80 năm sắt son với Ðảng

Đảng viên lão thành Nghiêm Xuân Tín trò chuyện với thanh niên.
Đảng viên lão thành Nghiêm Xuân Tín trò chuyện với thanh niên.

Ngày đầu xuân, tôi về phường 2, thị xã Bảo Lộc (Lâm Ðồng) thăm ông và được nghe lão đồng chí kể về những năm tháng cũ. Ðó là những ngày mà cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước, ngày mà những người trẻ tuổi như ông được giác ngộ lý tưởng và quyết tâm dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng một xã hội tốt đẹp trong tương lai. Ông Tín có vóc người nhỏ bé, lưng còng do tuổi tác nhưng trí tuệ vẫn còn minh mẫn, niềm lạc quan vẫn nở tươi trên mỗi nụ cười...

Người đảng viên "tiền bối"

Sinh năm 1913, từ quê nhà Ðức Thọ - Hà Tĩnh theo cha vào Ðà Lạt - Lâm Ðồng từ lúc mới lên 10. Tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày còn nhỏ, năm 1930, vừa tròn 17 tuổi ông đã trở thành một trong ba đảng viên đầu tiên của chi bộ đảng ở cao nguyên Lâm Viên. Bắt đầu từ đây, bước chân của anh thanh niên Nghiêm Xuân Tín đã in dấu trên khắp các vùng đất, từ Ninh Thuận, Lâm Ðồng vào Sài Gòn - Chợ Lớn đến chiến khu miền Tây Nam Bộ rồi sau đó là miền bắc trong những tháng năm tập kết. Nhiệm vụ cách mạng giao cho ông thì nhiều và qua nhiều giai đoạn, nhưng ông nhớ nhất là thời kỳ 1948 - 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến hồi cao trào nhất, ông được tổ chức giao nhiệm vụ, theo thư giới thiệu của Ủy viên Nội vụ Ung Văn Khiêm mà ông còn lưu giữ, là "gây dựng cơ sở cách mạng, phụ trách việc tiếp tế vũ khí, hóa chất, dụng cụ binh công, dụng cụ văn phòng, thuốc men cho Cục Nam - Trung Bộ", "sưu tầm súng đạn phục vụ cho kháng chiến". Ðó là đoạn đời hoạt động đẹp nhất, hiểm nguy nhất và ông đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ Việt Minh, một đảng viên cộng sản...

Trên hành trình di dân của những người Hà Tĩnh vào Ðà Lạt lập nên ấp Nghệ - Tĩnh vào thời đầu thế kỷ trước có cậu bé Nam mới 10 tuổi theo cha. Cậu chăm chỉ và sáng dạ, được cho về Sài Gòn học ngành công nghệ và sau đó trở về làm nhân viên của Nhà máy đèn Ðà Lạt. Chính từ môi trường này, cậu đã tham gia tổ chức Công hội Ðỏ và tìm hiểu, giác ngộ về chủ nghĩa Mác - Lê nin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và con đường cách mạng Việt Nam. Bước ngoặt của lịch sử dân tộc được đánh dấu bằng sự ra đời của Ðảng vào ngày 3-2-1930, thì sau đó bốn tháng, chi bộ đảng đầu tiên cũng đã được thành lập trên cao nguyên Lâm Viên mà Nghiêm Xuân Tín là một trong ba đồng chí đứng trong hàng ngũ những người tiên phong ấy. Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Lâm Ðồng ghi lại: Ngày 26-4-1930, tại căn buồng số 2 trên tầng gác của nhà xe của khách sạn Palace (Ðà Lạt), chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Lâm Viên (Lâm Ðồng ngày nay) được thành lập do đồng chí Trần Hữu Duyệt - Bí thư Tỉnh ủy Nha Trang chủ trì. Chi bộ lúc đầu có ba đồng chí là Trần Diễm, Lê Quang Phơn và Nghiêm Xuân Tín. Lúc đó, ông Tín vừa tròn 17 tuổi. Bồi hồi nhớ lại những ngày đó, ông kể: Từ ba đảng viên, chúng tôi đã dần dần giác ngộ và phát triển chi bộ lên 11 đảng viên. Các đồng chí trong chi bộ đã tổ chức nhiều cuộc hội họp, nhiều sinh hoạt chính trị, phát tán tài liệu, truyền đơn tuyên truyền cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Lâm Viên ngày càng lớn mạnh.

