tiếp nhận 3.671 người, gồm: 612 bác sĩ, 1362 điều dưỡng, 68 kĩ thuật viên và 1.629 sinh viên. Đợt 2, thành phố tiêp nhận 289 người, gồm: 88 bác sĩ, 191 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên.

Số nhân lực này, hiện đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn phù hợp với tính chất công việc: điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, các bệnh viện thu dung dã chiến và các địa phương phục vụ công tác truy quét, xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Đối với đối tượng đăng ký tham gia tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hôm qua (27/7), đã có 2.154 người đăng ký. 

Mọi sự hỗ trợ xin  tiếp tục gửi về số điện thoại: 028.393.099.67 và 0907.574.269 hoặc đăng ký qua đường link tại đây

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan