Nỗ lực đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư

 Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), đặc biệt là Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, Công điện 1082/CĐ-TTg ngày 6/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ đề ra các nhiệm vụ giải pháp hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ giải ngân vốn ĐTC chưa đạt tiến độ đề ra. Một số các cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân còn thấp, dưới 40% kế hoạch năm. 
 

Thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY
Thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao một lần cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương từ cuối năm 2020 với tổng số vốn là 461.300 tỷ đồng (chiếm 96,6% kế hoạch đã được Quốc hội quyết định), còn lại 16.000 tỷ đồng (chiếm 3,4%) vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia phải hoàn thiện thủ tục. Đến hết ngày 15/9/2021, các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 404.976,159 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao từ đầu năm; số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 56.323,841 tỷ đồng, bằng 12,2% kế hoạch. Thực hiện các Quyết định số 1535/QĐ-TTg và số 59/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, một số bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2021 cho các nhiệm vụ, dự án khởi công mới trong năm 2021 với tổng số vốn 1.232,369 tỷ đồng.

Tổng số dự án triển khai trong năm 2021 khoảng 2.511 dự án (vốn trong nước: khoảng 2.114 dự án, vốn nước ngoài: khoảng 397 dự án), trong đó: 2.021 dự án chuyển tiếp và 490 dự án khởi công mới; mức vốn bố trí trung bình cho một dự án sử dụng vốn trong nước là 50,8 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 118,6 tỷ đồng, trung bình mỗi bộ, cơ quan T.Ư và địa phương bố trí cho 4,3 dự án khởi công mới.

Đối với vốn ngân sách T.Ư, hiện nay còn 34 bộ, cơ quan T.Ư và 37 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách địa phương còn 14 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, nguyên nhân là do nguồn thu giảm, một số dự án dự kiến bố trí từ nguồn thu xổ số kiến thiết nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư và cũng không thể điều chỉnh nguồn thu này cho dự án khác.

Theo Bộ Tài chính, đến nay có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 60%; 46 trong số 50 bộ, cơ quan T.Ư và 52 trong số 63 địa phương giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách T.Ư đã được giao từ đầu năm 2021. Tính đến ngày 27/9, có 15 bộ, cơ quan T.Ư và 23 địa phương ngân sách T.Ư năm 2021 với tổng số vốn là 21.771,492 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 3.917,057 tỷ đồng; vốn nước ngoài 17.854,435 tỷ đồng. Có 6 địa phương có văn bản đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư với tổng số vốn là 1.643,888 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư trong nước là 1.595 tỷ đồng của 5 địa phương...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này: Công tác chuẩn bị thủ tục cần thiết để giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các dự án tại một số bộ, cơ quan T.Ư và địa phương còn thiếu chủ động, nhiều dự án chuyển tiếp đã quá thời gian quy định nhưng chưa báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn, gia hạn Hiệp định, điều chỉnh chủ trương đầu tư; bố trí vốn cho dự án chưa hoàn thành thủ tục gia hạn thời gian giải ngân, đang trong quá trình đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay. Các cấp, các ngành chưa thật sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng, người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cho biết, tổng số dự án triển khai trong năm 2021 khoảng 2.511 dự án, trong đó có 2.021 dự án chuyển tiếp từ các năm trước, chỉ có 490 dự án khởi công mới. Qua trao đổi, Tổ công tác đã tiếp nhận hơn 80 vướng mắc về quy định, thì có tới quá nửa là do cách hiểu không đúng, hiểu khác của các địa phương. Một nguyên nhân khác là tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài cho nên khi thực hiện khó khăn, có dự án rồi thì lãnh đạo địa phương không tham gia mà giao hết cho các ban quản lý dự án, trong khi ban quản lý không đủ năng lực, “gặp vướng mắc thì cứ để đó”.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, đối với thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án, từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng tiếp nhận 79 hồ sơ, thẩm định xong 46 hồ sơ, còn 33 hồ sơ dự án đang thẩm định. Công tác thẩm định trên thực tế cũng bị chậm thời hạn. Nguyên nhân là hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm: Hồ sơ pháp lý dự án chưa đầy đủ, không phù hợp quy mô hay chủ trương đầu tư; nhiều dự án có quy hoạch chi tiết được phê duyệt chưa phù hợp quy hoạch phân khu xây dựng; một số dự án chưa bảo đảm theo đúng quy định pháp luật. Việc thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường cũng bị chậm…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới cần tập trung kiểm soát dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh bình thường, trong đó có ĐTC; thực hiện điều chỉnh ngay các vướng mắc về quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn ĐTC để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn ĐTC.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết: Tỉnh đã giải ngân 77,66% trong hơn 10 nghìn tỷ đồng vốn được giao, đứng thứ 7 trong số 63 tỉnh, thành phố. Điều này góp phần giúp tỉnh đạt tăng trưởng khoảng 8% trong 9 tháng đầu năm; thu ngân sách đạt 82% kế hoạch, tăng 15% so cùng kỳ năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, đến nay, tỉnh đang tập trung giải ngân số vốn của tỉnh, hiện đã đạt 72%. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường khẳng định quyết tâm thời gian tới luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu kinh nghiệm của các tỉnh, thành bạn có tỷ lệ giải ngân cao; huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản trên địa bàn. Lãnh đạo Quảng Ninh và TP Cần Thơ đều kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp tách riêng khâu giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Các địa phương đều ủng hộ rất cao quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, có một số tuyến đường triển khai rất chậm do theo quy định hiện hành, chuyển đổi 10 ha đất lúa phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, do đó đề nghị Bộ Xây dựng mạnh dạn phân cấp cho tỉnh thẩm định các dự án nhóm A, dự án cấp 1.

Liên quan công tác kiểm tra, nghiệm thu công trình, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua thực tiễn quản lý, Bộ cũng đang rà soát, xây dựng một dự thảo Nghị định sửa các nghị định liên quan lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó có quy định liên quan hoạt động xây dựng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo hướng phân cấp triệt để thẩm quyền cho các địa phương trong việc thẩm định thiết kế xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác nghiệm thu... Bộ đang quyết tâm, cố gắng trình Chính phủ dự thảo Nghị định này trong tháng 10. Bộ Xây dựng hết sức cầu thị và quyết tâm cao khắc phục bất cập trong các quy định liên quan lĩnh vực quản lý của Bộ…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với các đề xuất, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về thể chế, yêu cầu tổng hợp, tiếp tục rà soát, những vấn đề thuộc thẩm quyền bộ, ngành, địa phương thì chủ động, tăng cường phối hợp để giải quyết. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì cơ quan chịu trách nhiệm phải tổng hợp, trình Chính phủ giải quyết nhanh nhất có thể, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Những nội dung vượt thẩm quyền thì chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xin chủ trương, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thể chế hóa, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội là nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chú ý việc lấy ý kiến các cơ quan có liên quan để tạo đồng thuận cao. Việc phân cấp phân quyền, Chính phủ sẽ làm ngay theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định... ■