Ðánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội để có giải pháp hữu hiệu hơn

Trong giờ giải lao, tại hành lang hội trường, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn nhanh và ghi ý kiến của một số đại biểu QH về một số vấn đề trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008 và những tháng đầu năm 2009.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến nói trên.

Ðại biểu Nguyễn Thế Thảo, TP Hà Nội:

Kích cầu và triển vọng khôi phục, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam

PV: Ðồng chí đánh giá thế nào về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 cũng như triển vọng trong thời gian tới?

Ðại biểu Nguyễn Thế Thảo: Tôi cho rằng trên thực tế, những dấu hiệu khôi phục tăng trưởng đang bộc lộ ngày càng rõ, không chỉ ở một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu mà đặc biệt quan trọng là từ khu vực doanh nghiệp. Các chỉ báo về việc làm cũng cho thấy xu hướng tích cực trở lại đang diễn ra khá nhanh chóng. Tại địa bàn Thủ đô Hà Nội, quý I GDP tăng 3,12%, tháng 4 tăng 3,9%, dự kiến tháng 5 sẽ tăng hơn 4%. Theo đà này, tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực mạnh hơn, cơ bản hơn trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, chung quanh gói kích cầu, tôi thấy vẫn còn có nhiều điểm cần được làm rõ, một số điểm thật sự đáng lo ngại, phải được tập trung mổ xẻ, thảo luận kỹ tại diễn đàn Quốc hội.

PV: Ðồng chí có thể cho biết cụ thể hơn?

Ðại biểu Nguyễn Thế Thảo: Một trong những điểm cần làm rõ đầu tiên là tính cụ thể và sự rõ ràng của các gói kích cầu - rõ ràng về mục tiêu, về đối tượng thụ hưởng, về quy mô, thời hạn triển khai và về cơ chế thực thi của từng gói kích cầu. Với khối lượng kích cầu thật sự khổng lồ trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam - lên tới 150-160 nghìn tỷ đồng, tương đương 8-9 tỷ USD, hiện nay, mức độ cụ thể của các gói mà công luận được biết nói chung còn thấp, nhất là các gói gắn với việc chi tiền trực tiếp từ ngân sách. Những gói kích cầu lớn như xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, ứng trước tiền xây dựng cơ bản cho các địa phương, bảo lãnh tín dụng, hoặc gói kích cầu được kỳ vọng rất nhiều là hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư nông nghiệp, như thực tế cho thấy, cơ bản mới được định hướng mục tiêu chung và xác lập một số nguyên tắc thực thi sơ bộ. Chính vì vậy, đa số các gói này chưa thể triển khai thật sự, hoặc nếu có triển khai thì cũng khó đạt hiệu quả mong đợi, dễ tạo sơ hở, gây thất thoát cho ngân sách và sinh ra những rủi ro cho cơ chế, bộ máy và nhất là khả năng làm hư hỏng cán bộ thực thi.

Tôi kiến nghị Chính phủ nên công bố đầy đủ hơn các thông tin về các gói kích cầu, tạo cơ hội cho công luận xã hội tham gia thảo luận, góp ý hiến kế một cách rộng rãi, trước hết vào việc "thiết kế" các gói kích cầu. Với sự tham gia đó, chắc chắn Chính phủ sẽ có nhiều căn cứ thực tế để xây dựng các gói kích cầu phù hợp với tình hình và yêu cầu đặt ra, đồng thời tạo cơ sở để nhân dân tham gia thực thi và giám sát các gói kích cầu một cách hiệu quả.

Vấn đề thứ hai là tổ chức giám sát thực thi các gói kích cầu. Tôi cho rằng, đây là vấn đề trọng tâm cần được tập trung thảo luận trên diễn đàn Quốc hội lần này. Ở các nước, điều kiện để được nhận vốn kích cầu thường là rất khắt khe, đồng thời, chúng được công bố công khai, tạo điều kiện cho việc giám sát thực thi của Nhà nước và công luận. Ở Việt Nam, vấn đề này tuy đã được Chính phủ quan tâm, song chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cả hai vế: một là tính chặt chẽ, nghiêm khắc của các điều kiện; hai là mức độ công khai thông tin. Vì thế, khả năng kích cầu chệch mục đích, bị lạm dụng, lợi dụng, móc ngoặc để hưởng lợi ở các "chủ thể" "cung cấp" và "thụ hưởng" vốn kích cầu là rất lớn. Những sai phạm trong việc thực hiện gói kích cầu "hỗ trợ người nghèo ăn Tết" vừa qua là một sự cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng lợi dụng một chủ trương đúng để trục lợi, ăn chặn tiền dân trên diện rộng. Tôi kiến nghị, việc thiết kế các gói kích cầu phải đặc biệt chú trọng đến việc xác định các điều kiện thực thi chặt chẽ, nghiêm khắc, bằng cách tạo cơ hội cho sự tham gia rộng rãi ý kiến của dân, của doanh nghiệp; đồng thời phải công khai và minh bạch các điều kiện này.

Vấn đề thứ ba, cần tránh mâu thuẫn giữa các mục tiêu kích cầu ngắn hạn với các yêu cầu phát triển dài hạn, trong đó, đặc biệt là các mục tiêu tái cơ cấu kinh tế. Chúng ta đều đồng ý rằng tình hình hiện nay chứa đựng một cơ hội lớn để đẩy mạnh cải cách, đổi mới thể chế. Ðây là cơ hội "thanh lý" những yếu kém thể chế, những doanh nghiệp không xứng đáng tồn tại. Tuy nhiên, các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp, nếu không được thiết kế cẩn thận, có khả năng "cứu trợ" những doanh nghiệp quá yếu kém, không đáng "tồn tại" mà bỏ quên những doanh nghiệp biết làm ăn nhưng đang tạm thời gặp khó khăn do điều kiện khách quan. Ðây là một thực tế phải tính đến, nếu không ngân sách Nhà nước bị sử dụng sai mục tiêu, gây tổn hại lâu dài, sức mạnh của hệ thống doanh nghiệp không được cải thiện, thậm chí, còn bị suy giảm. Tôi cho rằng, cần tranh thủ cơ hội này để đẩy mạnh việc tái cấu trúc, không nên để các mục tiêu kích cầu ngắn hạn, nhất là mục tiêu tăng sản lượng, lấn át quá mức các mục tiêu lâu dài, trong đó, có mục tiêu làm mạnh đội ngũ doanh nghiệp.

Thứ tư, về vấn đề bội chi, thâm hụt ngân sách. Bội chi ngân sách là vấn đề lớn, đang thật sự nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã bội chi ngân sách ở mức khá cao "trường kỳ" trong nhiều năm. Năm nay, Chính phủ đề xuất mức bội chi cao hơn hẳn các năm trước. Như vậy là tính nghiêm trọng tăng lên. Chúng ta phải ý thức rất rõ về điều này để có những thảo luận thực chất. Tôi cho rằng, trong điều kiện năm nay, việc tăng mức bội chi ngân sách lên cao là không thể tránh khỏi. Ðây là điều cần được thống nhất nhận thức để từ đó, thống nhất hành động. Chấp nhận bội chi lớn hơn để kích cầu, vực dậy nền kinh tế là việc phải làm, phải làm một cách khẩn trương, quyết liệt. Ðó là yêu cầu bắt buộc, cấp bách hiện nay. Nhưng bội chi lớn bao nhiêu là đúng? 7, 8 hay 9% GDP? Vực dậy được nền kinh tế nhưng ẩn họa phía sau - thí dụ nợ Chính phủ, lạm phát gia tăng cần được tính đến như thế nào? Ðây là những vấn đề rất thiết thân và quan trọng không kém bản thân việc kích cầu. Tôi cho rằng với kịch bản 8% bội chi ngân sách, GDP tăng 5%, Chính phủ đã cân đối đề ra mức phấn đấu cao nhất.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Hoàng Trang (Thực hiện)

Ðại biểu Đặng Như Lợi, tỉnh Cà Mau:

Xử lý vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh suy giảm kinh tế

PV: Thưa đồng chí, đồng chí đánh giá thế nào về báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này?

Ðại biểu Ðặng Như Lợi: Theo tôi Báo cáo của Chính phủ toàn diện, khá kỹ lưỡng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có việc điều hành chống suy giảm kinh tế. Còn nhớ cuối năm 2008, tình hình lạm phát căng thẳng, chúng ta phải thực hiện các giải pháp chống lạm phát. Nhưng ngay tại kỳ họp QH ấy, đã xuất hiện vấn đề giảm phát và lập tức đòi hỏi giải pháp phải thay đổi, chuyển thành chống suy thoái kinh tế. Chính phủ điều hành là kịp thời, tôi tán thành nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ. Vấn đề là hiệu quả và tác dụng cụ thể của gói kích cầu như thế nào. Kích cầu phải bảo đảm ba yêu cầu: kịp thời, đúng chỗ và mức độ phù hợp. Kịp thời rồi, nhưng đúng chỗ hay chưa, thì chỉ khi quản lý, kiểm soát và đánh giá được nền kinh tế mới biết được. Thí dụ như, trong bốn tháng đầu năm, các DN ngoài quốc doanh tăng trưởng 6,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%, còn DN nhà nước giảm 0,9%. Nếu gói kích cầu chủ yếu rơi vào khối DN nhà nước thì kết quả sẽ hạn chế. Các DN nhà nước với vai trò chủ đạo cần đi đầu trong việc chống suy thoái kinh tế.

PV: Về các chỉ tiêu mà Chính phủ đề nghị điều chỉnh, đồng chí thấy thế nào?

Ðại biểu Ðặng Như Lợi: Chính phủ đề nghị điều chỉnh GDP từ 6,5% xuống còn 5%. Tôi thấy cơ sở để đề ra chỉ tiêu chưa thuyết phục. Quý I GDP tăng trưởng 3,1%, dự đoán quý II là 4%, quý III: 6%; quý IV: 7%. Trong đó quý III tăng 2%, mà gói kích cầu đâu phải rơi vào quý III mà tăng được như vậy.

Vấn đề bội chi, tôi nghĩ quan trọng, quyết định phải là con số tiền cụ thể, chi chỗ này tăng bao nhiêu, chỗ kia giảm bao nhiêu..., cộng tất cả thành con số cụ thể (chứ không phải chỉ số %) mới là điều QH cần thông qua. Về chỉ số tăng giá, qua năm tháng tăng 2%, chúng ta yên chí rằng, từ nay đến cuối năm sẽ dưới 10%. Tôi thấy chưa đủ cơ sở. Bài học cuối năm 2007 đầu năm 2008, lúc đầu chỉ nghĩ lạm phát một con số, cuối cùng nó lên đến 20%. Ai chả mong giá cả đừng tăng để cuộc sống ổn định. Nhưng hiện giờ giá một số mặt hàng trên thế giới đang tăng, giá dầu lên gần 70 USD một thùng. Chỉ số tăng giá tôi nghĩ nên đặt ra là phấn đấu dưới 15%.

PV: Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tất yếu đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Chúng ta phải xử lý vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

Ðại biểu Ðặng Như Lợi: Về mặt lý thuyết, khủng hoảng kinh tế không ngại bằng việc nó dẫn đến khủng hoảng xã hội rồi khủng hoảng chính trị. Mục tiêu của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô chứ không chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế. Muốn chống suy giảm kinh tế, phải coi trọng giải quyết việc làm, tìm mọi biện pháp để giải quyết việc làm. Chỉ tiêu năm nay phải tạo thêm được 1,7 triệu việc làm. Ðây cũng là vấn đề khó quản lý, kiểm soát và đánh giá. Chuyện người lao động mất việc chả phải suy thoái kinh tế mới xảy ra. Năm nào cũng 5-6 trăm nghìn người mất việc, cộng với 1,1 triệu người đến tuổi lao động, thế cũng 1,7 triệu rồi.

Nhiều giải pháp của Chính phủ rất tốt, như đầu tư vực lên 61 huyện nghèo, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn... Nhưng, giống như chuyện hỗ trợ tiền Tết cho người nghèo hồi đầu năm, chủ trương rất nhanh và thiết thực, nhưng khi thực hiện thì mắc. Vấn đề là khâu tổ chức thực hiện ra sao.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

KHÔI NGUYÊN (Thực hiện)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, TP Hải Phòng:

Cần có những giải pháp mang tính chiến lược nhằm bảo đảm an sinh xã hội bền vững

PV: Khi phát biểu ý kiến tại hội trường, đồng chí có đề cập việc bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Vậy vì sao đồng chí đề cập vấn đề này và theo đồng chí cần có những giải pháp gì?

Ðại biểu Trần Ngọc Vinh: Trong những tháng cuối năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp gây ra suy giảm kinh tế và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam.

Trước tình hình đó Chính phủ đã chủ động và kịp thời áp dụng các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả đã đạt được mục tiêu cơ bản của kế hoạch năm 2008 đề ra.

Những khó khăn của cuối năm 2008 kéo sang những tháng đầu năm 2009 đã làm trầm trọng thêm khó khăn, yếu kém vốn có của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã chủ động áp dụng những giải pháp cấp bách, thiết thực và hiệu quả, do vậy nền kinh tế đã chuyển biến tích cực, có dấu hiệu đã ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất. Chính trị xã hội tiếp tục ổn định, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Những kết quả đó vô cùng quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Bên cạnh những giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa và có những giải pháp thiết thực mang tính chiến lược, dài hơi nhằm bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Trước hết, do lạm phát tăng cao trong năm 2008 nên chuẩn nghèo đã không còn phù hợp. Một số địa phương đã chủ động ban hành mức chuẩn nghèo của mình. Vì vậy, đề nghị Chính phủ sớm ban hành chuẩn nghèo phù hợp với thực trạng kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay để thống nhất áp dụng trong cả nước. Ðồng thời rà soát và điều chỉnh lại một số chính sách về an sinh xã hội không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Thứ hai, trong khi Chính phủ đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% xuống 5% trong năm 2009 nhưng lại chưa thấy đề cập điều chỉnh chỉ tiêu giải quyết 1,7 triệu việc làm. Theo tôi, chắc chắn chỉ tiêu giải quyết việc làm trong nước sẽ có ảnh hưởng, chưa kể đến số lao động nước ngoài phải về nước vì không có việc làm. Ðề nghị Chính phủ cần có giải pháp để giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Thứ ba là, phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong những tháng cuối năm 2008, công nhân mất việc làm nhiều, trong khi đó chính sách cho vay (lãi suất 0%) chỉ được áp dụng cho năm 2009. Ðề nghị Chính phủ xem xét để người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp năm 2008 được vay với lãi suất ưu đãi, nhằm giải quyết bớt khó khăn và có điều kiện tạo việc làm mới.

Thứ tư là, Nhà nước có chính sách cho doanh nghiệp vay trong gói kích cầu để trả lương cho công nhân, nhưng thực tế cho thấy, rất ít doanh nghiệp vay. Tính đến nay, thành phố Hải Phòng mới có một doanh nghiệp vay để trả lương cho công nhân. Năm nay bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực, nhưng điều kiện phải đóng đủ 12 tháng mới được lĩnh. Như vậy nhanh nhất phải đến ngày 1-1-2010 thì người đầu tiên tham gia bảo hiểm mới nhận được đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được xây dựng trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ 1%, người sử dụng lao động đóng 1%, người lao động đóng 1%. Trong khi đó hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn nợ số tiền lớn không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ đánh giá tác động thật sự của chính sách nói trên có khả thi và mang lại lợi ích cho đại đa số người lao động hay không ?

Thứ năm là, vấn đề quản lý lao động trong nước và lao động nước ngoài. Chúng ta có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài với mục tiêu là để Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến và tạo điều kiện cho người lao động trong nước có việc làm. Song thời gian gần đây, nhiều lao động phổ thông nước ngoài đã vào làm việc tại Việt Nam. Tôi thấy người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài thì các cơ quan nước ngoài quản lý rất chặt chẽ. Ngược lại, có một luồng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc lại quá dễ dàng. Thí dụ một số trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường du lịch, thăm hỏi thân nhân, gia hạn visa rồi ở lại làm việc. Ðề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, thực hiện nghiêm pháp luật lao động để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong nước có việc làm.

PV: Ngoài việc bảo đảm an sinh xã hội bền vững, đồng chí còn quan tâm vấn đề gì ?

Ðại biểu Trần Ngọc Vinh: Ðó là vấn đề bảo vệ sức khỏe con người. Mọi người đều biết, sức khỏe là vốn quý của mỗi con người. Do vậy đề nghị Chính phủ cần có hàng rào quy chuẩn đối với thực phẩm và hàng hóa sản xuất trong nước để bảo vệ người tiêu dùng. Ðặc biệt là hàng hóa nhập khẩu phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng như hàng hóa Việt Nam xuất ra nước ngoài.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Thế Lân (Thực hiện)

Ðại biểu Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế của quốc hội:

Ðánh giá hiệu quả kích cầu

PV: Thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra một số gói kích cầu. Với tư cách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, đồng chí có nhận xét gì?

