Thủ tướng Malaysia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

Ngày 22/3, Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob đã rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob thăm chính thức Việt Nam. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chuyến thăm thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai nước trong việc củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài và Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia, cùng hướng tới phục hồi bền vững trong giai đoạn sau đại dịch Covid-19. Chuyến thăm ghi dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ Việt Nam-Malaysia, trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đón, hội đàm và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob. Tại các cuộc hội kiến, hội đàm với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob khẳng định Malaysia luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam và dành ưu tiên cao cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam. Hai nước cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, thúc đẩy thương mại hai chiều theo hướng cân bằng và bền vững, hợp tác hướng tới bảo đảm khả năng tự cường và phát triển bền vững của nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19.

Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí tăng cường phối hợp trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố và tăng cường đoàn kết và vai trò của ASEAN. Các nhà lãnh đạo hai nước nhắc lại lập trường nhất quán của ASEAN về Biển Đông, tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy tiến độ đàm phán cụ thể Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) theo hướng thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS...