DIỄN ĐÀN CHỦ NHẬT

Không để xảy ra những sai phạm tương tự!

Những ngày qua, xuất hiện một clip ngắn ghi lại việc 500 nhân viên của một hệ thống siêu thị dự án bất động sản khu vực phía nam hát lời chế trên nền nhạc Quốc ca Việt Nam trong lễ kỷ niệm 13 năm thành lập công ty ngay giữa khu du lịch Bình Quới 1, TP Hồ Chí Minh đã khiến dư luận bức xúc. Chưa cần bàn tới mục đích hay nội dung lời hát xuyên tạc, chỉ riêng việc chế Quốc ca đã là hành động không thể chấp nhận và đáng bị lên án.

Tạo lời mới cho bất kỳ bài hát nào khi chưa được tác giả đồng ý vốn đã là hành động vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Huống hồ, đây còn là Quốc ca, ca khúc mang tính biểu trưng cho cả một dân tộc. Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca luôn được coi là tấm thẻ căn cước để mỗi quốc gia nhận diện, khẳng định mình trước thế giới. Trân trọng “tam bảo” này là sự thể hiện sâu sắc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Bởi thế, việc chế lời Quốc ca là sự xúc phạm nghiêm trọng lòng tự hào thiêng liêng của dân tộc.

Hiện việc xúc phạm Quốc ca chưa được đưa vào Bộ luật Hình sự của nước ta. Song ở nhiều nước trên thế giới, đây là tội danh nghiêm trọng. Chẳng hạn, ở Thái-lan, hát chế Quốc ca bị khép vào tội phỉ báng đất nước, phải chịu hình phạt 15 năm tù giam. Ở Phi-li-pin, Ấn Độ, chế lời Quốc ca vừa bị phạt tiền, vừa bị phạt tù... Do vậy, Quốc ca không phải là thứ có thể đem ra đùa cợt dù ở bất cứ đâu. Hình thức xử phạt hành vi chế lời Quốc ca vừa qua là trách nhiệm của các cơ quan chức năng dựa trên việc xem xét động cơ, mức độ, hậu quả tác động xã hội; dựa trên quy định của pháp luật. Điều đáng nói là tác giả của màn chế lời Quốc ca phản cảm này lại chính là một lãnh đạo của doanh nghiệp. Ông này vừa lĩnh xướng, vừa bắt nhịp cho hàng trăm nhân viên hát trong ngày lễ trọng đại của công ty ngay giữa nơi công cộng. Và không ai trong số chừng ấy con người nhận thấy hay lên tiếng về hành động phản cảm đó (?!) Thậm chí khi được hỏi, lãnh đạo công ty vẫn chưa ý thức được mức độ vi phạm nghiêm trọng từ hành động này, phân trần rằng chỉ để cho... vui, động viên tinh thần anh em làm việc (!). Điều này không chỉ cho thấy sự yếu kém về nhận thức chính trị, đặc biệt của người đứng đầu; mà còn là sự báo động về văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, vấn đề vẫn luôn được chú trọng xây dựng thời gian qua ở nước ta.

Còn nhớ, cách đây gần 10 năm, trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập của một tập đoàn, sự xuất hiện của 4.000 ấn bản Sử ký 20 năm với bài nhại Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã khiến dư luận dậy sóng. Ngay sau đó, tập đoàn này phải nộp phạt theo quy định pháp luật. Đáng buồn là sau nhiều “lùm xùm” đã xảy ra, một số doanh nghiệp lại tiếp tục vấp phải sai lầm có phần nghiêm trọng hơn. Thử hỏi, sức lao động sáng tạo của tập thể cán bộ, nhân viên công ty sẽ phát huy đến đâu, khi chính những người điều hành cũng cổ xúy cho việc “chế”, “đạo”, “nhái”, coi thường bản quyền sáng tạo?

Cần khẳng định, đã là ca khúc được mang ra để biểu diễn thì không thể có chuyện chế lời, nhất là khi chưa có sự đồng ý của tác giả hay người được ủy quyền. Điều này càng không thể chấp nhận với những nhạc phẩm thiêng liêng như Quốc ca. Hy vọng, từ câu chuyện đáng tiếc này, không chỉ doanh nghiệp mà toàn xã hội sẽ có thêm ý thức về vấn đề bản quyền cũng như rút ra bài học về tinh thần dân tộc.