Tìm giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam

NDO -

Ngày 30/11, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch toàn quốc năm 2021 với chủ đề “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam”.

Diễn đàn được tổ chức trực tuyến với gần 30 đầu cầu trên cả nước.
Diễn đàn được tổ chức trực tuyến với gần 30 đầu cầu trên cả nước.

Diễn đàn được tổ chức trực tuyến tại gần 30 đầu cầu trên cả nước, thu hút sự tham gia của lãnh đạo ngành du lịch, đại diện lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch; Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố; các chuyên gia du lịch và nhiều doanh nghiệp du lịch.

Diễn đàn hướng đến tìm kiếm những giải pháp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi ngành du lịch một cách bền vững trong bối cảnh bình thường mới, triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Tìm giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam -0

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu đề dẫn tại diễn đàn. 

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang một trạng thái mới. Đối với ngành du lịch, trạng thái bình thường mới được xác định với nhiều yếu tố mới, trong đó an toàn trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động du lịch; bảo vệ môi trường trở thành các quy định bắt buộc với du lịch. Bên cạnh đó là một số quy định mới khách cần thực hiện trước và trong khi tham gia du lịch (khai báo y tế, khai báo di chuyển, xét nghiệm y tế, phiếu tiêm vaccine...); phương tiện thông tin cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng… từng bước trở thành yêu cầu bắt buộc phải có khi đi du lịch.

Đồng thời, các hoạt động chủ yếu trong du lịch như xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý kinh doanh du lịch cũng đang và sẽ tiếp tục thay đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm an toàn và ứng dụng công nghệ. Điều này đòi hỏi toàn ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch phải chuyển đổi các hoạt động quản lý và kinh doanh, góp phần khôi phục và phát triển du lịch một cách bền vững, nhanh chóng thích ứng với tình trạng bình thường mới.

Tìm giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam -0

 Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, thời gian tới, để nắm bắt các cơ hội phục hồi ngành du lịch nhằm đạt được kết quả như kỳ vọng, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cũng cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp chung để cùng chung tay giải quyết, vượt qua khó khăn của đại dịch, khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” với các giải pháp và lộ trình cụ thể.

Đối với thị trường nội địa: Trước hết mở cửa cho các hoạt động phục vụ khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch, đồng thời có những biện pháp xử lý sự cố y tế phát sinh. Tiến tới trao đổi khách giữa các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 và mở rộng hoạt động du lịch nội địa. Đối với thị trường quốc tế: Triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế; từng bước mở rộng ra nhiều địa phương, điểm đến bảo đảm các phương án phòng, chống dịch, đón khách du lịch bảo đảm các tiêu chí về an toàn.

Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh cần tăng cường chuyển đổi số trong ngành du lịch, đặc biệt ở các lĩnh vực như: kinh doanh dịch vụ lữ hành, quản lý và kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, xúc tiến điểm đến. Các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm cũ để đáp ứng các nhu cầu thay đổi của du khách trong bối cảnh sống chung an toàn với Covid-19. Phát huy vai trò của các liên minh, liên kết giữa các điểm đến, doanh nghiệp, hàng không, khách sạn... nhằm xây dựng các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn; mô hình du lịch an toàn tại các địa điểm tương đối biệt lập, sử dụng dịch vụ khép kín.

Với các địa phương, điểm đến cần có chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động, khôi phục hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó là thúc đẩy các liên kết du lịch vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương; tập trung các địa bàn trọng điểm và các địa phương có năng lực phát triển sản phẩm mới, cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn và hấp dẫn.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những kiến nghị cụ thể của ngành để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động du lịch; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để phát triển bền vững du lịch, tập trung vào các vấn đề như đổi mới kinh doanh du lịch; bổ sung những kiến thức, kỹ năng trong đào tạo lại lao động du lịch trong trạng thái bình thường mới; phát triển những loại hình du lịch phù hợp như du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch ẩm thực…