“Việt Nam, Việt Nam đến rồi”, những lời nói vang lên trong ngày đoàn y, bác sĩ Việt Nam đến bệnh viện tại tỉnh Champasak. Những nơi cần yên tĩnh cho người bệnh Covid-19, chúng tôi giơ hai ngón tay với nhau, biểu tượng chiến thắng (Victory). Bác sĩ Khongsombath bảo, các y, bác sĩ Lào đều hiểu, những người anh, đồng nghiệp đã đến vào lúc khó khăn nhất.
Là người có các hoạt động cùng đoàn y, bác sĩ Việt Nam tại tỉnh Champasak, phía Nam Lào, bác sĩ Khongsombath vui hẳn lên khi trò chuyện với chúng tôi. Anh bảo, khi biết tin đoàn y, bác sĩ Việt Nam đến giúp tỉnh mình, tâm lý nặng nề và lo lắng khi dịch bệnh bùng phát bỗng chốc tan biến, mọi người ai nấy đều phấn chấn, những niềm hy vọng, những ánh mắt, những khuôn mặt như bừng sáng sau tấm chắn bắn giọt.
Bác sĩ Khongsombath tâm sự, anh cùng đồng nghiệp Lào đã được đoàn y, bác sĩ chia sẻ những chuyên môn mang tính thực tiễn khi khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh Covid-19 cũng như những thông tin cơ bản về phòng, chống dịch. Những kinh nghiệm quý báu, kỹ thuật mới như kỹ thuật gộp mẫu xét nghiệm, vừa nhanh lại vừa tiết kiệm sinh phẩm, sau này anh mới biết đang được áp dụng ở một số nước có nền y tế phát triển như Mỹ, Đức, Israel.
Rào cản về ngôn ngữ đã không còn khi đoàn y, bác sĩ Việt Nam thăm khám, điều trị cho người bệnh Covid-19. Một số người bệnh có tinh thần hoảng loạn, như trường hợp sản phụ mắc Covid-19 do không có người thân bên cạnh, sự động viên, trấn an tinh thần của các bác sĩ Việt Nam đã giúp họ lấy lại sự tự tin trong cuộc sống.
“Các y, bác sĩ Việt Nam đôi khi giao tiếp với người bệnh bằng ngôn ngữ cơ thể nếu lúc đó không có phiên dịch, điều không những người bệnh mà cả chúng tôi, những y bác sĩ Lào cảm thấy rất bất ngờ. Bằng những cử chỉ thân thiện, những ánh mắt động viên, các bác sĩ Việt Nam đã giúp người bệnh thoải mái, lấy lại tinh thần, tự tin vượt qua nỗi đau bệnh tật”, bác sĩ Khongsombath nhớ lại. Đoàn y, bác sĩ Việt Nam quên ăn, quên nghỉ, vất vả đêm hôm trên những cung đường, khi biết tin có ca bệnh nặng là tập hợp ngay đội hình để xuất phát là những hình ảnh không thể nào quên trong trái tim anh.
Nhớ lại lúc phải chia tay đoàn y, bác sĩ Việt Nam phải di chuyển sang các tỉnh khác, Bác sĩ Khongsombath bảo lúc đó cảm xúc vui buồn lẫn lộn, vui vì nhiều ca bệnh đã được điều trị ổn định, buồn vì trong lòng anh và đồng nghiệp Lào thấy như sắp phải xa người thân. Bịn rịn chia tay, anh hiểu, còn nhiều nơi khác trên quê hương anh đang cần, đang chờ các y, bác sĩ Việt Nam.
Ông Panom Phongmany Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh và nâng cao sức khỏe, Bộ Y tế Lào bảo, trong nhiều trường hợp, những hỗ trợ của bác sĩ Việt Nam đưa ra đã kịp thời cứu giúp người bệnh Covid-19 thoát cơn hiểm nghèo.
Chính những kiến nghị của Đoàn y, bác sĩ Việt Nam về việc điều trị, việc cần chuyển viện cho người bệnh cũng như đề xuất cần chuyển một số máy móc y tế cần thiết từ tuyến tỉnh về để có thể điều trị đã giúp việc chẩn đoán, điều trị người bệnh kịp thời. Ngoài ra, Đoàn tư vấn việc điều chuyển loại máy móc y tế đúng chủng loại đã tránh lãng phí, bởi có thể sử dụng cho các trường hợp khác.
Ông Panom Phongmany cho biết, là người đi theo đoàn trong nhiều ngày, ông cảm nhận được phẩm chất “lương y như từ mẫu” của các bác sĩ Việt Nam. Chính tinh thần hết mình, cứu giúp người bệnh Lào như người thân của mình đã hối thúc ông và các bác sĩ Lào phải cố gắng hơn nữa, phải làm nhiều hơn nữa để người dân Lào sớm thoát khỏi đại dịch.
Một sự việc ông vẫn nhớ, khi đến giờ phải khởi hành đi tỉnh Savannakhet ở miền Trung Lào, Đoàn đã đề nghị tiếp tục ở lại qua trưa để có thời gian hội chẩn, xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh. Theo quy định, chúng tôi phải thực hiện kế hoạch đã đề ra, nhưng trước đề nghị của đoàn “ tôi đã phải xin phép đồng chí Thứ trưởng Y tế Lào để thay đổi kế hoạch”- ông Panom Phongmany bật mí với chúng tôi
Tại Thủ đô Vientiane, chiều tối ngay trước hôm về Việt Nam, mặc dù rất bận nhưng Đoàn y, bác sĩ Việt Nam vẫn cố gắng thu xếp thời gian vào thăm khám cho năm người bệnh Coivd-19 tại Bệnh viện Hữu Nghị. Những nghĩa cử dù rất nhỏ như vậy nhưng toát lên tinh thần cao thượng, lòng nhân ái của các y, bác sĩ Việt Nam mà ông Panom Phongmany sẽ luôn nhớ mãi.
Nhiều ngày trên các nẻo đường Lào, đến từng tâm dịch, dẫn đầu đoàn y, bác sĩ Bộ Y tế và đoàn chuyên gia quân đội, Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông và TS, BS Vương Ánh Dương vẫn biết bạn đang còn nhiều khó khăn, về ngành y còn thiếu thốn trang thiết bị và nhân lực. Tuy nhiên, cả hai đều chung cảm nhận về sự nhiệt tình, tinh thần học hỏi của y bác sĩ Lào, đặc biệt là tình cảm chân thành, nhân hậu của người dân.
Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông cho biết, khi di chuyển qua các tỉnh bằng ô tô, bạn luôn lo lắng các thành viên đoàn Việt Nam mệt mỏi nên luôn quan tâm, chăm sóc, lo cho đoàn từng chai nước uống, từng viên thuốc chống say. Trong chuyến công tác bằng máy bay xuống các tỉnh để vận chuyển vật tư, y tế của Bộ Quốc phòng gửi sang giúp bạn, mỗi khi xuống hàng từ máy bay, bạn đều giành phần vận chuyển, khuân vác vì không muốn các thành viên trong đoàn chuyên gia y tế quân đội bị mệt. Những ký ức “ba cùng” với bạn đã làm tất cả các thành viên trong đoàn nhớ mãi khi về Việt Nam.
Còn TS, BS Vương Ánh Dương rất xúc động trước khi rời Lào, anh bảo dù đang ở Vientiane nhưng từng khuôn mặt thân quen của các bạn Lào ở các địa phương, những y, bác sĩ Lào đã cùng đồng hành với anh trong suốt chặng đi đầy áp kỷ niệm đã không thể nào quên.
“Nhiều lúc, bạn biết trong Đoàn có những y bác sĩ chưa quen đồ ăn của Lào nên đã cố gắng tìm những món ăn giống với món ăn Việt Nam, lo cho đủ số lượng quạt vì khí hậu Lào luôn khô nóng. Đây là động lực lớn để các thành viên trong Đoàn quên đi mệt mỏi, hiểm nguy, cùng với đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của Lào hoàn thành tốt nhiệm vụ”, BS Dương xúc động kể lại.
Những bức thư viết vội đầy cảm xúc, những ánh mắt thể hiện sự biết ơn của người bệnh Lào nhiễm Covid-19, những lời chia sẻ, động viên, lời cảm ơn chân thành của đồng nghiệp bác sĩ Lào, những ghi nhận của lãnh đạo Lào là những phần thưởng, món quà lớn nhất đối với các Đoàn.
Giây phút chia tay của những y, bác sĩ Việt Nam với đồng nghiệp Lào đều thật quyến luyến, bịn rịn. Họ đã không khỏi bồi hồi xúc động, cố giấu đi những giọt nước mắt. Về đến đất mẹ, họ hoàn toàn có thể tự hào với tinh thần lương y như từ mẫu, họ đã kề vai, sát cánh cùng các y bác sĩ Lào luôn trên tuyến đầu chống Covid-19, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Bộ Y tế giao cho.
Những ngày này, các cán bộ y tế Việt Nam đang tiếp tục lăn mình vào những điểm nóng khác trong nước để hỗ trợ các địa phương chống dịch. Họ vẫn tranh thủ thời gian để liên lạc với các đồng nghiệp Lào, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị và truy vết. Họ hẹn nhau gặp lại trong một dịp khác, dịp mà các cán bộ Lào sẽ sắp xếp sang Việt Nam để học tập thêm những kỹ năng về hồi sức tích cực. Họ cũng hẹn nhau gặp lại trên đất Lào, không phải bằng sự hỗ trợ y tế, mà là chuyến đi du lịch, khi hai nước cùng khống chế được dịch bệnh, cuộc sống trở về bình yên.
Bài 1: Chuyến công tác đặc biệt và dấu ấn ca bệnh nặng Covid-19 tại Lào
Bài 2: Những chuyến đi thần tốc bịt "lỗ hổng" trong truy vết và xét nghiệm
Bài 4: Tô thắm tình nghĩa Việt - Lào trong đại dịch Covid-19
Ngày xuất bản: 29-06-2021
Chỉ đạo nội dung: VIỆT ANH
Thực hiện nội dung: XUÂN SƠN - THIÊN LAM
Đồ hoạ & kỹ thuật: ĐỨC DUY
Ảnh: XUÂN SƠN - ÁNH DƯƠNG