Kho tư liệu quý về Bác Hồ

Nghe các đảng viên ở phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) và nhiều người giới thiệu về ông Lương Minh Suốt, 67 tuổi, thương binh chống Mỹ, Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng, thuộc Chi bộ 3, Ðảng bộ phường Việt Hưng có kho tư liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Ông Suốt còn tặng Chi bộ 3 một tủ sách Hồ Chí Minh, tôi háo hức đến xin ông cho được tham quan.

Ông Lương Minh Suốt bên kho tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.
Ông Lương Minh Suốt bên kho tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.

Kho tư liệu Hồ Chí Minh của gia đình ông Suốt có đủ thể loại. Bên cạnh các tài liệu lịch sử bằng chữ, chuyện kể, phóng sự, thơ văn, nhạc họa, di vật..., tất cả đều thuộc dòng chính thống, còn có hơn một nghìn bức ảnh được đính trên mặt pa-nô phẳng, sắp xếp thứ tự như một cuốn biên niên sự kiện, từ buổi Bác đi tìm đường cứu nước đến khi Người "lên đường theo tổ tiên". Ngoài ra, bộ sưu tập phim về Bác mang tên "Chung một ngọn cờ", có chín tập, được lưu trữ bằng đĩa cứng. Hằng ngày, ông Suốt vẫn tiếp tục việc sưu tầm để kho tư liệu thêm phong phú.

Ông trưng bày các ấn phẩm về Bác một cách trang trọng, nhưng không thần thánh hóa và nhằm mục đích để mọi người dễ thấy, dễ lấy, dễ tìm tài liệu để nghiên cứu, học tập. Ngoài tủ ở phòng khách, còn có các tủ đặt bên cửa sổ, bên bàn làm việc hằng ngày, trên tường cạnh lối đi trong nhà. Các tủ đều để ngỏ để ai cũng có thể tự tìm đọc, "để ánh sáng từ trong kho tư liệu dễ dàng đến với mọi người", ông Suốt nói.

Chúng tôi hỏi ông Suốt về việc phát huy tác dụng của các tư liệu mà ông bà sưu tầm được? Ông trả lời giản dị: "Ở gia đình có trẻ nhỏ chưa học chữ, thông qua hình ảnh, các cháu cũng học Bác được. Thí dụ: khi xem ảnh Bác Hồ kính cẩn nhường bát cháo cho cụ già, Bác ngồi tắm rửa cho thiếu nhi ở Việt Bắc... thì các cháu hiểu được Bác Hồ là người kính trọng người già và thương yêu trẻ nhỏ và các cháu có thể kể lại chuyện đó thông qua hình ảnh mà chúng quan sát được". Ông Suốt nói thêm, ngay cả đối với người lớn, giáo dục họ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà chỉ thông qua bài giảng trên bục giảng thì ngấm không sâu. Nếu có thêm hình ảnh trực quan hoặc có sách báo bổ trợ thì ấn tượng về Bác sẽ in đậm và tác động sâu sắc hơn nhiều. Ông Suốt giở tấm ảnh Bác Hồ đang nói chuyện với nhân dân Việt Hưng cách đây 56 năm, hồ hởi kể: "Sáng mồng một Tết Mậu Tuất (năm 1958), Bác Hồ về thăm, chúc Tết và biểu dương nhân dân xã nhà là lá cờ đầu chống hạn. Bác nói: Thay mặt Ðảng, Chính phủ, Bác về chúc Tết đồng bào xã Việt Hưng. Ðồng bào trong xã đoàn kết cố gắng chống hạn tốt, bảo đảm vượt định mức kế hoạch cấy lúa chiêm". Ông giới thiệu một số người trong bức ảnh nghe Bác nói chuyện hôm ấy, về sau trở thành những cán bộ chủ chốt trực tiếp lãnh đạo nhân dân địa phương làm theo lời Bác, ra sức thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ông Suốt khẳng định, nếu được cảm nhận lịch sử theo cách đó, thì không những thế hệ trẻ, mà ngay cả những người như bản thân tôi trực tiếp có mặt hôm đón Bác, cũng nhận thấy giá trị của sự kiện luôn luôn hào sảng và thôi thúc hành động...

Kho tư liệu giúp cho việc học tập, làm theo Bác của gia đình ông có sức lan tỏa rộng lớn. Bạn đọc, bất kể thân sơ, cứ tìm tư liệu Bác Hồ là đều được ông giúp đỡ tận tình. Những đoàn tập thể có nhu cầu, còn được ông phục vụ chiếu phim về cuộc đời hoạt động của Bác. Ông chủ động thiết kế để Ban liên lạc bạn chiến đấu Ðoàn Ðặc công 429 tổ chức họp mặt tại nhà. Ông rất vui khi nhìn đồng đội chăm chú đọc tài liệu, xem ảnh hoạt động cách mạng của Bác từ các tủ sách. Mỗi lần gặp nhau như thế, các cựu chiến binh lại có thêm kinh nghiệm bổ ích về tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời bình.

Không ít người nghiên cứu luận văn khoa học, đọc sách tại tủ sách nhà ông đã gửi chút tiền gọi là thù lao công ông bà phục vụ, nhưng ông từ chối rất thành thật: "Các anh chị đến học để làm theo Bác, như thế cũng là khích lệ vợ chồng tôi và con cháu phấn đấu theo tấm gương đạo đức của Người. Tiền bạc chẳng bằng. Sau này, khi nào cần tư liệu về Người, các anh chị cứ đến!". Ông tham gia ý kiến với những người đến nghiên cứu tại kho tư liệu: "Học Bác, là học phải đi đôi với hành. Lý luận phải gắn liền với thực tiễn". Mọi người hiểu ý ông và càng thấm thía hơn khi thấy những bộ quần áo lỗi mốt nhưng còn tốt, được vợ chồng ông sắp xếp cẩn thận để gửi tặng những nơi có nhu cầu sử dụng lại; cạnh các công tắc điện trong nhà đều có ghi "Tiết kiệm điện nước", rồi cả sự kính trên nhường dưới, tình thương yêu và trách nhiệm... Tất cả như đã thành cốt cách của một gia đình tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ...