Đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ các nội dung quan trọng trình Quốc hội

Theo thông tin mới nhất từ phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/5 tại Nhà Quốc hội với nhiều nội dung, chủ đề quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội gắn với đời sống người dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Đất đai năm 2024 với hình thức trực tiếp và trực tuyến đến cán bộ, công chức ngành tư pháp. (Ảnh LÊ SƠN)
Hội nghị Phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Đất đai năm 2024 với hình thức trực tiếp và trực tuyến đến cán bộ, công chức ngành tư pháp. (Ảnh LÊ SƠN)

Cụ thể, tại kỳ họp này sẽ bổ sung 6 nội dung vào dự kiến Chương trình làm việc gồm các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước); Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Một số nội dung khác được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội gồm dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ quan tâm chuẩn bị nội dung từ sớm, từ xa, có nhiều văn bản chỉ đạo cho nên so với những kỳ họp trước, Chính phủ lần này có chuyển biến tích cực hơn trong chuẩn bị nội dung. Dự kiến các nội dung trình rất lớn với nhiều luật được thông qua cũng như xin ý kiến lần đầu, Chính phủ tiếp tục tích cực đôn đốc để sớm hoàn thiện các nội dung trình. Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các cơ quan trình sẽ tiếp tục cập nhật các nội dung theo yêu cầu gửi tới các đại biểu Quốc hội đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

Ngay ngày đầu tháng 4/2024, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội chủ trì cuộc làm việc giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm xem xét, đánh giá kết quả công tác chủ yếu tháng 3 và quý I/2024, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm và định hướng lớn công tác quý II/2024.

Tại thời điểm đó, các ý kiến đại biểu quan tâm tình hình khối lượng công việc từ nay cho đến kỳ họp thứ 7 rất lớn; ngoài các nội dung đã có dự kiến từ trước, tại Văn bản số 85/CP-QHĐP ngày 9/3/2024, Chính phủ đề nghị lùi tiến độ một nội dung và bổ sung mới 13 nội dung khác vào chương trình kỳ họp thứ 7. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều ý kiến tại cuộc họp đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan; gửi dự thảo để Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản về các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý; hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để sớm gửi tài liệu kỳ họp bảo đảm thời gian để đại biểu Quốc hội nghiên cứu đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Các nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội là tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát theo Chương trình hoạt động giám sát năm 2024, khẩn trương tham mưu, triển khai các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát khác theo chương trình, kế hoạch; trong đó, tập trung hoàn thiện báo cáo giám sát chuyên đề để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023; tổ chức thẩm tra kỹ lưỡng các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Tại hội nghị sơ kết gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng và một số ý kiến cho rằng: Đối với việc lập dự kiến Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội khẩn trương lập dự kiến Chương trình, gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra đề nghị xây dựng luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách, chú trọng làm rõ các chính sách được đề xuất, đánh giá tác động, bảo đảm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển, gửi Ủy ban Pháp luật để tổng hợp, xây dựng báo cáo thẩm tra chung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có thể thấy, hoạt động của Quốc hội triển khai toàn diện trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tổ chức nhiều sự kiện lớn: Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội nghị triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội; Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024...

Cử tri và nhân dân tại các địa phương ghi nhận, các cơ quan của Quốc hội triển khai công tác toàn diện, linh hoạt, kịp thời; hoàn thành khối lượng nhiệm vụ rất lớn, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, nguyện vọng, mong muốn của cử tri và nhân dân; và đề nghị các ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động bám sát chương trình, kế hoạch, tổ chức công việc khoa học, phân công, phân bổ nguồn lực hợp lý; tập trung, nỗ lực với quyết tâm cao độ để bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dự kiến xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; bên cạnh đó, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu...