10 doanh nghiệp “top ten” của Hải Phòng

Phòng thử nghiệm sản phẩm của<br> công ty cổ phần sơn Hải Phòng<br> đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC/17025.
Phòng thử nghiệm sản phẩm của<br> công ty cổ phần sơn Hải Phòng<br> đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC/17025.

Hải Phòng từng được cả nước biết đến qua các phong trào thi đua: "Sóng Duyên Hải, gió Ðại Phong, cờ Ba Nhất"; thời kỳ đổi mới, hơn 7.000 DN cũng đang nỗ lực không ngừng, vươn lên tự khẳng định bản lĩnh của mình trong hội nhập, đóng góp vào sự nghiệp phát triển thành phố. Ghi nhận những thành quả ấy, hằng năm, thành phố lựa chọn, tôn vinh mười DN và mười doanh nhân tiêu biểu nhất.

Những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà máy đóng tàu Bạch Ðằng, "anh cả đỏ" ngành công nghiệp đóng tàu của miền bắc XHCN ra đời. Hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, uy tín thương hiệu Bạch Ðằng được thể hiện qua các sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao như: series tàu Noma đóng cho Nhật Bản, tàu dầu, tàu chở container,... ghi mốc son phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy (CNTT). Từ bàn tay người thợ Bạch Ðằng, những con tàu có hàm lượng công nghệ cao được bàn giao đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, được các chủ tàu nước ngoài đánh giá cao.

Ðây là năm thứ sáu liên tiếp, TP Hải Phòng phát động phong trào này. Mười DN tiêu biểu năm 2006 của thành phố gồm các DN, đơn vị: Ðóng tàu Bạch Ðằng, Liên doanh cáp điện LS - Vina, Chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng (LISEMCO), Cấp nước, Ðiện lực, HAPACO, Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải, Cổ phần Sơn Hải Phòng, Cổ phần Nhựa Thiếu niên tiền phong, Xí nghiệp tập thể Bình An. Mười giám đốc của các DN nêu trên cũng được bình chọn là doanh nhân tiêu biểu.

Ông Chu Thế Hưng, Tổng Giám đốc cho biết: Thủ tướng đã quyết định chuyển đổi công ty thành Tổng công ty CNTT Bạch Ðằng, thuộc Tập đoàn CNTT Việt Nam, tiếp nhận một số đơn vị thành viên. Ðồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp động cơ, thiết bị, góp phần nâng cao tỷ lệ cung ứng các cụm chi tiết cho mỗi con tàu. Năm 2006, tổng công ty nộp ngân sách gần 50 tỷ đồng, bảo đảm việc làm ổn định cho 2.500 lao động với thu nhập bình quân 2,25 triệu đồng/tháng và thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động.

Hải Phòng cũng là nơi sản xuất sơn sớm nhất nước ta, gắn với tên tuổi doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, đến nay, sơn Hải Phòng mang thương hiệu "cá voi" đã đến với các công trình, các nhà máy đóng tàu và công trình biển. Công ty lựa chọn phương án "đi tắt, đón đầu", chọn đối tác đầu tư, chuyển giao công nghệ là hãng sơn nổi tiếng thế giới Chugoku Marin (Nhật Bản). Ðến nay, hơn 200 loại sản phẩm của công ty đã có mặt trên thị trường, chiếm khoảng 70% thị phần sơn trong nước, được xếp vị trí đầu bảng trong sản xuất sơn tàu biển, công trình biển và các công trình công nghiệp. Công ty là DN đầu tiên của ngành sơn có phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC/17025. Năm qua, công ty sản xuất hơn 7.000 tấn sản phẩm, đạt doanh thu hơn 300 tỷ đồng,  thu nhập bình quân người lao động gần bốn triệu đồng/tháng. Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Viện cho biết: "Công ty đang đầu tư nhà xưởng, thiết bị giai đoạn 3, nâng công suất lên hơn mười nghìn tấn/năm, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, hoàn chỉnh mô hình tập đoàn kinh tế trong thời gian tới, phấn đấu đưa doanh thu lên 1.000 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 20 - 30%/năm".

Với đặc thù là đô thị loại 1 nhưng TP Hải Phòng có nhiều vùng nông thôn, hải đảo, thuộc diện khó khăn, Công ty Ðiện lực Hải Phòng đã chủ động thực hiện  công việc sửa chữa lớn đường dây, sản xuất thiết bị cơ khí điện, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nhằm tiết kiệm chi phí, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người lao động. Công ty được công nhận là đơn vị dẫn đầu Tập đoàn Ðiện lực về phong trào lao động sản xuất, được Chính phủ tặng Cờ thi đua. Giám đốc Công ty Lê Ngọc Thiệp cho biết: Trong năm 2006, công ty đã đóng điện, đưa vào vận hành bảy công trình trạm 110 KV, sau một năm triển khai lĩnh vực viễn thông, công ty đã đạt doanh thu 19 tỷ đồng, phát triển khoảng 40 nghìn thuê bao, gấp hai lần kế hoạch được giao, phấn đấu năm 2007 đạt doanh thu 87 tỷ đồng.

Xí nghiệp tập thể Bình An là một điển hình thuộc loại hình DN khoa học - sản xuất, nghiên cứu vật liệu mới, thiết bị phân ly dầu nước, xuồng cấp cứu... Xí nghiệp do Tiến sĩ Phạm Văn Trung, nguyên giảng viên Trường đại học Hàng hải thành lập, với ước mơ sản xuất vật liệu, thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, lắp đặt trên tàu thủy. Sau bao tháng ngày lao tâm khổ tứ, huy động cả tài sản riêng cho nghiên cứu và phát triển sản xuất,  cuối cùng vật liệu chống cháy ra đời. Một sản phẩm khác được ứng dụng rộng rãi là thiết bị phân ly dầu nước, góp phần ngăn ngừa nước thải nhiễm dầu, bảo vệ môi trường. Bình An hiện là nhà sản xuất duy nhất thiết bị này trong nước, giá rẻ hơn nhiều so nhập khẩu. Công trình được tặng giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2004...

Tôn vinh DN, doanh nhân, động viên kịp thời những điển hình tiên tiến đã đem lại khí thế mới và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng.  Việc bình xét, lựa chọn DN tiêu biểu đã góp phần động viên, khích lệ DN đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ngoài việc động viên tinh thần, TP Hải Phòng còn động viên các DN về vật chất, mỗi DN tiêu biểu được thưởng 30 triệu đồng. Sự động viên kịp thời này là rất cần thiết, giúp DN mở rộng hoạt động, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và quảng bá thương hiệu, đưa thương hiệu vượt khỏi tầm thành phố. Một thành phố công nghiệp có tới gần chục nghìn DN lớn nhỏ, sản xuất, kinh doanh đa dạng ở hầu khắp các lĩnh vực, việc đưa ra các tiêu chí chính để đánh giá, cân nhắc hoàn toàn không phải đơn giản. Khen thì dễ, nhưng quan trọng là DN, doanh nhân được khen có thật sự là tấm gương hay không? Theo Chủ tịch UBND thành phố Trịnh Quang Sử, đối với Hải Phòng, tìm ra số lượng hơn mười DN có thành tích cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh không khó, nhưng thành phố muốn chốt con số mười DN "top ten" thật sự nổi bật ở các lĩnh vực khác nhau để danh hiệu này sẽ là vinh dự lớn, nâng cao uy tín thương hiệu DN".

Ðể phong trào thi đua này thật sự trở thành động lực thúc đẩy quá trình phát triển, cần có sự tham gia chặt chẽ hơn của một số cơ quan chức năng của thành phố để lựa chọn đúng những DN có uy tín, thật sự khách quan và minh bạch.