Tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa Covid-19 tại một số quốc gia

NDO -

Tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau đang được một số quốc gia đề cập như một cách hữu hiệu để đạt được phản ứng miễn dịch tốt hơn. Tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, "hiện chưa đủ dữ liệu để khuyến nghị về cách kết hợp này”.

Một số quốc gia đang áp dụng tiêm hai loại vaccine khác nhau. (Ảnh: Đại học Oxford)
Một số quốc gia đang áp dụng tiêm hai loại vaccine khác nhau. (Ảnh: Đại học Oxford)

Có nhiều nghiên cứu ủng hộ quan điểm cho rằng tiêm kết hợp vaccine AstraZeneca và Pfizer sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự và thậm chí mạnh hơn tác dụng của hai mũi vaccine cùng loại đem lại.

Tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ

Đức là một trong những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau trong chiến lược tiêm chủng. Truyền thông Đức đưa tin, Thủ tướng Angela Merkel đã tiêm vaccine AstraZeneca trong lần tiêm đầu tiên (tháng 4 vừa qua) và sử dụng vaccine Moderna trong lần tiếp theo (tháng 6). 

Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) thuộc Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) Đức khuyến nghị, người đã được tiêm mũi đầu tiên bằng vaccine AstraZeneca nên tiêm một loại vaccine phát triển theo công nghệ mRNA trong lần tiêm thứ hai bất chấp độ tuổi của người được tiêm chủng. 

Đến nay, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt hai loại vaccine mRNA do Pfizer-BioNTech và Moderna phát triển. Phần lớn các loại vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất theo cơ chế hai mũi tiêm.

STIKO cho biết, các kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy phản ứng miễn dịch sau khi tiêm kết hợp vaccine là “vượt trội rõ ràng”.

Mới đây, nghiên cứu do các nhà khoa học của Đại học Oxford (Anh) công bố ngày 28/6 vừa qua khẳng định: “Tiêm xen kẽ vaccine của AstraZeneca và Pfizer tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ đối với Covid-19”.

Thông cáo báo chí của Đại học Oxford nêu rõ, nghiên cứu nêu trên nhận thấy, hai cách “tiêm kết hợp” (tiêm vaccine Pfizer trước, vaccine AstraZeneca sau; hoặc tiêm vaccine AstraZeneca trước,  Pfizer sau) đều tạo ra số lượng lớn kháng thể chống lại SARS-CoV-2 nếu hai mũi tiêm cách nhau bốn tuần. 

Một số nước áp dụng tiêm hai loại vaccine khác nhau

Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada ngày 17/6 cho rằng, các tỉnh nên đề nghị những người đã tiêm vaccine AstraZeneca trong mũi đầu tiên nên tiêm loại vaccine khác trong mũi tiêm tiếp theo. 

Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) ngày 14/6 cho biết, người dưới 60 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên là vaccine AstraZeneca có thể tiêm loại vaccine khác trong lần tiêm thứ hai. 

Sau khi Viện Y tế Carlos III công bố kết quả nghiên cứu ban đầu, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias ngày 19/5 thông báo sẽ cho phép người dưới 60 tuổi đã tiêm vaccine AstraZeneca trong lần tiêm đầu tiên được tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer trong lần tiêm tiếp theo.

Hàn Quốc ngày 18/6 cho biết, khoảng 760.000 người đã được tiêm mũi đầu tiên với vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm vaccine Pfizer trong lần tiêm tiếp theo do việc vận chuyển lô vaccine được chia sẻ thông qua cơ chế COVAX bị trì hoãn.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho phép dùng vaccine Pfizer trong mũi tiêm nhắc lại đối với những người đã được tiêm vaccine Sinopharm.

Bahrain ngày 4/6 cho biết, những người đủ điều kiện có thể tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine Pfizer hoặc Sinopharm dù họ đã sử dụng loại vaccine nào trong lần tiêm đầu tiên.

Tiếp tục thử nghiệm và đánh giá dữ liệu

Novavax ngày 21/5 cho biết, hãng dược của Mỹ bắt đầu tham gia cuộc thử nghiệm kết hợp vaccine tại Anh trong tháng 6 vừa qua, nhằm kiểm nghiệm việc dùng vaccine bổ sung của một nhà sản xuất khác làm mũi tiêm nhắc lại.

Tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau -0
Các cuộc thử nghiệm về tiêm kết hợp vaccine chưa ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào. (Ảnh minh họa: AP) 

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) ngày 1/6 xác nhận, cơ quan này đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên những người trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ để đánh giá mức độ an toàn và khả năng tạo miễn dịch sau khi tiêm nhắc lại bằng loại vaccine khác.

Trong cuộc họp báo ngày 1/7, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) nhấn mạnh, dù chưa đưa ra khuyến nghị cuối cùng về việc kết hợp hai loại vaccine khác nhau, song EMA khẳng định “có cơ sở mạnh mẽ” phía sau cách tiêm chủng này.

Ông Marco Cavaleri, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA nêu rõ, EMA biết kết quả ban đầu của các nghiên cứu được tiến hành tại Tây Ban Nha và Đức cho thấy chiến lược tiêm kết hợp đạt được phản ứng miễn dịch tốt và không có lo ngại về tính an toàn. EMA sẽ tiếp tục đánh giá dữ liệu liên quan.

Theo tạp chí khoa học Nature (Anh), các cuộc thử nghiệm về tiêm kết hợp vaccine chưa ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Trong khi đó, theo thông tin mới nhất (cập nhật ngày 22/6/2021) trên website của WHO, đối với câu hỏi “Tôi có thể tiêm mũi thứ hai bằng loại vaccine ngừa Covid-19 khác với loại vaccine được dùng trong lần tiêm đầu tiên hay không?”, WHO trả lời như sau:

“Các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở một số quốc gia đang đánh giá liệu bạn có thể tiêm hai loại vaccine khác nhau trong hai lần tiêm hay không. Hiện chưa đủ dữ liệu để khuyến nghị về cách kết hợp này”.

* vaccine trong bài được hiểu là vaccine ngừa Covid-19

Cuộc đua vaccine Covid-19