Ðại biểu Lê Quốc Dung: Ðối với Việt Nam, việc kích cầu mà Chính phủ đưa ra vừa qua là hết sức cố gắng. Trong điều kiện quy mô kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, nhưng Chính phủ để ra tám tỷ USD, tương đương 10% GDP dành cho chương trình kích cầu là cố gắng lớn. Các gói kích cầu vào một số lĩnh vực như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, đầu tư phát triển hạ tầng... đã có những tác động tốt. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, còn một số vấn đề mà Chính phủ, QH cần quan tâm và sớm đánh giá để có điều chỉnh, đồng thời kiểm soát một cách tốt hơn.

Thứ nhất, về kích cầu lãi suất. Ðây là một tác động tốt cho doanh nghiệp. Nhưng cử tri và dư luận, kể cả các doanh nghiệp cho rằng, đến nay, tác dụng còn hạn chế. Người ta cho rằng, việc đảo nợ, để cho các doanh nghiệp vay lãi suất thấp, thay cho lãi suất cao thì hiệu quả hạn chế; vì có kích, nhưng cầu tăng ít. Ðây là vấn đề cần sớm đánh giá để có điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ hai là, cần đặc biệt quan tâm việc kiểm tra, kiểm soát, vì lĩnh vực này dễ dẫn đến tiêu cực, bởi lẽ trong đó có sự chia sẻ lợi ích. Hiện nay đã có dư luận về vấn đề này nhưng chưa nêu cụ thể. Tôi cho rằng, đây là vấn đề rất dễ sơ hở trong kích cầu.

Thứ ba là, tính công khai trong kích cầu. Chúng ta giao cho ngân hàng làm, nhưng trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay rất tiên tiến lại không đưa lên trang web để công khai việc phân bổ cho ngành nào bao nhiêu, địa phương nào bao nhiêu, để QH và nhân dân giám sát xem kích cầu có đúng địa chỉ hay không? Và qua đó, ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể đăng ký tiêu chuẩn để được hưởng kích cầu của Chính phủ.

Về kích cầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Lĩnh vực này chiếm 20% GDP, 70% số lao động ở nông thôn, nhưng việc kích cầu xây dựng cơ sở hạ tầng rất chậm chạp. Nhiều tỉnh chưa nhận được giải ngân trái phiếu Chính phủ nên từ các thủ tục đến việc triển khai và giải ngân xây dựng cơ sở hạ tầng là quá chậm. Nếu chúng ta làm tốt việc này thì sự kích cầu tiêu dùng, tạo công ăn việc làm ở nông thôn là đúng hướng, nhất là trong khi hàng trăm nghìn lao động ở các đô thị, khu công nghiệp mất việc làm trở về sinh sống ở nông thôn.

Tôi cho rằng, nếu như gói kích cầu 170.000 tỷ đồng ấy chia bình quân mỗi tỉnh được khoảng gần 300 tỷ đồng mà chúng ta tập trung vào giải quyết các thủ tục, chính sách để phát triển hạ tầng và hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn thì hiệu quả của kích cầu sẽ mạnh hơn.

PV: Vậy phải chăng, đại biểu QH và Ủy ban Kinh tế của QH còn  chưa sâu trong việc giám sát thực thi các gói kích cầu?

Ðại biểu Lê Quốc Dung: QH luôn quan tâm, sâu sát vấn đề này. Sau khi có Nghị quyết của kỳ họp thứ tư, Chính phủ mới triển khai gói kích cầu này. Việc đó là thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị chưa chủ động. Cứ sau một thời gian, chúng ta lại đưa ra một chính sách, thậm chí nói đưa ra một gói kích cầu nào đó thì sau mấy tháng mới đưa ra được một gói kích cầu cụ thể. Vì vậy, công tác điều hành cần phải được quan tâm hơn nữa.

PV: Trong thời gian tới, theo đồng chí, vấn đề quan trọng nhất trong việc triển khai chính sách kích cầu sẽ là gì?

Ðại biểu Lê Quốc Dung: Vấn đề hiện nay là cần phải đánh giá hiệu quả kích cầu, và các chính sách kích cầu xem có đúng đối tượng hay không, có kịp thời hay không? Nếu kích cầu mà sai đối tượng thì sẽ phản tác dụng, có khi còn tiêu cực hơn. Nếu kích cầu không nhanh thì lỡ mất cơ hội để tăng cầu. Kích mà không tăng được cầu thì không có ý nghĩa.

PV: Cảm ơn đồng chí.

Vũ Hoàng Long
(Thực hiện)