Tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đã báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội; phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đến nay. Đặc biệt, trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình có 16/21 chỉ tiêu về kinh tế đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt 2,66%; GRDP bình quân đầu người đạt 61,1 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 5.615 tỷ đồng tăng 36% so với năm 2020. Tổng đầu tư toàn xã hội ước đạt 16.990 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,6%; có 9 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới lên 65 xã (bằng 50,3% tổng số xã); đến nay có ba đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đứng thứ ba các tỉnh trung du và miền núi phía bắc, đứng đầu các tỉnh Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.218 triệu USD; độ che phủ rừng duy trì ổn định 51,5%. Công tác văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, truyền thông, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên đạt kết quả tích cực. Đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, từ 8,6% năm 2020 xuống còn 6,6%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,19%; giải quyết việc làm cho 16.120 lao động.
Tỉnh đã tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả bốn đột phá chiến lược là: quy hoạch; phát triển hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động.
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục phân tích rõ hơn những nguyên nhân để đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để quyết tâm khắc phục bằng được trong thời gian tới.
Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa các nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, quyết tâm giữ vững thành tích chống dịch của tỉnh trong thời gian qua; tiếp tục phát huy vai trò y tế cơ sở của các tổ Covid cộng đồng, sự vào cuộc ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội.
Hai là, chăm lo toàn diện hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát huy đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Ba là, cần chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làm cho giá trị của các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng nhân cách con người Hòa Bình phát triển toàn diện. Khai thác, phát huy có hiệu quả di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế cũng cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc trên địa bàn, các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tăng cường đấu tranh và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy; quan tâm giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp đất đai, không để phát sinh khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp, hình thành các điểm nóng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và mong rằng, với những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng cùng với khát vọng phát triển và quyết tâm mới, khí thế mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, xứng đáng trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác đã đến thăm Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình.
Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm hỏi và chia sẻ cùng công nhân nhà máy trong tình hình Covid-19 hiện nay; đồng thời, động viên và khích lệ công nhân trong công ty cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua khó khăn của đại dịch.