Tạo cơ chế phát triển du lịch nông nghiệp

Hà Nội có vùng ngoại thành rộng hơn 3.000 km2 với địa hình đa dạng, đồng thời, sắc thái văn hóa làng quê cũng rất phong phú. Đây là cơ sở để du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố bứt tốc, phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp cất cánh, thành phố cần hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm, đồng thời xây dựng cơ chế đặc thù cho sử dụng đất nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch trải nghiệm nấu bánh đúc khi đến với mô hình du lịch nông nghiệp tại Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội).
Khách du lịch trải nghiệm nấu bánh đúc khi đến với mô hình du lịch nông nghiệp tại Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội).

Trải nghiệm làm nông dân, với các hoạt động cày cấy, thu hoạch rau củ, bắt cá, tìm hiểu đời sống các con vật nuôi, nấu nướng theo “kiểu nông dân”… đang là hoạt động du lịch có tốc độ phát triển rất cao trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đa dạng hình thức trải nghiệm

Với hàng trăm nếp nhà cổ, lưu giữ được nhiều di sản văn hóa độc đáo, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được coi là bảo tàng văn hóa làng quê Việt Nam, địa chỉ du lịch di sản độc đáo. Mới đây, làng cổ Đường Lâm đón một đoàn gần 50 khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia như Singapore, Malaysia, Australia, Nhật Bản... Các vị khách đến đây không chỉ để thăm thú các di tích, di sản mà còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp. Họ đến để… làm nông dân. Trong trọn một ngày, các vị khách quốc tế đã trải nghiệm khá đầy đủ về cuộc sống của người nông dân. Những vị khách đã xuống đồng thử nghiệm cách cày, bừa; được người dân hướng dẫn cách cấy lúa… Sau giờ làm việc khá nặng nhọc trên cánh đồng, những du khách lại trở về căn bếp để học làm những món ăn truyền thống của mảnh đất Đường Lâm, rồi thưởng thức chính những món ăn đó. Đây là một sản phẩm du lịch do Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm phối hợp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… triển khai xây dựng từ năm 2022. Việc kết hợp giữa khai thác giá trị di sản với những trải nghiệm nông nghiệp đã làm tăng sức hấp dẫn đáng kể cho du lịch Đường Lâm. Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết: “Việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với chủ trương của thành phố, cũng là xu hướng mà nhiều nước trên thế giới đang làm để phát triển du lịch bền vững. Du khách được tham gia trải nghiệm, vào vai những người nông dân trực tiếp cấy lúa, tham gia các trò chơi dân gian.

Từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã đón hơn 30 đoàn khách tham gia các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp”. Hiện nay, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã chủ động xây dựng các sản phẩm hai ngày một đêm để thu hút khách lưu trú, buổi tối khách được tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại làng cổ, ngủ trong những căn nhà cổ. Dự kiến dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sẽ có nhiều đoàn khách đăng ký tham gia các hoạt động du lịch nông nghiệp tại đây.

Những ngày cuối tháng 4 này, hàng chục hộ gia đình tại phường Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị đón khách du lịch. Phường Giang Biên có vùng đất bãi ven sông Đuống rộng hàng chục héc-ta vốn để trồng rau màu. Nhưng gần đây, khu đất bãi đã có tới hai mô hình du lịch nông nghiệp. Sau khi mô hình Trang trại sinh thái Erahouse hoạt động khá hiệu quả, đến cuối năm 2023, với sự đồng hành của Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt (VietED), GSRD Foundation (Hà Lan) và Quỹ châu Á (The Asia Foundation-TAF), mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour với sự tham gia của 18 hộ gia đình đã chính thức đi vào hoạt động. Trước đó, từ tháng 9/2022, các hộ gia đình đã được tham gia các lớp tập huấn về giao tiếp, ứng xử khi đón khách; bà con cũng quy hoạch lại các khu ruộng của mình thành những không gian phù hợp với tổ chức các hoạt động du lịch… Mô hình cung cấp gồm ba sản phẩm chính: “Một ngày làm nông dân”, “Học kỳ nông nghiệp” và “Sống xanh-sống lành”, mỗi sản phẩm đều hướng đến các đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, tour “Học kỳ nông nghiệp” giúp học sinh hóa thân thành một nông dân khi tìm hiểu những kiến thức cơ bản về các loại nông cụ, quy trình sản xuất nông nghiệp; trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại nông sản và chế biến món ăn... Tour “Sống xanh-sống lành”, “Một ngày làm nông dân” hướng tới đối tượng khách du lịch trong nước và quốc tế, chú trọng các trải nghiệm như tự nấu ăn và thưởng thức bữa trưa nông nghiệp; chế tạo sản phẩm thủ công truyền thống; thu hoạch, đóng gói rau... Bà Nguyễn Thị Năm (tổ 7, phường Giang Biên) cho biết: “Nhiều nghề truyền thống của chúng tôi đã bị quên lãng trong một thời gian dài. Từ gợi ý của nhóm chuyên gia, người dân Giang Biên đã cùng ôn lại cách đan võng, nấu bánh đúc để đưa vào sản phẩm tour, giúp du khách có thêm trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa, phong tục”.

Ở nhiều địa bàn khác, người dân bắt đầu chuyển hướng từ canh tác đơn thuần sang phát triển du lịch. Làng nghề cây cảnh truyền thống Hồng Vân (huyện Thường Tín) là một thí dụ điển hình. Từ chỗ sản xuất cây cảnh, hiện nay, đến đây khách du lịch lạc vào “thiên đường hoa, cây cảnh”, thỏa sức check-in và tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, mua sắm… liên quan đến nông nghiệp. Năm 2023, xã đã đón gần 126.000 lượt khách du lịch, một điều mà những năm trước không ai có thể tưởng tượng.

Khi quá trình đô thị hóa ngày một mạnh mẽ, đời sống nông thôn trở nên xa lạ với nhiều người, nhiều khách du lịch tìm về các hoạt động nông nghiệp vừa để “về nguồn”, vừa có trải nghiệm mới. Với khách quốc tế, cách làm nông nghiệp, trải nghiệm đời sống nông thôn Việt Nam là cả một thế giới mới lạ. Đó là lý do hàng loạt mô hình du lịch nông nghiệp phát triển. Phương thức hoạt động của các mô hình cũng hết sức đa dạng, thí dụ như kết hợp giữa trang trại sinh thái với giáo dục tại chuỗi trang trại Erahouse, Trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), Trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), Happy Farm (huyện Phúc Thọ)...; kết hợp giữa hoạt động canh tác với trải nghiệm du lịch như Trang trại nho hạ đen (huyện Đan Phượng), điểm du lịch làng nghề cây cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), điểm du lịch cây cảnh ở Nhật Tân, Tứ Liên (quận Tây Hồ)…; kết hợp giữa trải nghiệm di sản với hoạt động nông nghiệp tại làng cổ Đường Lâm… Về phương thức hoạt động, mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp cả phương thức doanh nghiệp đầu tư lẫn cộng đồng làm du lịch. Hà Nội đã có hai sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (huyện Gia Lâm). Ngoài ra, còn có nhiều trang trại sinh thái, điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được công nhận là Điểm du lịch cấp thành phố.

Tháo điểm nghẽn đầu tư

Hà Nội có diện tích 3.360 km2, địa hình rất đa dạng, từ vùng đồi núi đá vôi, vùng bán sơn địa cho đến vùng đồng bằng, vùng trũng. Hệ thống di tích, di sản dày đặc. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Với diện tích rộng, đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa, đồng thời có vị trí kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thành sản phẩm đặc trưng mang bản sắc riêng của du lịch Thủ đô. Hiện nay, ngành du lịch Thủ đô chú trọng khai thác tiềm năng về sinh thái, văn hóa, làng nghề truyền thống nhằm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách”.

Tuy nhiên, đặc điểm của du lịch nông nghiệp là diện tích sử dụng đất nông nghiệp lớn và cần quá trình đầu tư đáng kể về hạ tầng, bản thân các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp cũng cần có những thay đổi nhất định để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, đây lại là “điểm nghẽn” lớn nhất trong phát triển du lịch hiện tại. Sản phẩm du lịch tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đạt chuẩn OCOP 4 sao của thành phố, nhưng việc phát triển đang bị chững lại những năm gần đây. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Vân Mai Văn Ngần cho biết: “Hiện nay, du lịch Hồng Vân chưa thể giữ chân khách qua đêm, do không thể đầu tư thêm những dịch vụ thiết yếu phục vụ du lịch như xây dựng cơ sở lưu trú, ẩm thực, các công trình phục vụ cảnh quan... Bởi theo quy định thì việc xây dựng các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp là vi phạm pháp luật”. Hầu hết các mô hình du lịch nông nghiệp hiện nay đều chỉ đầu tư hạ tầng hết sức tạm bợ, do không thể xây dựng công trình. Không ít trường hợp chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cho du lịch thì bị tháo dỡ vì vi phạm trật tự xây dựng. Một số cơ sở xây dựng thêm cơ sở vật chất, nhưng nếu chính quyền “siết” quản lý thì có thể bị tháo dỡ bất cứ lúc nào. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cũng như chủ các cơ sở kinh doanh loại hình du lịch nông nghiệp đều đề xuất Trung ương cũng như thành phố cần có cơ chế đặc thù về sử dụng đất cho phát triển du lịch nông nghiệp.

Mặt khác, hiện nay nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp còn mang tính tự phát, chưa thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa của từng địa phương, nên chưa tạo được “cá tính” riêng. Giám đốc Công ty Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài cho rằng, để khắc phục được điều này, cần sự liên kết chặt chẽ hơn giữa ba bên: Nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp lữ hành để từ đó xây dựng những sản phẩm đa dạng, hấp dẫn và sát với nhu cầu của các đối tượng khách du lịch khác nhau. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa trải nghiệm nông nghiệp với trải nghiệm văn hóa tại các địa phương, thí dụ như tham quan làng nghề, tham quan di sản… Để tăng sức hấp dẫn, tạo sự phát triển bền vững cho du lịch nông nghiệp ■