WHO nhắc lại kêu gọi tăng tốc tiêm chủng

NDO -

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chính phủ các nước đánh giá lại các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 và tăng tốc các chương trình tiêm chủng nhằm giảm đà lây lan của biến thể Omicron.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh Reuters)
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Johannesburg, Nam Phi. (Ảnh Reuters)

Theo người đứng đầu WHO, các nước cần tăng cường giám sát và mở rộng xét nghiệm, “bất kỳ sự tự mãn nào cũng phải trả giá bằng mạng sống”.

Các nhà khoa học Nam Phi và Đức công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, các loại vaccine hiện nay có thể giảm hiệu quả ngăn chặn sự lây lan của Omicron. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan, khi vaccine có thể bảo vệ bệnh nhân khỏi nguy cơ trở nặng và tử vong. Theo các nhà khoa học, mũi tiêm tăng cường giúp khôi phục một phần hiệu quả của vaccine, ít nhất là trong một vài tháng.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cảnh báo, biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn bất cứ biến thể nào khác, do đó Nhật Bản cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự bùng phát của biến thể này, bảo đảm thực hiện các biện pháp triệt để như đeo khẩu trang và tiêm mũi vaccine tăng cường. Theo các chuyên gia Nhật Bản, trong giai đoạn đầu, Omicron có hệ số lây nhiễm cao gấp 4,2 lần so với Delta.

Cựu ủy viên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn (X.Han) nhận định, các biến thể của virus SARS-CoV-2 có thể khiến việc tiêm mũi vaccine tăng cường được thực hiện định kỳ hằng năm, tương tự tiêm vaccine phòng cúm. Theo ông Hahn, hiện chưa có nghiên cứu quy mô đầy đủ được thực hiện về biến thể Omicron, song một số báo cáo cho rằng biến thể mới không gây bệnh nghiêm trọng.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học Trung Quốc và Anh cảnh báo, thế giới có thể “chậm chân” trong việc phát hiện các biến thể mới, do hiện chỉ có 2% số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu được thực hiện giải trình tự gene. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng SARS-CoV-2 đã vào “giai đoạn tiến hóa mới” và chưa được phát hiện do những hạn chế trong nghiên cứu, giám sát bộ gene của virus ở một số khu vực.

Trong khi đó, Reuters dẫn nhận định của Tiến sĩ Larry Corey (L.Cô-rây) tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson (Mỹ) cho rằng, sự xuất hiện của Omicron cho thấy virus sẽ không biến mất, do đó cần có vaccine thích hợp. Một số công ty đã bắt đầu nghiên cứu, phát triển các vaccine có khả năng bảo vệ cao hơn. Tuy nhiên, có thể phải mất hơn 1 năm và cần nguồn tài trợ lớn để đạt thành công.

Nhiều nước công bố bước tiến trong nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị. Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, thiết bị và dụng cụ y tế Cuba (CECMED) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vaccine Soberana Plus do Cuba phát triển và sản xuất cho trẻ em trên 2 tuổi. Cục Quản lý Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (NMPA) cấp phép sử dụng thuốc kháng thể của công ty công nghệ sinh học Brii Biosciences trong điều trị...

BioNTech và Pfizer khẳng định kết quả thử nghiệm cho thấy, việc tiêm mũi vaccine tăng cường do 2 hãng này phát triển đối với Omicron có thể trung hòa biến thể mới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, còn quá sớm để đánh giá hiệu quả từ thử nghiệm trên. Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức “thấp đáng lo ngại” tại phần lớn các nước đang phát triển, nên việc tiêm chủng đủ liều vẫn là ưu tiên cao.