Hoạt động của chi bộ đầu tiên ấy cũng có những bước thăng trầm như diễn biến chung cả nước, ông nói. Cũng có những lúc bị địch truy tìm, bố ráp. Cũng có những lúc bị mất liên lạc với cấp trên. Nhưng với lý tưởng đã được giác ngộ sâu sắc, với lòng kiên trung, quyết tâm theo đảng, những người cộng sản trẻ tuổi ấy vẫn kiên trì hoạt động, tìm cách bắt liên lạc với tổ chức, tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng trong nhân dân địa phương. Sau khi cùng chi bộ lãnh đạo nhân dân Lâm Viên cùng cả nước cướp chính quyền thành công, đến ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì Nghiêm Xuân Tín được cấp trên phân công làm Trưởng ban Công binh thuộc Ðại đội 2, phụ trách khu vực Ðà Lạt - Phan Rang. Năm 1946, đơn vị của ông phụ trách phòng tuyến Trại Mát - Ðơn Dương, phòng tuyến này đã chiến đấu kiên cường, làm cho giặc Pháp hao tổn nhiều binh lực trước khi chúng vào được nội ô Ðà Lạt...

Ba lần cận kề cái chết

Trong cuộc đời hoạt động của Nghiêm Xuân Tín, đã ba lần ông bị dao kề cổ, súng kề ngực nhưng đều thoát chết trong gang tấc. Lần thứ nhất là trong một trận địch bố ráp ở Ðà Lạt, ông bị một tên lính lê dương da đen chĩa súng vào ngực. Rất may, trước lúc bóp cò, hắn hỏi một câu: "Mày có phải là Việt Minh không?". May mắn ông biết tiếng Pháp và trả lời: "Không, tôi là người chăn bò". Thế là tên lính tha mạng cho ông. Lần thứ hai, ông bị địch bắt quả tang khi đang vận chuyển vũ khí tại Sài Gòn và cùng bị tập trung với một người nông dân. Ðịch hành quyết người nông dân trước mặt ông bằng cách cắt cổ. Khi chúng chuẩn bị kề dao lên cổ ông thì du kích của ta nổ súng. Bọn Pháp tháo chạy và kéo ông theo, lợi dụng đêm tối, ông Tín đã trốn thoát...

Ông kể về lần thoát chết thứ ba: "Khi hoạt động ở chiến khu miền Tây Nam Bộ, trong một lần đi nhận khoảng 1,2 tấn vũ khí và gang để chế tạo lựu đạn trên đường về bằng thuyền, ông và 8 đồng chí khác đã bị tàu tuần tiễu của địch phát hiện. Tàu địch pha đèn sáng choang cả một vùng. Ðịch quét đạn như mưa vào chúng tôi. 9 người lao xuống sông, trôi bập bềnh như 9 trái dừa. Tôi không bơi vào bờ mà bơi cặp mạn tàu địch nên thoát chết, 8 đồng chí khác đều hy sinh, hôm sau đơn vị chỉ tìm được xác thi thể 4 người". "Mạng tôi lớn, nên bây giờ sống càng thêm thọ", ông nói rồi cười sảng khoái.

"Khi cầm súng chống lại quân xâm lược thì không sợ cái chết, và hòa bình rồi thì sống phải cho ra sống. Sống và làm theo tấm gương của Bác Hồ mới xứng đáng là người cộng sản chân chính". Người đảng viên lão thành tâm sự về lẽ sống của ông mà cũng là cách truyền dạy những người trẻ tuổi. Ông đã sống và chiến đấu bằng chính tinh thần ấy, từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước, trong kháng chiến, cũng như lúc tập kết ra bắc làm công tác đảng rồi về hưu từ năm 1964. Không màng chức tước, danh lợi, ông trở về bình thản an hưởng tuổi già cùng con cháu trong khu vườn xanh tươi ở thị xã Bảo Lộc an bình. Hằng ngày ông vẫn theo dõi thông tin đất nước và thế giới trên báo, đài, vẫn sinh hoạt chi bộ đảng địa phương và đóng đảng phí đều đặn. Ông nói: "Mình già rồi, không đóng góp được nhiều nữa, chỉ mong sao vẫn là tấm gương sáng cho con cháu, cho thế hệ đảng viên trẻ noi theo".

UÔNG THÁI BIỂU