Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Chống dịch đồng bộ, quyết liệt, triệt để; bảo đảm cho người dân ấm no, hạnh phúc, an toàn

Sáng 30/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thống nhất lãnh đạo, chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống dịch xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, không nửa vời. Phải giám sát, kiểm tra thực hiện các biện pháp đồng bộ từ trên xuống dưới, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; cơ sở phải là pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch; phải chấp hành nghiêm, đúng các quy định của Nhà nước, thực hiện và xử lý nghiêm quy định về giãn cách, đồng thời phải linh hoạt để bảo đảm các điều kiện thiết yếu; phân tầng để tập trung lực lượng y tế cho điều trị, cấp cứu nhằm giảm ca nhiễm nặng, giảm tối đa tử vong, không để thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế, nhất là ôxy, máy thở.

Thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, triệt để, đồng bộ với mục tiêu không thay đổi. Chống dịch hiệu quả với mục tiêu bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Phát triển kinh tế - xã hội để phát triển đất nước, có nguồn lực cho chống dịch để bảo đảm cho người dân ấm no, hạnh phúc, an toàn. Trong giai đoạn này, trên cả nước cần ưu tiên cho chống dịch, kiểm soát dịch, phải bám sát thực tiễn, do đó các cấp ủy, chính quyền vận dụng tối đa khả năng để khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội, khủng hoảng truyền thông. Chúng ta nhận thức Covid-19 và những biến thể là căn bệnh thế kỷ tạm thời chưa có thuốc chữa, cho nên phải thích ứng trong điều kiện hiện nay. Kể cả người đã tiêm vắc-xin cũng có thể mắc lại. Ðây là cuộc chiến trường kỳ, không được phép lơ là, chủ quan, mất cảnh giác bất cứ thời điểm nào; bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định, cương quyết, linh hoạt, mềm dẻo tùy thời điểm. Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Ðồng thời, phải tổ chức thực hiện tốt, trong phạm vi được phân cấp, phải chịu trách nhiệm, tăng cường giám sát, kiểm tra, chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, quan liêu, lãng phí.

Tổ chức thực hiện phải đúng quy định, đúng thẩm quyền, nguyên tắc, đã làm phải cương quyết, quyết liệt, làm có trọng tâm, trọng điểm. Khi giãn cách, cần lưu ý: hỗ trợ tối đa cho người dân khi thực hiện giãn cách xã hội về lương thực, thực phẩm, các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; đáp ứng các yêu cầu về y tế của mọi người dân mọi lúc, mọi nơi. TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Ðông Nam Bộ đang có dịch bùng phát mạnh mẽ phải giảm tối đa các ca tử vong; phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp các biện pháp khác để kiềm chế đỉnh dịch.

Thủ tướng kêu gọi sự chia sẻ của các tỉnh, thành phố để ưu tiên vắc-xin cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp tập trung. Mức độ ưu tiên phải tính toán phù hợp khả năng. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có diễn biến phức tạp cần tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu ở mức độ cao hơn; sự chuẩn bị phải sớm hơn, cao hơn, không để muộn và thấp hơn.

Tăng cường hơn nữa nguồn lực tư nhân về y tế, các cơ sở vật chất như khách sạn, nhà hàng để tham gia phòng, chống dịch… Các cơ quan chức năng quyết liệt đẩy mạnh hơn chiến lược vắc-xin, thúc đẩy ngoại giao vắc-xin. Tổ chức tiêm vắc-xin kịp thời, hiệu quả và an toàn. Tập trung thực hiện nhanh chóng, rút gọn về mặt thủ tục hành chính, để nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao, công nhận vắc-xin sản xuất trong nước; kết hợp quan hệ quốc tế, nhất là với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc đẩy việc này. Nghiên cứu sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc chống Covid-19. Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị Covid-19. Bộ Tài chính xem xét phân bổ tài chính cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần cân đối, tiết kiệm, nhất là tiết kiệm 10% chi thường xuyên; 50% kinh phí hội họp, công tác...; tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở để giảm chi phí. Tăng cường, tạo điều kiện, nâng cao tay nghề, đào tạo cán bộ y tế từ các khoa điều trị khác để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, năng lực, không để xảy ra thiếu nguồn nhân lực hồi sức cấp cứu. Ðộng viên, bảo đảm điều kiện làm việc đầy đủ cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên kỹ thuật; nghiên cứu hỗ trợ người lao động, người nhập cư tại TP Hồ Chí Minh...

Thủ tướng lưu ý chúng ta đang chống dịch trong điều kiện đặc thù là một nước đang phát triển, từ đó phải cân đối nguồn lực, đưa ra giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào cuộc, tổng hòa các biện pháp cả kinh tế, an sinh xã hội, vật chất và tinh thần… TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận phải linh hoạt, chuyển hướng trạng thái nhanh chóng đáp ứng tình hình. Các địa phương được phân cấp phải khẩn trương, chủ động mua sắm các trang thiết bị y tế.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cảm ơn lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, cả hệ thống chính trị nói chung, đồng bào, doanh nghiệp cả nước thời gian qua đã đồng hành Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Ðảng thực hiện các nhiệm vụ được giao; đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội…