Cuộc hành quân qua miền Tây Bắc

Sư đoàn B16, tiền thân là Ðại đoàn B16 - một trong những sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của QÐND Việt Nam. Gần 60 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn nối tiếp nhau đi suốt chiều ngang của đất nước, đi suốt chiều dài của Tổ quốc. Ðại đoàn B16 là một trong những lực lượng quan trọng tham gia cuộc tiến công chiến lược đông xuân 1953-1954, kết thúc bằng chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử, đánh bại thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, sự thành công của trận đánh mở màn vang dội vào thị xã Buôn Ma Thuột, mà Sư đoàn B16 là lực lượng nòng cốt và những chiến thắng trên hướng tây bắc Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã góp phần giành toàn thắng sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Sư đoàn B16 được Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm nhiệm vụ quốc tế sớm nhất và lâu nhất, góp phần vun đắp và tô thắm tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, thủy chung giữa hai dân tộc Việt - Lào...

Từ mảnh đất Ðiện Biên lịch sử đến các dãy núi cao sừng sững bên bờ sông Mê Công ở cực bắc nước Lào; từ cao nguyên Mộc Châu đến cao nguyên Cánh Ðồng Chum với các ngọn núi hùng vĩ in bóng lên dòng sông Nậm Ngừm; từ miền tây Nghệ An đến cao nguyên Ðác Lắc, rồi miền Ðông Nam Bộ bao la... những chiến công vang dội đã đi vào lịch sử Sư đoàn B16 như những trang đẹp nhất, trở thành những giá trị tinh thần quý báu đối với cán bộ, chiến sĩ sư đoàn.

Sau bao tháng năm từ vùng biên cương Tây Bắc ra đi, Sư đoàn B16 trở về vùng quê hương rừng núi thân yêu, lại sát cánh cùng đồng bào các dân tộc tiếp tục làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Con sông Chảy nước đỏ ngàu. Mưa, nước dâng cao, sóng xoáy mạn bờ. Những chiếc cọc tre găm sâu vào lòng sông bị sức nước uốn cong. Phía bên kia, đối diện bến đò chính, một lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong gió cùng biển người chờ đón, đó là điểm đến của những người lính Sư đoàn B16 đang vượt sông trong đợt diễn tập thực binh có bắn đạn thật.

Chiều, các cửa xả của Nhà máy thủy điện Thác Bà tăng công suất hoạt động, dòng nước tung bọt trắng xóa. Hai đường dây phao làm chuẩn hướng bơi của bộ đội dưới sông dập dềnh theo sóng. Ðại tá Lê Quang Chính, Sư đoàn trưởng, mắt nhìn không chớp dõi theo hoạt động của bộ đội. Cuộc đời làm chỉ huy của anh đã trải qua bao lần gian truân, nhưng có lẽ đây là tình huống khiến anh lưu tâm nhất vì chưa bao giờ con lũ lại về bất chợt như năm nay. Kế hoạch đã xác định không thể thay đổi. Các khẩu lệnh của người chỉ huy vẫn vang lên sang sảng. Càng về tối, nước càng xoáy xiết, chỉ sai sót nhỏ có thể phải trả giá rất đắt. Mọi công tác chuẩn bị cho bộ đội vượt sông đã sẵn sàng.

Khẩu lệnh phát ra, bộ đội chia thành tổ ba người, cẩn trọng thăm dò sức nước, độ sâu, hướng bơi, sau đó lần lượt sang sông. Ca-nô cứu hộ cắt ngang dòng chảy, xé nước bám sát đơn vị. Tất cả im lặng. Không một tiếng động nhỏ. Mưa trút xuống cùng đêm tối. Bộ đội gồng mình trong rét, đạp lên hiểm nguy sang sông an toàn. Chiến sĩ Sùng Mý Nua là người bơi cuối cùng trong đoàn. Sóng xoáy cọc tiêu, chiếc phao tự tạo lôi người anh cuốn theo dòng nước, nước tràn ướt ba-lô. Anh bị dòng chảy ghìm chặt vào cọc tre. Sợi dây bảo hiểm vắt ngang sông căng cứng. Chiếc ca-nô rạch ngang trời đêm sâu thẳm, tăng tốc trực sẵn để xử lý tình huống. "Nguy hiểm quá, nguy hiểm quá...". Người đứng trên bờ thót tim, lặng thinh. Nhưng, bằng một động tác thành thục đã qua huấn luyện bài bản trước khi vượt sông, Sùng Mý Nua bám sợi dây, lật lại phao, lấy đà lao theo đường dẫn chuẩn. Anh cong người nhẹ nhàng khỏa nước và đến đích an toàn. Lúc này bến sông để lại màn đêm đen kịt.

Thời điểm ấy cách bến chính 1 km, bộ phận vượt sông bằng các phương tiện tự tạo gồm thuyền, bè mảng vẫn khẩn trương tăng tốc trước khi đêm chìm sâu vào sáng. Bộ đội đầm đìa mồ hôi dưới trời lất phất mưa. Trung tá Trần Minh Phong, Trung đoàn trưởng và Thượng tá Nguyễn Việt Ðức, Chính ủy Trung đoàn C8, trực tiếp chỉ huy đơn vị hành quân. Mặc dù vượt sông bằng phương tiện tự tạo an toàn hơn so với bơi vũ trang, nhưng các anh vẫn kiểm tra tỉ mỉ từng động tác gói buộc, cách mặc áo phao, vị trí ngồi của bộ đội. Ðỉnh con nước cao nhất cũng là lúc tất cả đơn vị vượt sông an toàn.

Chặng đầu tiên dài hơn 30 km đang đến gần, có lẽ đây là tình huống, nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm nhất trong toàn bộ quá trình hành quân. Song, bằng lòng quả cảm, ý chí quyết đoán, con sông Chảy phải khuất phục trước sức mạnh người lính. Bến sông vẫn ầm ầm nước chảy, bộ đội bỏ lại đằng sau bãi bồi phù sa để đi về nơi có cánh rừng già-điểm dừng chân đầu trong chặng đường 360 giờ không nghỉ.

Ðèo ách dài và dốc như thử lòng dũng cảm của các chiến sĩ trong đợt diễn tập này. Nó vòng vèo, lượn khúc rồi kết thúc ngay dưới chân con suối của làng đồng bào dân tộc Tày. Nơi rừng sâu tĩnh mịch, trăng ngàn gục đầu vào núi từ lâu, nhưng những người lính vẫn thức. Ðêm thứ tư bộ đội xuyên đường Tây Bắc. Họ đi như nước lũ đổ nguồn, điệp trùng, nhấp nhô. Nặng trĩu trên vai là ba-lô, súng đạn, gạo, củi và nhiều vật dụng khác. Ðể giải phóng đôi vai, bộ đội cải tiến chiếc xe đạp bằng cách hàn thêm khung, thay vành chịu lực, cuốn dây xích vào lốp xe nhằm tăng độ ma sát, nối dài tay lái để chở hòm đạn, thùng phòng hóa. Bộ đội lách khe sâu rừng thẳm hùng hồn như người lính năm xưa xung trận. Sau một đêm, bà con thức dậy, lên nương thấy lán trại, hầm hào, công sự, trận địa "mọc" nhan nhản. Vậy mà không ai phát hiện được bộ đội đã hành quân qua làng. Vừa đặt chân đến vị trí trú quân, toàn đơn vị bắt tay vào củng cố nơi ăn ở, vị trí làm việc, hố chiến đấu cá nhân, bếp Hoàng Cầm, lán âm, khu vệ sinh, nơi cất giấu súng đạn, tài liệu.

Trận địa của đơn vị được nối với nhau bằng nhiều chiến hào ngang dọc, bảo đảm yếu tố bí mật và sẵn sàng cơ động cao. Gần như các anh trắng đêm hì hục căng, móc, lấp, đào, hàng nghìn m3 đất đá. Bộ đội làm trong đêm tối, vậy mà hầm nào cũng đẹp, các lán đúng kích cỡ, giao thông hào, đường cơ động bảo đảm yếu tố an toàn, bí mật. Dưới tán cây cổ thụ trong cánh rừng Ðại Lịch, chiến sĩ trẻ Hầu A Chua, quê ở Yên Bái, bồng súng đứng gác. Ðằng xa, nhịp thở của đồng đội hòa vào tiếng nước nơi con suối bên cầu. Bất chợt, tiếng ai đó nhè nhè: "A Chua ơi, cậu chợp mắt đi, tớ thay ca cho". Anh ngoái đầu nhìn lại. Ðằng đông, một quầng sáng nhỏ đang nhô lên đỉnh núi. Anh có cảm giác cuộc đời và tình cảm của người lính thiêng liêng, ấm áp đến lạ kỳ.

Ðêm hôm trước mưa to, đất trở nên nhão nhoét, nước từ các khe cong vách núi trút xuống rào rào. Phía đông đồi Ðồng Khê, các chiến sĩ nuôi quân khắc phục lại bếp Hoàng Cầm. Bếp mới đào ngay bên sườn đồi có độ dốc lớn nên không khói, cơm chín thơm, rẻo quánh.

Thiếu tướng Hoàng Văn Toái, Phó Tư lệnh Quân khu 2, đến từng vị trí kiểm tra, và đánh giá cao cuộc hành quân thần tốc này. Nhất là việc đơn vị chuẩn bị chu đáo về người, vật chất, văn kiện chiến đấu. Các chặng đường hành quân đều bảo đảm đúng kế hoạch hiệp đồng. Ðường dài, dốc, nguy hiểm nhưng bộ đội đã chủ động khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Ðơn vị đã làm tốt công tác giáo dục, ổn định biên chế, tổ chức. Huấn luyện bổ sung, luyện tập phương án tác chiến.

Thiếu tướng trầm tư nghĩ về thăng trầm cuộc đời mình từ khi còn là anh binh nhì. Vậy mà có ngày làm tướng, thật lạ. Ðêm qua, hàng nghìn người say trong giấc nồng bên những lán trại san sát, có lẽ không mấy ai biết một vị tướng rất bình dị, bao dung, đang lướt chân trên mỗi các mỏm đồi và trắng đêm không ngủ để trực tiếp chỉ đạo cuộc diễn tập này...

Cuộc hành quân trong đợt diễn tập thực binh có bắn đạn thật gần đến đích. Chặng đường Tây Bắc ngắn hơn. Hôm nay là ngày cuối cùng bộ đội hoàn tất công tác chuẩn bị chờ giờ nổ súng. Không ai nói một lời. Họ hồi hộp, đợi chờ, củng cố hầm hào thêm vững chắc. Một điều đến bất ngờ như sắp đặt, đó là trời dịu mát, tinh thần các chiến sĩ trẻ phấn chấn.

Chính ủy sư đoàn gửi thư chúc mừng và kêu gọi động viên bộ đội đúng lúc trong công sự đạn đã lên nòng, hướng thẳng mục tiêu.

Tại sở chỉ huy, đồng chí Khổng Văn Vũ, Sư đoàn phó-Tham mưu trưởng, mắt không rời bản đồ tác chiến theo dõi chiến sự. Bên mô đất cao đồi Con Voi và gần đó, ngay cạnh con lạch nước, các chiến sĩ Sư đoàn B16 Anh hùng vùi mình trong đất đỏ, ngụy trang khéo léo, tất cả mọi diễn biến, hành động và ký tín ám hiệu chỉ diễn ra bằng mắt, hoặc qua hành động đã được hiệp đồng từ trước. Trong những lùm cây, dưới trận địa, từng loại vũ khí vươn nòng chờ sẵn. Chuông điện thoại reo lên... giờ G đã đến... Pháo hiệu vút cao, xé tan khoảng đêm mịt mùng. Một tiếng nổ chói tai, đồng loạt tiếng súng rền vang, đạn đỏ xiên chéo nhau, cắm vào đá, bật trở lại sáng choang. Bộ binh từ mọi hướng xuất hiện, súng lăm lăm, lựu đạn cài bên sườn, sẵn sàng mở chốt. "Xung phong", "Cháy rồi"... át cả tiếng chân người. Máy bay, xe tăng, xe bọc thép, công sự có nắp của "đối phương" lần lượt bị hạ gục, "xác" nằm ngổn ngang. Các đòn phản kích của chúng cũng nhanh chóng bị bẻ gãy bởi thế trận đan cài và bằng nhiều trận đánh tổng lực của bộ đội chủ lực kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ. Gần sáng, mục tiêu lộ rõ, trận địa cày xới, khói đạn mù mịt. Cả một khoảng đồi sáng trắng bởi những ánh lửa bập bùng.

Trận đánh thực tập thắng lợi. Cuộc hành quân kết thúc. Niềm hân hoan tràn ngập trên khuôn mặt người lính. Lá cờ Tổ quốc lại phần phật bay trên vai người chiến sĩ trẻ. Trong đoàn quân ấy, có vị tướng già phấn chấn chia sẻ niềm vui. Tiếng reo hò hòa trong sắc nắng vừa lên...