Tại TP Đà Nẵng, từ đêm 10/9 trên địa bàn liên tục có mưa rất to, gây ngập úng nhiều tuyến phố, khu dân cư. Sáng 11/9, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có công điện khẩn gửi các địa phương, sở, ngành, yêu cầu các lực lượng tiếp tục bám sát diễn biến mưa bão, triển khai phương án phòng tránh, bảo đảm an toàn cho nhân dân, đồng thời vẫn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch,... Tại cuộc họp khẩn về phòng, chống mưa bão và dịch bệnh chiều tối 11/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo tất cả đơn vị, cơ quan, địa phương tổ chức trực theo phương án khẩn cấp, sẵn sàng cho mọi tình huống.
Nhằm ứng phó bão số 5 và hoàn lưu bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các huyện, thị xã yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà sau 22 giờ ngày 11/9. Chiều 11/9, tại Quảng Trị có mưa vừa và mưa to, nước trên các sông lớn đang lên chậm. Ngày 11/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, Nguyễn Đăng Quang đi kiểm tra tình hình ứng phó mưa lũ tại huyện miền núi Hướng Hóa, nơi thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở núi. Huyện có 56 thôn, bản nằm ở khu vực có nguy cao xảy ra lũ ống, lũ quét; 47 thôn, bản nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đồi, núi và 12 thôn có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do ảnh hưởng thi công công trình điện gió.
Từ trưa và chiều 11/9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu xuất hiện những đợt mưa rất to kèm với gió mạnh, đặc biệt ở vùng ven biển và đầm phá. Thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai Phòng, chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, bão số 5 đã làm tốc 21 mái nhà ở huyện Phong Điền, có 40 công nhân đang còn ở thủy điện Rào Trăng 3. UBND tỉnh phát thông báo khẩn, yêu cầu người dân hạn chế ra đường từ 14 giờ ngày 11/9; đồng thời khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó cơn bão số 5 và hoàn lưu sau bão. UBND các huyện, thị xã và thành phố đã rà soát phương án sơ tán, di dời 18.713 hộ và 64.743 khẩu ở các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt. Đến 17 giờ ngày 11/9. Tất cả tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào nơi trú tránh an toàn. Riêng 54 phương tiện cùng 316 lao động ngoại tỉnh đang neo đậu tại cảng Thuận An. Sở Công thương có phương án dự trữ 100 tấn mì ăn liền, 100 tấn gạo cũng như vật tư thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm bảo đảm bảy ngày khi có thiên tai xảy ra.
Tại tỉnh Quảng Nam, từ tối 10 đến sáng 11/9 có mưa lớn. Tại huyện miền núi Phước Sơn, mưa to đã khiến cho một số tuyến đường đi vào các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc bị nước tràn qua, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ngoài việc vận chuyển 14 tấn gạo đến các xã: Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim để dự phòng mưa lũ gây sạt lở, tắc đường, huyện Phước Sơn đã di dời 110 hộ dân ở khu vực nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kép vừa chống bão, vừa chống dịch, Quảng Nam đã bố trí 150 cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng 22 phương tiện để trực phòng, chống thiên tai (PCTT) và TKCN.
Còn tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu dân cư trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất. Tại xã Bình Thuận, chiều tối 11/9, chính quyền địa phương di dời khẩn cấp 11 hộ dân có nhà bị ngập sâu đến nơi an toàn. Đối với tàu cá QNg 95058 TS của ông Dương Văn Thạch, ở huyện Bình Sơn bị phá nước, thả trôi tự do trên vùng biển cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý, chiều 11/9, tàu CBS 8002 của Vùng Cảnh sát biển 2 đã tiếp cận hiện trường, đưa 5 ngư dân đi trên tàu cá bị nạn qua tàu CBS 8002 vào bờ.
Để kịp thời cứu nạn, bảo đảm an toàn cho 12 thuyền viên đi trên sà-lan T03 do ông Nguyễn Dũng (SN 1964, ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) làm thuyền trưởng, trôi dạt trên vùng biển Lý Sơn, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn hỏa tốc đề nghị Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN và Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đảo Lý Sơn kịp thời phối hợp hỗ trợ.
Trong cuộc họp trực tuyến khẩn với các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT vào chiều 11/9, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương vùng ảnh hưởng của bão theo dõi sát diễn biến mưa lũ, chủ động chi tiết các kịch bản ứng phó, tốt nhất sơ tán dân tại chỗ, chỉ khi thật sự cần thiết mới sơ tán dân đi nơi khác để bảo đảm an toàn dịch. Các địa phương theo dõi sát diễn biến của bão, thông tin kịp thời đến người dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, vào hồi 22 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão số 5 ở khoảng 15,4 độ vĩ bắc; 109 độ kinh đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 6 giờ, sau đó bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và đi vào đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định. Đến 4 giờ ngày 12/9, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 15,3 độ vĩ bắc; 108,2 độ kinh đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 5 km đến 10 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Dự báo, ngày 12/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 mm đến 200 mm, có nơi hơn 250 mm. Từ ngày 12 đến 14/9 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đều có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 mm đến 150 mm/đợt, có nơi hơn 200 mm/đợt.