Triển vọng “hồi sinh” nền kinh tế Mỹ

Trong bài phát biểu kỷ niệm Quốc khánh Mỹ (ngày 4/7), Tổng thống Joe Biden lạc quan cho rằng, nước Mỹ đang “cùng nhau trở lại”.

Ảnh: THX/TTXVN.
Ảnh: THX/TTXVN.

Quốc khánh Mỹ năm nay đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống Covid-19, khi cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường, triển vọng phục hồi nền kinh tế đầu tàu thế giới rõ rệt hơn.

Bày tỏ tiếc thương hơn 600.000 người Mỹ chết trong đại dịch, Tổng thống Biden cho rằng, nước Mỹ đã trải qua những ngày đen tối nhất, song đang chứng kiến một tương lai tươi sáng nhất.

Chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, với khoảng một triệu mũi tiêm mỗi ngày, tạo điều kiện để hoạt động kinh tế - xã hội dần khôi phục, người dân có thể đi lại tự do và tập trung mà không bắt buộc đeo khẩu trang. New York, nơi từng là điểm nóng của dịch Covid-19 với hơn 21.000 người chết chỉ trong hai tháng mùa xuân năm 2020, nay đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế, sau khi khoảng 70% người trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19.

Trong bối cảnh nhịp sống dần trở lại bình thường, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và thị trường việc làm cải thiện rõ rệt, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo, kinh tế Mỹ tăng trưởng khoảng 6,7% trong cả năm 2021, cao hơn 2 điểm % so với báo cáo hồi tháng 2. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ năm nay đạt 7%, cao hơn nhiều so với con số 4,9% đưa ra trước đó và là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1984.

IMF lý giải sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế Mỹ một phần nhờ “sự hỗ trợ chưa từng thấy” của chi tiêu công và các biện pháp kích thích hiệu quả của Cục Dự trữ liên bang (FED). Các khoản chi tiêu công dự kiến lên tới 4.300 tỷ USD trong thập niên tới, với các Kế hoạch hỗ trợ việc làm Mỹ (AJP) và Kế hoạch hỗ trợ gia đình Mỹ (AFP). IMF ước tính, hai chương trình này giúp tăng hơn 5% GDP của Mỹ trong giai đoạn 2022 - 2024.

Các doanh nghiệp Mỹ tỏ rõ quyết tâm “hồi sinh” sau đại dịch. Hãng hàng không United Airlines công bố các đơn đặt hàng mua 270 máy bay mới, với tổng giá trị 35,4 tỷ USD, mức lớn nhất trong lịch sử của hãng. United Airlines cho biết, các hợp đồng này cho thấy rõ triển vọng phục hồi sau khoảng thời gian dài khó khăn do đại dịch. Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp có thể vẫn đối mặt nguy cơ thua lỗ trong năm nay, song hoạt động đi lại dần được khôi phục cùng nỗ lực vực dậy của các doanh nghiệp hứa hẹn tạo lực đẩy mới cho nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, CBO dự báo, ngân sách quốc gia Mỹ trong tài khóa 2021 có thể thâm hụt ở mức 13,4% GDP, cao thứ hai tính từ năm 1945. Trong nửa cuối tháng 6 vừa qua, số người nhận trợ cấp thất nghiệp giảm hơn 50% so cùng kỳ năm 2020, song vẫn còn tới 14,7 triệu người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp dưới nhiều hình thức. Tổng thống Biden cảnh báo, cuộc chiến chống Covid-19 tại Mỹ chưa kết thúc, nguy cơ dịch diễn biến phức tạp vẫn hiện hữu, nhất là khi xuất hiện các biến thể mới như Delta.

TRƯỜNG XUÂN