Các loại vắc-xin Covid-19 đều đem lại hiệu quả

Tiêm vắc-xin được xác định là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với mục tiêu 2/3 số dân trong cả nước được tiêm vắc-xin Covid-19.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Covid-19 là mối đe dọa đối với người chưa được tiêm chủng. Trong hơn 190 nghìn người mắc tại Việt Nam thì số người chưa tiêm chắc chắn là rất cao (tỷ lệ tiêm vắc-xin mới đạt chưa đến 10% dân số). Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy một số người mắc Covid-19 có thể bị bệnh rất nghiêm trọng, khiến họ phải nhập viện, và một số người vẫn có các vấn đề sức khỏe kéo dài một vài tuần sau đó hoặc thậm chí lâu hơn sau khi bị nhiễm bệnh. Ngay cả những người chưa từng có triệu chứng khi bị nhiễm bệnh cũng có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe kéo dài này. Chính vì vậy, việc tiêm vắc-xin là giải pháp ngăn chặn đại dịch lây lan và giảm mức độ nghiêm trọng đối với sức khỏe khi không may nhiễm Covid-19.

Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), vắc-xin không phải lá chắn vàng cho phòng, chống Covid-19 theo nghĩa cứ tiêm vắc-xin là miễn nhiễm với vi-rút. Cho đến giờ không có vắc-xin nào có thể giúp con người miễn nhiễm tuyệt đối với Covid-19, tuy nhiên một vắc-xin được coi là có hiệu quả khi có thể hạn chế được trên 50% khả năng mắc bệnh và hiện nay các vắc-xin Covid-19 đã được Việt Nam phê duyệt cấp phép sử dụng đều có khả năng cao hơn thế.

Trong phòng, chống Covid-19, có hai mức độ dự phòng: Dự phòng cấp 1 là hạn chế lây nhiễm bệnh, vắc-xin giúp hạn chế lây nhiễm và nếu không may có nhiễm thì thời gian có thể lây nhiễm tiếp rút ngắn lại, người bệnh nhanh khỏi và ít nguy hiểm hơn cho cộng đồng. Ở mức độ dự phòng cấp 2, hạn chế nhiễm rồi mắc bệnh và mắc thể nặng, vắc-xin giúp người không may nhiễm bệnh gần như không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tỷ lệ phải can thiệp y tế rất thấp, từ đó giảm tải cho hệ thống y tế và hạn chế tử vong. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi số mắc tăng cao làm quá tải bệnh viện. Những người được tiêm đầy đủ nếu nhiễm thì gần như không phải điều trị và có thể tự khỏi trong thời gian ngắn hơn. Hiện nay, những vắc-xin được phê duyệt tại Việt Nam đều có hiệu quả cao phòng thể nặng và nhập viện. Xét trên bình diện chung thì việc sớm được tiêm chủng sẽ quan trọng hơn nhiều việc được tiêm loại vắc-xin gì.

Các loại vắc-xin Covid-19 đều đem lại hiệu quả -0
Tiêm vắc-xin cho người cao tuổi tại điểm tiêm Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: ĐAN PHƯƠNG 

Quản lý tiêm vắc-xin trên nền tảng dữ liệu về dân cư

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý đề xuất của Bộ Công an triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; yêu cầu bộ triển khai nhanh hệ thống. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Công an và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 triển khai, thực hiện. Theo Bộ Công an, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân đã được đưa vào vận hành, khai thác từ ngày 1/7/2021, quản lý tập trung, thống nhất thông tin của gần 100 triệu công dân. Trước diễn biến phức tạp của dịch trên cả nước, việc quản lý biến động người từ vùng dịch tại các địa phương rất cấp bách. Bên cạnh các phương pháp truyền thống, việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Bộ đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống để quản lý công dân vùng dịch và quản lý tiêm chủng vắc-xin trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm bảo đảm thông tin công dân kê khai qua các trạm kiểm soát được xác thực chính xác; xác định biến động công dân vùng dịch; quản lý tập trung dữ liệu công dân được tiêm chủng mà không cần phải đầu tư, xây dựng hệ thống công nghệ mới nhằm tránh lãng phí đầu tư công,... Đến nay, hệ thống đã chính thức hoàn thành, có thể đưa vào hoạt động ngay mà không phải đầu tư thêm kinh phí, bố trí thêm nguồn nhân lực.

Đến nay, có sáu loại vắc-xin Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Sinopharm và Janssen. Bộ Y tế khẳng định, tất cả các vắc-xin được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều bảo đảm an toàn và hiệu quả. Tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế kết nối đến hơn 700 điểm cầu trong cả nước diễn ra mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, không lựa chọn vắc-xin, có vắc-xin nào tiêm vắc-xin đó. Tất cả vắc-xin Bộ Y tế cấp phép sử dụng đều đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép và các nước đã sử dụng.

Về nguồn cung vắc-xin, đến nay bằng rất nhiều nỗ lực, Việt Nam đã đàm phán thành công được khoảng 170 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ các nguồn khác nhau. Tuy nhiên, do mức độ khan hiếm của nguồn cung nên số lượng nhận được theo cam kết chưa nhiều. Tình trạng nguồn cung vắc-xin hạn chế sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9-2021. Do vậy, trước mắt Bộ Y tế sẽ ưu tiên phân bổ vắc-xin cho các tỉnh, thành phố đang có dịch (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội được phân bổ nhiều nhất), các địa phương là đầu tàu phát triển kinh tế, để bảo đảm đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã nhập về khoảng 18 triệu liều vắc-xin các loại. Đến ngày 6/8 tổ chức tiêm được hơn 8,061 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 7,24 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 820 nghìn liều. Trong thời gian tới, khi nguồn vắc-xin về nhiều thì bên cạnh cung ứng kịp thời, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn tổ chức tiêm chủng, sử dụng đồng thời nhiều loại vắc-xin Covid-19 từ các nguồn cung ứng. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có tiến độ tiêm chủng còn chậm phải đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm nhanh hơn, nhiều hơn và hiệu quả hơn. Bộ Y tế sẽ rà soát tiến độ phân bổ, tiêm vắc-xin đến mỗi địa phương và có sự điều hành chặt chẽ. Sẽ điều chuyển vắc-xin từ những địa phương tiêm chậm sang các địa phương khác.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tranh thủ thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng; tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư; bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng... Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.

Đáng chú ý, hiện nay có tâm lý chờ đợi, lựa chọn vắc-xin để tiêm. Nhưng đó là cách lựa chọn sai lầm, vì dịch bệnh tấn công bất kể khi nào, việc tiêm vắc-xin càng sớm sẽ càng nhanh tạo ra miễn dịch cho bản thân và cộng đồng. TS Phạm Quang Thái nhấn mạnh: Tâm lý lựa chọn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính bản thân người đi tiêm, tâm lý lo ngại, không yên tâm làm ảnh hưởng tới sự an toàn của mũi tiêm. Tâm lý lựa chọn cũng dễ khiến các điểm tiêm khó điều phối người tiêm khi đến ngày tiêm một số loại nhất định lại tập trung đông trong khi những buổi tiêm vắc-xin khác lại vắng người. Thực tế này cần được điều chỉnh trong thời gian tới để bảo đảm tốc độ tiêm chủng và an toàn cho chính người được tiêm.