Chuyển hướng tích cực của ngành dệt - may, da giày

NDO -

Ngành dệt may, da giày luôn trong top dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng đây lại là những ngành hàng có tỷ trọng gia công cao cho nên hiệu quả xuất khẩu không như mong muốn. Nhanh chóng chuyển dần từ phương thức gia công xuất khẩu sang sản xuất FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), thậm chí mạnh dạn làm OBM (sản phẩm gắn thương hiệu của doanh nghiệp) là hướng đi cần thiết nhằm tăng thêm giá trị gia tăng, lợi nhuận và sức cạnh tranh của DN.

Đóng gói sản phẩm áo sơ-mi xuất khẩu tại Công ty may Bình Minh.
Đóng gói sản phẩm áo sơ-mi xuất khẩu tại Công ty may Bình Minh.

Gia công là chủ yếu

Hơn 600 lao động vừa được Công ty cổ phần May Hồ Gươm tuyển thêm, nâng tổng số lao động của công ty này lên 2.800 người. Ðơn hàng xuất khẩu tới tấp buộc công ty phải nhanh chóng mở rộng sản xuất, tuyển thêm nhân công, đầu tư máy móc, dây chuyền nhằm tăng công suất thêm 2,5 đến ba triệu sản phẩm/năm, đáp ứng yêu cầu trả hàng đúng hạn cho các đối tác nước ngoài. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh cho biết, công ty đã phải từ chối nhiều đơn hàng vì sợ không đủ năng lực sản xuất. Bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 13 đến 14 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ năm trước. Song do chủ yếu sản xuất gia công cho nên DN chỉ thực chất thu về được năm triệu USD.

May Hồ Gươm là một trong những DN dệt may chuyên gia công xuất khẩu cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như Mango, Zara... Ðến nay, tỷ lệ làm hàng gia công của công ty này lên đến 70%, còn lại là hàng FOB. Phó Tổng Giám đốc Phí Ngọc Trịnh cho rằng, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn như hiện nay thì sản xuất gia công an toàn, ít rủi ro hơn do DN có thể yên tâm hoàn toàn về đầu ra. Mặc dù vậy, nếu làm hàng gia công thì lợi nhuận không cao bằng làm hàng FOB vì 63% doanh thu phải dành để trả lương công nhân. Ngược lại, nếu làm hàng FOB, DN có thể giảm được nhiều chi phí, nhất là chi phí mua nguyên, phụ liệu vì có thể chủ động tìm kiếm, lựa chọn, mặc cả giá mua với các nhà cung cấp, thay vì với đơn hàng gia công, DN bắt buộc phải mua từ các nhà cung cấp do phía nước ngoài chỉ định. Vì thế, lợi nhuận làm hàng FOB thường cao hơn từ 10% đến 15% so làm hàng gia công.

Giống như dệt may, các sản phẩm giày dép xuất khẩu của Việt Nam cũng chủ yếu làm gia công cho nên giá trị gia tăng của sản phẩm thường thấp. Tại Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương), một DN chuyên sản xuất gia công giày nữ cho các thương hiệu nước ngoài lớn như Bata, Oliver..., Giám đốc Trương Thị Thúy Liên cho biết, giá gia công bình quân thường chỉ chiếm khoảng 10% giá bán sản phẩm, thậm chí, có đôi giày giá bán lên đến hàng trăm USD nhưng các DN Việt Nam khi làm gia công chỉ được hưởng từ 2 đến 2,2 USD/đôi. Theo Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso), hiện nay, hầu hết sản phẩm giày dép xuất khẩu chủ lực của ngành đều không mang thương hiệu của Việt Nam vì là hàng gia công cho nước ngoài, có tới hơn 70% sản lượng xuất khẩu được thực hiện qua phương thức gia công, chủ yếu từ các DN có vốn trong nước.

Dệt may, da giày được coi là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hằng năm kim ngạch xuất khẩu của hai ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt hơn 15 tỷ USD, chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Còn ngành da giày có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 8,7 tỷ USD, chiếm 7,6%. Mặc dù những năm gần đây, kinh tế thế giới suy thoái, sức mua tại thị trường xuất khẩu giảm sút nhưng ngành dệt may, da giày vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao. Năm 2013, cả hai ngành này đều hướng tới mục tiêu xuất khẩu cao hơn năm trước với kim ngạch từ 18,5 đến 19 tỷ USD cho ngành dệt may và khoảng chín tỷ USD cho ngành da giày. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Ðình Ân nhìn nhận, dệt may và da giày đều là những ngành hàng có tỷ trọng gia công cao cho nên dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng lượng ngoại tệ thực thu về cho đất nước không nhiều. Chưa kể, tăng trưởng xuất khẩu những năm qua của hai ngành này lại chủ yếu rơi vào các DN FDI.

Dịch chuyển phương thức sản xuất

Chuyển hướng tích cực của ngành dệt - may, da giày ảnh 1

Dây chuyền may mũ giày thể thao của Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (Bình Dương).

Giám đốc Trương Thị Thúy Liên thẳng thắn cho biết: "DN rất muốn chuyển sang làm hàng FOB nhưng không phải DN nào cũng có thể làm được điều đó". Phương thức sản xuất FOB đòi hỏi DN chủ động toàn bộ quá trình sản xuất, phía đối tác nước ngoài chỉ giao thiết kế sản phẩm, DN tự tìm kiếm nguyên, phụ liệu, tổ chức sản xuất và giao hàng đúng hạn nên rủi ro rất nhiều, vốn đầu tư lại lớn trong khi vòng quay vốn chậm. Chẳng hạn như DN cần vốn lớn để mua nguyên, phụ liệu sản xuất nhưng thời gian để làm ra sản phẩm, rồi xuất khẩu, thu tiền về tính ra cũng phải mất tới hai đến ba tháng. Trong khi đó, DN trong nước chủ yếu là DN nhỏ và vừa, phần lớn hoạt động bằng vốn vay ngân hàng với lãi suất vay quá cao.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty (TCT) May Ðồng Nai - Công ty cổ phần Bùi Thế Kích cho rằng, DN chuyển sang làm hàng FOB tùy theo quy mô và năng lực của DN nhưng nếu DN cứ tiếp tục sản xuất gia công thì sẽ phát triển rất chậm, lợi nhuận không nhiều, không có khả năng tích lũy, càng hạn chế năng lực cạnh tranh của DN. Với May Ðồng Nai, nhờ tập trung sản xuất, kinh doanh hàng FOB với tỷ lệ đạt hơn 90% tổng giá trị sản xuất, kinh doanh nên mức tăng trưởng bình quân hằng năm của TCT đạt 32% trong năm năm qua. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của TCT là 45 triệu USD, trong đó 93% là kim ngạch xuất khẩu hàng FOB. Cũng nhờ đó mà lợi nhuận tăng 10% so năm 2011. Năm nay, TCT phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 55 triệu USD, trong đó tỷ lệ hàng FOB tăng lên 97%, lợi nhuận cũng sẽ tăng được thêm 10% so năm 2012. Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bùi Thế Kích, DN trong nước cần tính toán xây dựng chiến lược lâu dài, từng bước chuyển dần từ gia công sang phương thức sản xuất FOB, rồi sang ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm), thậm chí mạnh dạn làm OBM (sản phẩm gắn thương hiệu của doanh nghiệp). Ðấy chính là cách để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước.

Có thể thấy, chuyển dần từ phương thức gia công sang FOB hoặc ODM hay OBM sẽ tạo điều kiện cho DN tích lũy vốn, tái đầu tư, từ đó có điều kiện phát triển nhanh và vững chắc. Ngành dệt may đã đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2015 tăng tỷ lệ FOB từ 38% lên khoảng 50% và ODM từ 5% lên 10%. Nhưng muốn làm được điều này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Hoàng Vệ Dũng phân tích, quan trọng nhất DN phải có đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực tìm kiếm nguyên phụ liệu, giao dịch với khách hàng nước ngoài, thiết kế, may mẫu và đặc biệt phải có tài chính đủ mạnh. Một khó khăn mà các DN sản xuất hàng FOB thường gặp phải là việc tìm kiếm nguyên, phụ liệu trong nước mất rất nhiều thời gian, nếu tìm được thì giá thường cao, chất lượng không bảo đảm nên nhiều DN buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, với sản phẩm dệt may, chi phí nguyên phụ liệu thường chiếm từ 60 đến 70% giá thành sản phẩm.

Tương tự, với sản phẩm giày dép, theo Chủ tịch Lefaso Nguyễn Ðức Thuấn, giá trị vật tư thường chiếm từ 50 đến 60% giá thành sản phẩm FOB, trong khi chỉ có 50% nguyên, phụ liệu mua được ở trong nước, còn lại đều phải nhập khẩu nước ngoài. Chính vì thế, để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm thì đương nhiên tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm phải tăng lên. Ðiều này đặt ra yêu cầu cấp bách phát triển sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may và da giày. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ cho cả hai ngành này của nước ta đều chưa phát triển tương xứng. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế kỷ Ðặng Triệu Hòa chia sẻ, để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực này thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, đặc biệt là vốn vì hiện năng lực tài chính của các DN trong nước còn rất hạn chế trong khi đầu tư phát triển lĩnh vực này thường đòi hỏi vốn lớn. Nhu cầu sử dụng nguyên, phụ liệu trong nước không hề nhỏ cho nên nhiều DN trong nước muốn mở rộng đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu nhưng hiện chính sách của Nhà nước lại chỉ khuyến khích đầu tư mới, DN đầu tư mở rộng thì không được hưởng những chính sách ưu đãi. Ðiều này vô hình trung lại khuyến khích các DN đầu tư nhỏ lẻ, "manh mún" nên càng khó đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài. Phát triển nguyên, phụ liệu trong nước chính là góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may và da giày Việt Nam, giúp các DN không phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Chỉ khi DN chủ động được nguyên, phụ liệu trong nước thì mới có thể dễ dàng thay thế dần phương thức gia công xuất khẩu.