Lướt một vòng các trang mạng xã hội những ngày này cho thấy thị trường thực phẩm bán online rất sôi động. Rất dễ tìm thấy bất cứ loại thực phẩm nào, từ tươi sống đến chế biến sẵn, thực phẩm nhà làm, đồ ăn vặt, đồ đông lạnh, trái cây, đặc sản các vùng miền... rao tràn lan trên các trang mạng. Hầu hết các điểm bán đều giới thiệu kèm hình ảnh rất bắt mắt, tươi ngon và cam đoan bảo đảm chất lượng. Là một giáo viên mầm non, từ khi học sinh nghỉ học, chị Hương Giang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã biến trang Facebook cá nhân của mình thành “chợ thực phẩm online”. Sẵn tài nấu nướng cùng mong muốn cải thiện thu nhập trong mùa dịch, cách hai ngày chị lại gom đơn hàng một lần với đủ các chủng loại rau, củ, hoa quả, cho đến thực phẩm tươi sống như gà, vịt, trứng gà… “Ban đầu tôi chỉ đăng gom mua chung. Sau thấy có nhiều người có nhu cầu mua online, vận chuyển tận nơi vì họ ngại đi lại mùa dịch, lại cũng thích ăn đồ quê, nên tôi cứ vài ngày lại gom một lần. Tôi tìm các nguồn hàng khác nhau ở quê, cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu cho mọi người”, chị Giang chia sẻ.
Cùng với việc hình thành các khu chung cư cao tầng với số lượng dân cư đông đúc, mô hình chợ dân cư online đã xuất hiện ở hầu hết các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội như: chợ cư dân Thăng Long No1, chợ cư dân CT4, CT5, CT6 khu đô thị Hồng Hà Eco City, chợ cộng đồng khu Trung Hòa - Nhân Chính, chợ dân cư Ðại Thanh - Xa La, nơi mua sắm của người dân Ecohome… với số lượng thành viên tham gia rất đông và đủ các loại mặt hàng thực phẩm. Chị Huyền Minh, cư dân tòa nhà Thăng Long No1 (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Ðã từ rất lâu, tôi không còn đi chợ truyền thống. Thay vào đó, tôi thường đi chợ Vinmart online giao hàng tận nhà trong ngày. Hiện tại, trên app VinID có đến 16 danh mục sản phẩm gồm: thực phẩm khô; bánh kẹo; rau, trái cây; đồ uống; thịt; chăm sóc sắc đẹp; bánh mì; thịt nguội xúc xích; hóa phẩm; đông lạnh; gia dụng; giấy và bông; thủy hải sản; bông vải sợi, giày dép; đồ dùng dân dụng; và đồ gia dụng. Cần sản phẩm nào vào danh mục đó là sẽ nhận hàng ngay tại nhà. Và với phương thức giao hàng tại nhà, vừa nhanh vừa tiện lợi, lại hạn chế tiếp xúc với nhiều người, tránh nguy cơ bị lây nhiễm chéo.
Thực tế cho thấy, bên cạnh một số doanh nghiệp, đơn vị… kinh doanh thực phẩm online có thương hiệu, có đăng ký kinh doanh, có chứng nhận an toàn thực phẩm, chấp hành yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vẫn còn không ít địa chỉ bán hàng online nhỏ lẻ theo kiểu gia đình đều không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng tự cam kết, nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm là điều không tránh khỏi.
Chỉ trong tháng 8 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đã bốc mùi hôi thối. Ðây cũng là hồi chuông cảnh báo tới những người tiêu dùng có thói quen mua hàng online không để ý đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa, đồ ăn uống mình đặt mua.
Sự phát triển mạnh mẽ của mô hình kinh doanh online đem lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho người bán và người mua. Tuy nhiên, nó cũng đang tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố. Hoặc các sản phẩm có thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm... Do vậy, để siết chặt công tác quản lý chợ thực phẩm online, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, sử dụng thực phẩm không an toàn. Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và chế biến thực phẩm, người tiêu dùng nên lựa chọn những thực phẩm bảo đảm trên các trang thương mại điện tử đã được công bố rộng rãi của các cơ quan quản lý nhà nước, các kênh bán hàng online của các hệ thống siêu thị Co.opmart, Vinmart, MM Aeon, Bách hóa xanh hay các công ty có chứng nhận về chất lượng thực phẩm… để bảo đảm sức khỏe của chính mình và người thân.