Mệnh lệnh chiến trường

Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Điện Biên Phủ, theo kế hoạch ban đầu, Đại đoàn công pháo 351 cùng một số đơn vị bộ binh được lệnh thực hiện kéo pháo vào trận địa. Khi thay đổi phương châm tác chiến, Đại đoàn công pháo 351 tiếp tục được giao kéo pháo ra, chuẩn bị lại chiến trường. Dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bộ đội ta đã thực hiện nghiêm mệnh lệnh chiến trường, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ...
0:00 / 0:00
0:00
Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp xem lại những kỷ vật lưu giữ từ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp xem lại những kỷ vật lưu giữ từ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thượng tuần tháng 1/1954, Đại đoàn công pháo 351 hoàn thành thắng lợi cuộc hành quân 500 km từ hậu phương ra tiền tuyến. Vừa đặt chân đến Tuần Giáo, cán bộ đại đoàn, trung đoàn được lệnh đến hang Thẩm Púa để dự hội nghị do Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập. Trong hội nghị, có hai phương châm tác chiến tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ được đưa ra thảo luận, đó là: "đánh nhanh, giải quyết nhanh" theo lối thọc sâu, hay "đánh chắc, tiến chắc" theo lối bóc vỏ. Căn cứ tình hình địch lúc bấy giờ, hội nghị nhất trí dùng cách đánh thọc sâu, Đại đoàn công pháo 351 được giao nhiệm vụ lấy sức người thay cơ giới tranh thủ đưa pháo nặng hàng tấn vượt qua núi rừng trùng điệp vào chiếm lĩnh trận địa.

Nhận nhiệm vụ nêu trên, Chính ủy Đại đoàn công pháo 351 khi ấy là đồng chí Phạm Ngọc Mậu khá băn khoăn, lo lắng. Bởi, ngoài mệnh lệnh lấy sức người thay cơ giới, tranh thủ đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa, Bộ Chỉ huy chiến dịch còn yêu cầu "phải hết sức giữ bí mật, bất ngờ, nhất là bất ngờ về hỏa lực lựu pháo và cao xạ là những lực lượng lần đầu tiên tham chiến". Hiểu được khó khăn, lo lắng của đồng chí Chính ủy Đại đoàn công pháo 351 và các anh em khác được giao nhiệm vụ, đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Đảng ủy Mặt trận đã tiếp xúc riêng với cán bộ công binh, pháo binh và đại đoàn bộ binh tham gia kéo pháo để chỉ đạo, động viên bộ đội quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Trực tiếp lãnh trách nhiệm kéo pháo vào trận địa cùng các đồng chí chính ủy trung đoàn, chính trị viên tiểu đoàn, tiểu đoàn phó, ngay tối hôm ấy đồng chí Phạm Ngọc Mậu đã cho lệnh bộ đội chuyển đến vùng tập kết để cắt pháo rời xe, đưa pháo vào đường mòn mới mở đất còn đỏ ối, rộng chừng 3 mét và trườn dài từ đông sang tây (bắt đầu từ cửa rừng Nà Nham chỗ cây số 70 đường Tuần Giáo-Điện Biên) vắt qua đỉnh Pha Sông (cao 1.450m) đổ xuống bản Tố (đường Điện Biên-Lai Châu), rồi trườn tới tận bản Nghịu (tây bắc Điện Biên Phủ). Địa hình hiểm trở, nhiều đoạn một bên là sườn núi chênh vênh, một bên là vực sâu, đường mới mở lại hẹp, cho nên nhỡ trượt bánh xe lăn xuống thì người và pháo chẳng cách nào cứu vãn được.

Để bảo đảm kéo pháo an toàn, đồng chí Phạm Ngọc Mậu quyết định thực hiện kéo thử hai khẩu pháo (một lựu pháo và một cao xạ pháo) giữa ban ngày để rút kinh nghiệm. Ban đầu, tạm chia 30 người (20 bộ binh, 10 pháo thủ) kéo một khẩu pháo, bắt đầu kéo qua đường bằng thì pháo chạy băng băng, nhưng khi bắt đầu đến cái dốc ở đồi trọc thì khẩu pháo nhúc nhích một cách nặng nề. Mỗi hơi kéo cật lực khẩu pháo cũng chỉ lăn đi từng gang tay một. Thấy con số 30 người kéo một khẩu không đủ, chỉ huy đã tăng thêm lực lượng bám kín cả bốn đường dây mà tính ra mỗi khẩu có đến hàng trăm người cùng kéo. Ấy vậy mà ì ạch cả buổi sáng khẩu pháo cũng chỉ lết đi chưa đầy một ki-lô-mét; có đoạn khẩu lựu pháo bỗng quay ngang, một bánh tụt xuống rệ vực như thách thức…

Dừng chân nghỉ tạm bên đường, một cuộc hội ý nghe sáng kiến kéo pháo được tổ chức mà thành viên là các chiến sĩ trực tiếp kéo pháo. Trong cuộc hội ý này, chiến sĩ rất hào hứng tham gia ý kiến từ kinh nghiệm của bản thân khi làm nghề chài lưới, nghề sơn tràng. Có đồng chí nêu "tìm được dây mụng đem về đập dập, bện ba sợi làm một thì song mây cũng chẳng bằng", có đồng chí lại giơ lòng bàn tay với chi chít vết phồng rộp và nói: "Mỗi người kéo pháo phải chuẩn bị một đoạn dây cóc móc vào dây chão, choàng qua vai như người kéo thuyền, kéo gỗ thì sẽ nhẹ và khỏe hơn. Chỉ riêng kiểu này cũng có thể đẩy hiệu suất kéo lên nhanh gấp ba so với ban đầu mà bàn tay đỡ nát"; có đồng chí đưa ý kiến: "Mỗi khẩu đội lựu pháo phải đẽo thêm một "vai cày" buộc vào dưới lưỡi cày để càng pháo trượt trên mặt đất, pháo thủ không phải vác càng lên vai, vừa đi được nhanh vừa đỡ nguy hiểm"… Từ ý kiến của các chiến sĩ, đồng chí Phạm Ngọc Mậu đã quyết định triển khai ngay nhiệm vụ ngụy trang đường, lập "công trường" bện dây mụng và xin cấp thêm dây cáp… Qua chín ngày đêm miệt mài, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đối diện không biết bao nhiêu gian nan, hiểm nguy, đến rạng sáng ngày 25/1/1954, toàn bộ 24 khẩu pháo đã được đưa vào trận địa an toàn và bảo đảm tuyệt đối các yếu tố bí mật.

Tuy nhiên lúc này, qua công tác trinh sát, ta phát hiện Pháp cũng đã hoàn thành việc tăng cường quân số và vũ khí, phương tiện cho Điện Biên Phủ, nhằm biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, với những đơn vị đồn trú tinh nhuệ, khí tài mạnh và hệ thống hầm hào kiên cố. Sau khi nghiên cứu, phân tích, so sánh lực lượng hai bên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Với chủ trương đó, một mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch được ban hành: "...Tất cả lực lượng pháo binh kéo trở lại vị trí tập kết chiến dịch cũ trên đường 41, ngay trong đêm nay, 26/1/1954". Với cán bộ, chiến sĩ lực lượng pháo binh, mệnh lệnh đó đã gây không ít xáo trộn về tâm lý khi mà mất bao nhiêu mồ hôi, công sức mới đưa được pháo vào trận địa, giờ lại phải kéo pháo ra.

Nắm bắt tư tưởng chiến sĩ, các chi bộ kịp thời họp để quán triệt việc kéo pháo ra vào chập tối ngày 26/1/1954, cuộc vật lộn với đèo cao, vực thẳm, dốc trơn... được lặp lại, chỉ có điều lần này mũi pháo... quay về hậu cứ. Lượt kéo pháo vào trận địa đã rất gian khổ, nhưng không gian khổ bằng lượt kéo pháo ra. Dường như không quân Pháp đã phát hiện thấy hoạt động của ta cho nên chúng liên tục cho máy bay trinh sát và sau đó là phản lực oanh tạc.

Đêm 1/2/1954 là đêm thứ bảy, các chiến sĩ thực hiện mệnh lệnh kéo pháo trở ra. Dưới chân dãy Pú Pha Sông sừng sững, những giọt mồ hôi của lượt kéo pháo vào còn chưa kịp khô giờ lại tiếp tục thử thách quyết tâm của những người lính trẻ cùng chí hướng. Nói về những khó khăn, gian khổ của lượt kéo pháo ra, ông Nguyễn Hữu Chấp, nguyên là lính pháo binh tham gia trận Điện Biên Phủ từ đầu chiến dịch tới ngày quân ta toàn thắng (hiện đang cư trú tại tổ dân phố 20, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) cho biết: Lượt kéo pháo ra, xuất hiện một tấm gương cứu pháo vô cùng quả cảm, đó là anh Tô Vĩnh Diện, Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37 mm thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367; đó là đêm 1/2/1954, đơn vị của Tô Vĩnh Diện kéo pháo ra đến dốc Chuối, mặt đường rất hẹp và nghiêng tới 70 độ. Trời lác đác mưa phùn, rừng núi hoang vu và màn đêm đen đặc, hai bên đường mốc giới được xác định bởi những cành củi mục lờ mờ ánh lân tinh. Trung đội trưởng Trần Quốc Chân đi trước dẫn đường; Tô Vĩnh Diện và pháo thủ Nguyễn Văn Chi trực tiếp lái càng khẩu pháo đầu tiên xuống dốc. Chiến sĩ Đài và chiến sĩ Ước cầm cục gỗ chèn hai bánh pháo, một người gõ mõ làm hiệu lệnh. Xuống được nửa dốc, mọi người đang nín thở ghìm sợi dây chão thì bỗng đâu tiếng pháo địch nổ chát chúa, những ánh chớp xanh lẹt làm cả khu rừng bừng sáng. Đất đá rơi rào rào cùng tiếng cành cây kêu răng rắc bị mảnh pháo phạt gãy. Đoàn quân kéo pháo đã có người bị thương nhưng tất cả vẫn bám chắc sợi dây, ai cũng hiểu chỉ cần một vài người mất bình tĩnh, lỏng tay thì ngay lập tức khẩu pháo sẽ lao xuống vực. Thêm một loạt đạn nữa của địch giội xuống, nhưng không phải đạn pháo mà là bom... và... "phựt"! Dây tời chính (ở giữa) bị mảnh bom cắt đứt, hai sợi dây hai bên còn căng hơn cả dây đàn với hàng trăm cánh tay cuồn cuộn đang cố ghìm lại khối thép nặng hơn hai tấn. Vài người ngã còng queo trên sườn dốc, chiến sĩ Chi bị càng pháo hất bay xuống vực. Một mình Tô Vĩnh Diện đang dồn hết sức, cố kiểm soát chiếc càng pháo đang quăng quật một cách hung hãn như muốn đập nát bất cứ thứ gì.

Trong tình thế cấp bách này, Tô Vĩnh Diện hô to: "Anh em, thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo!". Rồi, bằng một hành động phi thường, anh chạy thật nhanh lên phía trước lấy thân mình chèn vào bánh pháo. Do một bên bánh bị vướng, khẩu pháo mất thăng bằng nên trọng lượng dồn nghiêng vào sườn núi và dừng lại. Khẩu pháo cao xạ 37 mm được an toàn, nhưng Tô Vĩnh Diện đã vĩnh viễn ra đi. Trên cánh tay đồng đội, Tô Vĩnh Diện trút hơi thở cuối cùng với câu hỏi xé lòng: "Các đồng chí... ơi... pháo có việc gì... không?". Lúc đó là 22 giờ 5 phút, đêm 1/2/1954 (thứ hai, ngày 28 tháng Chạp, năm Quý Tỵ).

Đến ngày 5/2/1954 (mồng 3 Tết âm lịch Giáp Ngọ), khẩu pháo cuối cùng được kéo về vị trí tập kết an toàn. Tận ngày 7/2/1954 (mồng 5 Tết âm lịch Giáp Ngọ), các đơn vị mới ăn Tết và anh em đùa vui là Tết "kéo pháo vào, kéo pháo ra". Dưới những cơn mưa ngàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc Tết, biểu dương cán bộ, chiến sĩ đã làm tròn nhiệm vụ chuyển pháo vào trận địa rồi lại chuyển pháo ra theo đúng phương châm tác chiến của cấp trên.

Tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong chiến dịch "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Dịp kỷ niệm hai năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1956), đồng chí đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Về mặt thời gian và địa điểm xảy ra chiến sự, nếu không kể đồng chí Bế Văn Đàn trong trận Mường Pồn, thì Anh hùng Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện là người đầu tiên được vinh danh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong trận đánh mang mật danh Trần Đình (Chiến dịch Điện Biên Phủ).

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Hồi ký của Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu (nguyên Chính ủy Đại đoàn công pháo 351) và ghi theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Chấp, nguyên là lính pháo binh tham gia trận Điện Biên Phủ từ đầu chiến dịch tới ngày quân ta toàn thắng).