Lần theo dấu chân Người trên đất Mỹ

Bài 2: Cuộc gặp đặc biệt với họa sĩ Mỹ đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ

NDO -

NDĐT - Trong chuyến tháp tùng Đoàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Hoa Kỳ, tại TP Boston tươi đẹp, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và có dịp trao đổi cởi mở rất thú vị với họa sĩ David Thomas, từng là cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến trường Tây Nguyên. Ông được nhiều người ngợi ca là họa sĩ đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ bằng tình cảm chân thành đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Những người bạn Mỹ rất vui mừng được gặp gỡ nói chuyện với Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Những người bạn Mỹ rất vui mừng được gặp gỡ nói chuyện với Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu Quốc hội Việt Nam.

* Bài 1: Omni Parker và khoảng lặng nhớ Người

Ngưỡng mộ con người Hồ Chí Minh

Để cảm nhận chân thực đất nước và con người Việt Nam, thông qua một số bạn bè và khả năng tài chính cá nhân, ông David Thomas cho biết, kể từ những năm đầu sau 1980, ông đã qua lại Việt Nam và có mặt tại nhiều địa phương ba miền, tổng cộng tới hơn 50 lần!

Tại cuộc gặp gỡ thân mật trong khán phòng tầng hai khách sạn Ommi Parker ngay trung tâm TP Boston, với David Thomas và những người bạn Mỹ dù đang làm công việc khác nhau, sinh sống không cạnh nhau, nhưng đều tỏ bày xúc động khi có mặt dịp đón Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lần đầu tiên chính thức thăm Hoa Kỳ.

Họa sĩ David Thomas nay tuổi đã ngoài 70, dáng đi nhanh nhẹn, bày tỏ rất xúc động và cảm kích khi cùng phái Đoàn đại biểu cao cấp Quốc hội Việt Nam xuống căn hầm làm bánh của khách sạn cổ kính. Nơi đây, hơn 100 năm về trước chứng kiến sự có mặt nhân duyên thật đặc biệt của người thanh niên Văn Ba - Nguyễn Tất Thành ở Boston trên hành trình tìm đường cứu nước. Chiều hôm đó, Họa sĩ David Thomas và Giáo sư lịch sử Kevin Bowen được Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ta tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh giới thiệu và trân trọng mời lên bục trình bày trước các thành viên Đoàn về công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết.

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, bấy giờ là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành luôn được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và rất trân trọng. Lần này vui mừng đón Đoàn Việt Nam, họa sĩ David Thomas đã giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội ta, đại diện bà con cộng đồng Việt Nam và các bạn trẻ sinh viên các trường đại học tại Boston về một số tác phẩm tranh tiêu biểu về Bác Hồ. Ông đã trân trọng tặng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hai cuốn sách “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Chất độc màu da cam”.

Bài 2: Cuộc gặp đặc biệt với họa sĩ Mỹ đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ ảnh 1

Cựu chiến binh Mỹ David Thomas tại khu căn cứ trên chiến trường Tây Nguyên – Việt Nam.

Trao đổi cụ thể hơn với họa sĩ trong thời gian ở TP Boston và thủ đô Washington D.C, chúng tôi được biết từ thời gian 1969- 1970, David Thomas tham gia đóng quân tại Pleiku và Kon Tum với vai trò là lính công binh, làm các tuyến đường phục vụ chiến dịch. Nhớ lại một thời khói lửa chiến tranh đạn bom, ông vẫn còn nhớ như in khi còn ở chiến trường Pleiku, người lính Mỹ lúc đó chợt nghe bản tin Hồ Chí Minh mất. “Đó là lần đầu tiên tôi biết về Bác Hồ”. Ông cho biết thêm, sau ngày giải phóng khá lâu, đến năm 1987, David Thomas có dịp quay lại Việt Nam, và sau đó tiến hành các chương trình nghiên cứu và thực hiện các chương trình trao đổi văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Giữ vai trò sáng lập và Chủ tịch Quỹ Indochina Arts Partnership, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, giúp phát triển nhiều hoạt động trao đổi văn hóa giữa hai nước, qua đó ông có hơn 50 chuyến trở lại Việt Nam.

Tiếp cận góc nhìn từ Việt Nam

“Làm thế nào mà người Mỹ nghiên cứu về chiến tranh lại có thể bỏ qua nhân vật quan trọng nhất là Hồ Chí Minh. Khi người Mỹ nhìn vào cuộc chiến tranh, từ góc nhìn của người Việt Nam, họ sẽ nhìn thấy một bức tranh rõ ràng hơn nhiều”. Ông bày tỏ như vậy với một số hãng tin, thông tấn trong và ngoài nước gần đây.
(Họa sĩ, cựu chiến binh Mỹ David Thomas)

Bày tỏ cảm xúc ngạc nhiên khi tiếp xúc, tìm hiểu tận mắt cuộc sống người dân Việt tại nhiều nơi, David Thomas nói, đâu đâu ông cũng thấy hình ảnh Bác Hồ được treo trang trọng ở phía trên tường cao, treo bên cạnh ảnh của ông bà Tổ tiên trên bàn thờ! “Điều đó chứng tỏ với người Việt Nam ai ai trong lòng đều rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Cũng như nhiều người Mỹ khác, dù ở xa xôi với Việt Nam, ông David Thomas bị thu hút mạnh bởi những bức ảnh chân dung Bác Hồ ở khắp nơi, các tư liệu và sách báo nghiên cứu về Bác của các tác giả trong nước và nước ngoài. Bước đầu, ông bắt tay sáng tác hơn 50 tác phẩm hội họa về Hồ Chí Minh.

Người họa sĩ Mỹ từ năm 1992 đến năm 2000 đã vẽ 50 bức chân dung Hồ Chí Minh, sau khi có thời gian tìm hiểu cặn kẽ và bao quát, có cái nhìn sâu sắc và khách quan về vị lãnh tụ dân tộc Việt Nam qua nhiều cuốn sách của các tác giả Việt Nam, Liên Xô (cũ), Pháp và Mỹ. “Trước đó, ở Mỹ, tôi chưa biết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng chưa bao giờ biết rằng người thanh niên yêu nước Việt Nam đã từng ở Boston, biết làm thơ, sử dụng nhiều ngôn ngữ, kể cả tiếng Anh. Bởi lẽ đó, Hồ Chí Minh đã trích dẫn một số câu trong Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ vào Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam”, ông David Thomas nói.

Giải thích rõ hơn về bản thân là một nghệ sĩ, David Thomas thường vẽ chân dung Người khi đọc những nội dung về cuộc đời Hồ Chí Minh. Hoàn thành các tác phẩm vào năm 2000, mục đích của ông muốn trưng bày các bức vẽ tại các bảo tàng và triển lãm tranh ở nước Mỹ. “Tôi đứng ra tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở nhiều nơi như: California, Maine, New Hampshire và Massachusetts. Qua đó, cá nhân tôi mong muốn từ những tác phẩm này sẽ tạo ra sự trao đổi thảo luận về một con người thật Hồ Chí Minh ở Mỹ, không phải là hình ảnh một Hồ Chí Minh khác bị nhào nặn trong thời kỳ những năm 60, 70 thế kỷ trước”.

Theo lời kể, bấy giờ các cuộc triển lãm đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận trong cộng đồng, dư luận xã hội, thậm chí có cả sự phản đối với công tác tổ chức. Nhìn nhận kết quả chưa được như mong đợi, David Thomas quyết định chuyển sang viết một cuốn sách nghệ thuật về Hồ Chí Minh, trên cơ sở dựa trên tác phẩm sách của nhà văn Charles Fenn, nhờ thế sẽ tiếp cận rộng rãi công chúng hơn nữa...

Cuốn sách của họa sĩ David Thomas xuất bản lần trước dày 110 trang được đựng trong hộp sơn mài, trong đó có 50 bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do David Thomas vẽ, in trên giấy dó rất đặc trưng của Việt Nam - chất liệu trong lĩnh vực hội họa thường dùng để in các bức tranh dân gian Đông Hồ truyền thống ở vùng quê Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cuốn sách trở thành một trong số ít sách được sưu tầm và nhận vào thư viện sách hiếm của các đại học Yale, Cornell, Wellesley College, New York, Boston Public Library...

