Việt Nam trong trái tim "anh bộ đội Cụ Hồ" Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập

NDO -

Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập là người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Trở về Hy Lạp, song tấm lòng "anh bộ đội Cụ Hồ" luôn hướng về Việt Nam - niềm tự hào của cuộc đời ông. 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập (thứ 5, từ phải) cùng đồng đội viếng lăng Bác Hồ. 
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập (thứ 5, từ phải) cùng đồng đội viếng lăng Bác Hồ. 

“Cần hy sinh, tôi hy sinh, nhất quyết không đi con đường tội ác”

Tháng 2-1946, Kostas Sarantidis, một thanh niên người Hy Lạp 23 tuổi, trong sắc áo lính lê dương Pháp đổ bộ vào Sài Gòn, với tâm thế là những người đến để "giải phóng" các xứ ở đây, chống phát xít Nhật... 

Chia sẻ trong một chương trình của VTV năm 2020, ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, kể: “Một lần, trong lúc đi tuần tiêu tại Phan Thiết (Bình Thuận), tôi vào nhà thì thấy chúng nó hiếp từng người một. Đứa bé khóc lóc. Đó là giọt nước cuối cùng. Tôi quyết định lựa chọn tự do. Dù cần hy sinh, tôi hy sinh, nhất quyết không đi con đường tội ác”.

Hy Lạp là đất nước của tôi, Việt Nam là Tổ quốc của tôi -0
 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Lập khi trả lời phỏng vấn VTV. (Ảnh: VTV)

Đúng bốn tháng sau khi đổ bộ Sài Gòn, Kostas Sarantidis đã thoát khỏi đội quân lê dương. Ra vùng tự do, anh gia nhập ngay hàng ngũ quân kháng chiến, lấy tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập, chính thức trở thành "anh bộ đội Cụ Hồ".

Chín năm kháng chiến chống Pháp, anh được giao làm nhiều công việc trong các đơn vị quân chính quy Liên khu 5, có mặt trong nhiều trận chiến đấu ác liệt ở khúc ruột miền trung. Lập công xuất sắc, Nguyễn Văn Lập được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1949.

Sau hiệp định Geneva, tập kết ra miền bắc, anh tham gia chống đối, chống địch cưỡng ép đồng bào miền bắc di cư vào nam, làm trung đội trưởng đội cung tiêu ở sân bay Gia Lập, làm lái xe tải ở các mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hòa dân chủ Đức ở nhà máy in Tiến Bộ. Nhiều lần, anh được mời đi đóng các vai Pháp, Mỹ trong một số bộ phim truyện Việt Nam. Bất cứ nhiệm vụ nào, anh cũng tận tình làm, đạt hiệu quả cao.

Công dân Hy Lạp mang “trái tim Việt Nam”

Năm 1958, anh Kostas Nguyễn Văn Lập kết hôn với một cô gái Hà Nội, sinh được bốn người con, một trai ba gái.

Mặc dù rất gắn bó với Việt Nam nhưng Kostas Nguyễn Văn Lập vẫn còn mẹ già ở Hy Lạp mong ngóng gặp anh từng ngày. Năm 1965, đáp lại ước nguyện của mẹ, anh và vợ cùng các con rời Việt Nam về Hy Lạp sinh sống. 

Trở về Hy Lạp song tấm lòng Kostas Nguyễn Văn Lập luôn hướng về Việt Nam. Đồng chí tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp, vận động quyên góp lấy tiền gửi sang Việt Nam ủng hộ nạn nhân bị chất độc da cam, người nghèo. Trong những năm đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Lập tự nguyện là người “vác tù và” trong cộng đồng người Việt, là cầu nối cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. 

Năm 2010, Việt Nam tiến hành mở đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp. Trưởng đoàn đi mở Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp và sau đó trở thành Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước ta tại Cộng hòa Hy Lạp là đồng chí Vũ Bình.

Việt Nam trong trái tim
 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập và Đại tá
Võ Văn Minh cùng những người bạn khi trở lại Đà Nẵng.

Ngày 26/6, chia sẻ về những đóng góp của ông Nguyễn Văn Lập đối với quan hệ Việt Nam – Hy Lạp, đồng chí Vũ Bình nhớ lại: Những ngày đầu đến Hy Lạp là những ngày rất khó khăn với đoàn chúng tôi. Bác Lập là người đã tìm thuê chỗ ở, thuê xe và dẫn chúng tôi đi gặp Bộ Ngoại giao Hy Lạp. Bác cũng là đầu mối quan trọng kết nối chúng tôi với những người Việt Nam tại Thủ đô Athens của Hy Lạp. Người Việt Nam ở đây đều biết bác và hầu hết đã từng được bác giúp đỡ. Bác Lập cũng là một đầu mối để từ đó chúng tôi xây dựng quan hệ bạn bè với một số quan chức Hy Lạp và các đồng chí Đảng Cộng sản Hy Lạp. 

Theo đồng chí Vũ Bình, trong vòng chỉ một tuần, đoàn đã hoàn tất mọi thủ tục ngoại giao, hành chính và pháp lý để tuyên bố chính thức sự ra đời của Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp. Cả tuần đó, bác Lập hầu như ngày nào cũng liên lạc hoặc trực tiếp đến để hỗ trợ chúng tôi. Một trong những việc đầu tiên đồng chí Vũ Bình thực hiện với cương vị Đại sứ là ký cuốn hộ chiếu số ...0001 và ...0002 cho bác Lập và bác gái.

“Tôi còn nhớ mãi những giờ phút của cuộc tiệc rượu nhỏ được tổ chức theo thông lệ ngoại giao ngay sau khi trình Quốc thư. Bác Lập đã ôm hôn mỗi chúng tôi và nói trong nước mắt bác rất tự hào về Việt Nam và việc Việt Nam đã mở Đại sứ quán để quê hương thứ hai của bác có điều kiện thắt chặt quan hệ hơn nữa với nơi bác sinh ra”, đồng chí Vũ Bình nói.    

Hầu hết các sự kiện, hoạt động lớn của Đại sứ quán ta tại Hy Lạp đều có sự tham gia của bác Lập. Nhiều sự kiện cũng có sự tham dự của bác gái và bốn người con của bác, trong đó có ba người được sinh ra tại Việt Nam.

“Sự ra đi của người anh hùng, một biểu tượng của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp là một sự mất mát lớn”, đồng chí Vũ Bình xúc động chia sẻ. 

“Nếu bố chết ở Việt Nam, hãy chôn bố ở Việt Nam”

Năm 2005, trong một lần xem Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Võ Văn Minh, người đồng đội từng sát cánh cùng đồng chí Nguyễn Văn Lập trong những năm 1948-1949, tình cờ đọc được tin nhắn của Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.

Nhớ lại lần gặp gỡ đầy xúc động tại Đà Nẵng năm 2005, Đại tá Minh nói: Lúc đọc xong dòng tin nhắn đó, tôi đã nhận ra người lính quốc tế đó chính là Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập – là người đã rời bỏ hàng ngũ quân viễn chinh và có mặt ở Đại đội tôi lúc đó là Đại  đội 1 - Tiểu đoàn 39 - Trung đoàn 108. Nghĩ là sẽ liên lạc với Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập nhưng không biết bằng cách nào nên tôi đã viết một bức thư ngắn, gửi báo Quân đội nhân dân nhờ giúp đỡ, liên lạc.

Hy Lạp là đất nước của tôi, Việt Nam là Tổ quốc của tôi -0
 Đại tá Võ Văn Minh và bức ảnh kỷ niệm ngày đồng chí Nguyễn Văn Lập được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. (Ảnh: ANH ĐÀO)

“Thật cảm động vì ít lâu sau đó, tôi nhận được cuộc điện thoại gọi từ Hy Lạp, anh Lập đã nhận ra Minh và muốn nhìn thấy hình ảnh thời trẻ và hiện tại của tôi. Anh Lập một mình bay sang Đà Nẵng thăm tôi ngay sau đó không lâu”, Đại tá Võ Văn Minh xúc động chia sẻ. 

Lần trở lại Việt Nam gần đây của ông Nguyễn Văn Lập là vào năm 2013, khi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Ông trở thành người nước ngoài đầu tiên và duy nhất cho đến nay được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Anh hùng Nguyễn Văn Lập có bốn người con, cả bốn người đều có có tên Hy Lạp và tên Việt Nam. Tại thời điểm đó, ông Lập tuổi đã cao, sức khoẻ đã yếu, gia đình và bác sĩ đều khuyên ông không nên sang Việt Nam đợt này. Nhưng ông vẫn quyết tâm sang, trước khi đi ông còn viết sẵn di chúc: “Các con ạ, bố nhắc lại là nếu như bố chết ở Việt Nam thì nên chôn tại Việt Nam. Điều này, bố đã bàn với mẹ các con”.

Tối 25-6 (theo giờ Việt Nam), ông Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập, một người lính Bộ đội Cụ Hồ, người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 94, tại Hy Lạp.

__________

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của chương trình VTV Đặc biệt "Giữa những quê hương (Những người lính da trắng của Bác Hồ)", phát sóng tháng 5/2020.