Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh cải thiện rõ rệt

Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 9/5 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện rõ rệt theo thời gian với điểm trung vị cả nước đạt 66,66 điểm, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022 và liên tục tăng từ năm 2017 đến nay.
0:00 / 0:00
0:00
Lắp ráp và sản xuất ô-tô tại Nhà máy Hyundai Thành Công 2, thuộc Tập đoàn Thành Công (TC Group). (Ảnh AN TRẦN)
Lắp ráp và sản xuất ô-tô tại Nhà máy Hyundai Thành Công 2, thuộc Tập đoàn Thành Công (TC Group). (Ảnh AN TRẦN)

Nhiều chỉ số đánh giá PCI ở các địa phương có chuyển biến tích cực và ngày càng thăng hạng; chi phí không chính thức ở hầu hết các lĩnh vực cũng như “gánh nặng” thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể,... Song bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa thật sự coi trọng việc cải cách thể chế, tháo gỡ “rào cản” để khơi thông nguồn lực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cuộc “tranh đua” tích cực

Theo báo cáo PCI 2023, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương xếp đầu bảng với 71,25 điểm và là năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu. Bên cạnh đó nhiều địa phương trên cả nước cũng có sự bứt phá trong xếp hạng thứ bậc như: Long An nhảy vọt 8 bậc so với PCI năm 2022 và giành vị trí á quân trong bảng xếp hạng PCI 2023 với 70,94 điểm.

Các vị trí tiếp theo trong tốp 5 của bảng xếp hạng PCI 2023 lần lượt là Hải Phòng (70,34 điểm), Bắc Giang (69,75 điểm), Đồng Tháp (69,66 điểm). Thành phố Hải Phòng tiếp tục kéo dài chuỗi ba năm liên tiếp trong tốp 5 PCI kể từ năm 2021, Bắc Giang đánh dấu năm thứ 2 xuất hiện trong tốp 5 kể từ năm 2022. Đặc biệt, tỉnh Đồng Tháp giữ phong độ tiếp tục kéo dài chuỗi 16 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 PCI cả nước từ năm 2008 tới nay.

Có được kết quả này là nhờ các địa phương chuyển biến tích cực trong điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không chính thức, cải thiện tính minh bạch,... Ngoài ra, điểm đáng mừng khi nỗ lực phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Trong đó, các khoản phí “bôi trơn” ở hầu hết các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp giảm từ 66% (năm 2015) xuống còn 33,3% (năm 2023) và thấp hơn đáng kể so với mức 42,6% (năm 2022). Quy mô chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được cũng giảm từ 88,9% năm 2022 xuống còn 86% vào năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả hơn 10% doanh thu cho chi phí không chính thức cũng liên tục giảm từ mức 11,1% (năm 2015) xuống chỉ còn 2,5% (năm 2023).

Cùng với đó, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn khi các chỉ tiêu về tính minh bạch đạt 94,1%, hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ đạt 84,2%, cán bộ am hiểu chuyên môn đạt 80% và nhiệt tình, thân thiện đạt 75,6%, đều cải thiện so với hai năm trước đó. Ngoài ra, gánh nặng thanh, kiểm tra cũng được doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện khi chỉ còn gần 7% doanh nghiệp bị thanh tra và kiểm tra ba lần trong năm, giảm nhẹ so với mức 7,4% vào năm 2022 và 9,9% vào năm 2021. Tình trạng nhũng nhiễu trong thanh, kiểm tra đã giảm từ 13,8% vào năm 2021 xuống gần 7% vào năm 2023.

Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI Đậu Anh Tuấn cho biết, mặc dù chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện rõ rệt theo thời gian, song bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn một số “rào cản” đối với các doanh nghiệp khi những trở ngại về tiếp cận tín dụng, chính sách pháp luật, đất đai, thủ tục hành chính tiếp tục gia tăng.

Có tới 73% số doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, cao hơn đáng kể so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp tăng nhẹ, từ 6,7% năm 2022 lên 8,5% vào năm 2023.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh cũng có dấu hiệu giảm sút khi tỷ lệ doanh nghiệp cho biết địa phương ưu tiên giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng từ 52,6% năm 2021 lên mức 61,3% năm 2023. Chỉ 27% số doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh năm 2024 và 2025, giảm mạnh so với mức 35% năm 2022 và thấp hơn mức đáy giai đoạn năm 2012-2013. Điều này đã cho thấy các chỉ số về tính năng động, tốc độ cải cách của địa phương đang có dấu hiệu chững lại.

Còn nhiều dư địa cải cách

Nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất trong triển khai thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh chính là thay đổi tư duy, cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức. Để tạo ra được điều này, vấn đề cốt lõi chính là tư duy, quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền địa phương.

Chia sẻ về thành quả bảy năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định: “Quảng Ninh luôn xác định trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết. Thành quả hôm nay vừa là động lực cho phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với tỉnh bởi Quảng Ninh hiểu rõ việc giành được vị thế, thứ hạng PCI đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng PCI càng khó khăn hơn.

Do đó, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế số và xã hội số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến,… Đặc biệt, sẽ nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai bình đẳng, tháo gỡ ách tắc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, giảm rủi ro chính sách,...”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper nhận định, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Những chi phí không chính thức được giảm bớt, quá trình cải cách hành chính công được đẩy nhanh chính là những hỗ trợ thiết thực nhất với doanh nghiệp.

Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư hợp tác, sản xuất, kinh doanh, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội cải thiện vị thế trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh đổi mới cải tiến sản xuất, kinh doanh theo thông lệ tốt của quốc tế. Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng VCCI nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh ở cấp địa phương, thực hiện những chính sách của Chính phủ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam thời gian tới.

Nhận thấy dư địa cải cách môi trường đầu tư kinh doanh còn rất lớn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương. Tuy đã có nhiều biện pháp được đưa ra, nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để có tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp khi đang còn một khoảng cách từ chính sách đến thực thi tương đối xa. Việc cải cách có lúc, có nơi còn chưa đi vào thực chất, một số địa phương chưa hành động quyết liệt nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho doanh nghiệp.

Vì vậy, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, để trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần nỗ lực hơn trong cải thiện các chỉ số PCI thông qua triển khai thực chất hơn nữa các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn như hiện nay, rất cần sự hỗ trợ, tinh thần năng động, tiên phong của chính quyền các địa phương; nhất là việc tạo sự ổn định, nhất quán và tin cậy trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Chỉ khi thực hiện đồng bộ và thực chất các giải pháp cải cách, mới mang lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2024 và những năm tiếp theo.