Đối thoại phát triển địa phương 2021:

Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới

NDO -

Ngày 13/7, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Đối thoại phát triển địa phương 2021 theo hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại Thủ đô Hà Nội và 58 địa phương trên cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại đối thoại. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại đối thoại. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Đối thoại được tổ chức với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Trường Đại học Idiana (Hoa Kỳ) và Viện Sáng kiến Việt Nam với chủ đề: “Thực thi mục tiêu phát triển trong trạng thái bình thường mới”.  Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì.  

Đối thoại phát triển địa phương  lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc thu hút sự tham dự của lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận với tinh thần thẳng thắn và nhìn thẳng vào thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những sáng kiến, mô hình, các giải pháp phát triển địa phương, tạo động lực cho sự bứt phá của phát triển địa phương trong giai đoạn 2021-2030, hướng tới tầm nhìn 2045.

Phát biểu khai mạc sự kiện, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Đối thoại phát triển địa phương 2021 diễn ra vào thời điểm năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là khi các địa phương tích cực triển khai nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp trong bối cảnh đất nước và thế giới đang biến chuyển rất nhanh chóng với nhiều thuận lợi, thời cơ lẫn khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức rất lớn cho cả nước và các địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt trong phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội nhằm đạt được sự cân bằng hợp lý giữa phát triển kinh tế và bảo đảm sức khỏe, an toàn cho mọi người dân. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực sáng tạo, các địa phương đã chủ động thích nghi, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Với nhận thức “trong nguy có cơ”, ngay lúc này, chúng ta cần nghĩ đến những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong hoàn cảnh có đại dịch mà cả sau khi đại dịch kết thúc để đạt được các kết quả khả quan ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ, tạo tiền đề và xung lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025, thiết lập nền tảng thuận lợi cho phát triển trong những năm tiếp theo”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã nhấn mạnh một số điểm gợi mở thảo luận tại Đối thoại. Đó là việc, nâng cao năng lực quản trị thực thi để biến quyết tâm thành những chiến lược, chính sách, đưa chính sách đi vào hành động thực tế và từ hành động tạo ra được các kết quả phát triển thiết thực đối với người dân. Bên cạnh đó, chuyển đổi số là xu hướng của thời đại khi nền tảng công nghệ nói chung và kết nối internet nói riêng hiện nay đã rất phát triển. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, từ cấp lãnh đạo Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng mọi người dân. Tham gia vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là công việc của các nhà hoạch định chính sách, các nhà công nghệ, mà là của mỗi người dân…

Đối thoại phát triển địa phương 2021 mở ra và thảo luận một loạt vấn đề và sáng kiến quan trọng. Thứ nhất, tập trung khắc phục 1 yếu kém mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra là: “… chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế”. Do vậy, đối vấn đề phát triển quốc gia cũng như địa phương, cần xem đẩy mạnh quản trị thực thi là 1 sáng kiến quan trọng để giải quyết các vấn đề trong triển khai thực hiện, bảo đảm tính khả thi và tính hiệu quả trong thực tiễn của các quyết sách.

Thứ hai, nhận thức và nắm bắt các cơ hội trong thách thức, đặc biệt đối với vấn đề chuyển đổi số; đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Theo đó, đối với chuyển đổi số trước tiên cần chuyển đổi nhận thức, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến lãnh đạo của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp cũng mọi người dân và lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số.

Thứ ba, bình thường mới là một khái niệm được nhắc đến nhiều gắn với đại địch, nhưng trạng thái bình thường mới không chỉ về đại dịch mà chính là sự thích nghi với nhiều rủi ro khác nhau đa dạng về hình thức cũng như quy mô trong quá trình phát triển, trong đó bao gồm vấn đề thiên tai, thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu… những thách thức lớn đối với sự phát triển của đất nước với những tác động tiêu cực đến kinh tế và đời sống của nhân dân. Phát triển quốc gia nói chung cũng như các địa phương trong “tình trạng bình thường mới” chính là thực tiễn và yêu cầu khách quan hiện nay.  

Thứ tư là sáng kiến về thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu và hoàn toàn nằm trong khả năng chịu đựng được của nền kinh tế trong ngắn hạn trong khi tạo ra nhiều lợi ích cho đất nước trong dài hạn. Quá trình chuyển đổi này tương tác với chuyển đổi số, công nghệ số để thực hiện truy xuất nguồn gốc, giám sát các quá trình sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao ở trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với tinh thần nhất quán “Tư duy quốc gia, hành động địa phương”, Đối thoại phát triển địa phương được tổ chức, trở thành sự kiện thường niên, để đối thoại các vấn đề đặt ra đối với phát triển địa phương mỗi giai đoạn khác nhau;  thúc đẩy chia sẻ tri thức, kinh nghiệm giữa những người làm chính sách ở Trung ương và với các địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia, các đối tác phát triển của Việt Nam, tìm kiếm những sáng kiến và giải pháp để các địa phương cất cánh phát triển.