Người họa sĩ nói: Tôi thực hiện cuốn sách này qua đây giúp người Mỹ hiểu về Hồ Chí Minh, về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ở Mỹ có hàng nghìn cuốn sách về Việt Nam, về cuộc chiến tranh giữa hai nước. Tuy nhiên, vào thời điểm bắt đầu thực hiện cuốn sách của mình, ở Mỹ chỉ mới có duy nhất một cuốn sách của Charles Fenn viết về Hồ Chí Minh!

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, khi nhìn nhận thực tế tình hình hiện nay đang tiến triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước trên tinh thần tin cậy và cởi mở hơn, David Thomas cho biết, đến nay đã có nhiều cuốn sách về Việt Nam được viết do người Việt Nam và cả người nước ngoài xuất bản ở Mỹ. Trong đó nhiều cuốn sách viết về Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, hơn 100 cuốn sách đến nay đã được các viện bảo tàng, thư viện thu thập, cơ hội tiếp cận công chúng như ông nhìn nhận “vẫn chưa đạt mục đích ban đầu”. Ông cho biết sau đó đã tiếp tục triển khai kế hoạch mới kết hợp với bà Lady Borton để xuất bản cuốn sách đưa ra thị trường vào năm 2001. Lượng sách phát hành ở Việt Nam đã bán sạch, kết quả rất thành công. Ông bày tỏ đang cố gắng để có thể tái bản và phát hành cuốn sách này tại nước Mỹ.

“Người Mỹ cần hiểu rõ hơn về Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, và đất nước Việt Nam có nền văn hóa giàu bản sắc độc đáo và đa dạng”, ông nhấn mạnh.

“Agent Orange” và vết thương hậu chiến

Chiến tranh đã lùi xa nhưng với họa sĩ David vẫn đau đáu công việc viết và in cuốn sách về chất độc da cam bằng tiếng Anh có tựa đề “Agent Orange”.

Tại Khách sạn Ommi Parker, TP Boston, người họa sĩ Mỹ cùng vợ và hai người con trân trọng trao cuốn sách quý tặng Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Bìa sách được trình bày thiết kế khá ấn tượng, điểm nhấn nổi bật là hình ảnh thùng phuy đựng chất độc hóa học quân đội Mỹ sử dụng trên chiến trường Việt Nam.

Với phần minh họa bên trong, ông dành một tháng để chụp một cành hoa màu da cam, từ khi hoa nở bung cho tới khi lụi tàn, mang theo đó thông điệp về sự hủy diệt tàn khốc của chất độc sử dụng trong chiến tranh.

“Nhiều dân Mỹ biết về nỗi thống khổ của những cựu chiến binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong khi đó rất ít người biết hoặc không để ý hậu quả của chất độc da cam đối với người dân Việt Nam”. Người họa sĩ cựu chiến binh Mỹ cho biết thêm, không chỉ có người Việt Nam mà ngay cả những lính Mỹ tham gia phun chất độc này cũng bị phơi nhiễm. Đến tận sau này họ mới biết. David là người may mắn, hai người con, những đứa cháu nội và ngoại của ông vẫn mạnh khỏe . “Tôi có lẽ là người may mắn, con tôi may mắn, cháu tôi may mắn. Nhưng có rất nhiều người dân Việt Nam, trẻ em Việt Nam lại không may mắn...”.

Vì lẽ đó, trong nhiều năm qua, họa sĩ Thomas nhấn mạnh, hoạt động chính của Indochina Arts Partnership là giải thích để nhân dân Mỹ hiểu biết hơn về văn hóa và con người Việt Nam, và thực tế người dân nơi đây còn đeo đẳng hậu quả chiến tranh dù đã qua đi 40 năm, cả vấn đề chất độc da cam, cả về vấn đề vật liệu chưa nổ, xử lý vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Trên cương vị Chủ tịch Quỹ Indochina Arts Partnership, ông David Thomas trong 27 năm qua đã làm cầu nối mời hơn 100 họa sĩ, các cán bộ về văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, và hơn 100 nghệ sĩ Mỹ sang Việt Nam trong các chương trình giao lưu, tìm hiểu văn hóa - nghệ thuật, giáo dục. Ông là đầu mối tổ chức nhiều cuộc triển lãm lớn về nghệ thuật Việt Nam và xuất bản nhiều cuốn sách viết về nghệ thuật đương đại Việt Nam.