Điện Biên Phủ hứa hẹn trở thành điểm đến giàu sức hút

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), nơi ghi dấu chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là di tích mang tính biểu tượng, có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của đất nước. Đây cũng là nguồn tài nguyên hứa hẹn đưa du lịch Điện Biên “cất cánh”.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. (Ảnh HẠNH HOÀNG)
Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. (Ảnh HẠNH HOÀNG)

Trải dài trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ, quần thể Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ (với 45 điểm di tích thành phần) là một trong 10 di tích cấp quốc gia đặc biệt được xếp hạng đầu tiên trên cả nước. Gắn liền tên đất, tên núi, tên sông… trong chiến dịch hiển hách 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta, di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là minh chứng sống động thể hiện tài thao lược, đường lối đúng đắn, sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng ta cũng như sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta; khẳng định lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước. Quần thể di tích này luôn được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền và nhân dân Điện Biên đặc biệt chú trọng bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, nhằm đưa nơi đây thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn du khách, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.

Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030. Thời điểm đó, 6 trong số 45 điểm di tích đã được đưa vào phục vụ du khách với các dịch vụ tham quan, thuyết minh, vận chuyển, mua sắm đồ lưu niệm. Năm 2022, có thêm các công trình quan trọng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, như: Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; bức tranh panorama cực đại tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... tạo dấu ấn cảm xúc mới cho du khách. Những năm qua, các điểm di tích như: Đồi A1, Hầm Đờ-cát, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng… đã thật sự trở thành những “địa chỉ đỏ”, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đã khẳng định vị thế là sản phẩm du lịch chủ lực, thu hút 70% lượng khách du lịch của cả tỉnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc khai thác, phát huy các giá trị của Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ để tạo điểm nhấn đặc trưng cho thương hiệu du lịch Điện Biên vẫn còn nhiều hạn chế. Tiến sĩ Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, nêu thực trạng: Hiện phần lớn môi trường cảnh quan các điểm di tích chưa được khôi phục nên chưa thể hiện được bối cảnh chiến trường xưa; còn thiếu các vị trí liên quan chiến dịch (vị trí tập kết lực lượng, hỏa lực, khu vực bảo đảm hậu cần, cứu thương...) thể hiện sự hiệp đồng tác chiến của quân đội ta, cũng như còn thiếu vị trí, sơ đồ kiến trúc các cứ điểm của quân Pháp. Chưa kể, trải qua thời gian dài dưới tác động khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết, một số điểm di tích đang bị xuống cấp, mất dần các yếu tố gốc, trong khi công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích chưa đồng bộ, đầy đủ để tương xứng với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của di tích.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên Phạm Thị Thảo, hoạt động trải nghiệm văn hóa, dịch vụ tại các điểm di tích còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa mang lại cho du khách những trải nghiệm và cảm xúc chân thực về một chiến thắng lịch sử mang tầm cỡ quốc tế. Nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Để thu hút nhiều du khách hơn đến với Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, giữ chân du khách lâu hơn và có ấn tượng sâu sắc hơn về điểm đến, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” vừa diễn ra, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường cho rằng, giải pháp quan trọng là tập trung triển khai tốt Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách, đồng thời tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội hóa để bảo đảm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. “Phải đầu tư liên tục, lâu dài cho bảo tồn, tôn tạo quần thể di tích là phương cách để phát huy nguồn tài nguyên du lịch nhân văn riêng có của Điện Biên, tạo lập sự khác biệt của sản phẩm du lịch Điện Biên so với các địa phương khác ở Tây Bắc” - Bí thư Trần Quốc Cường khẳng định.

Từ thực tế các sản phẩm được khai thác tại quần thể di tích còn chưa phong phú, ít tính sáng tạo, mới chỉ dừng ở mức độ tham quan hiện vật lịch sử, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoa Phượng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và Thạc sĩ Lò Thị Ngân (Trường Chính trị tỉnh Điện Biên) cùng chung quan điểm: Điện Biên phải đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng tăng cường trải nghiệm thực tế; bên cạnh cung cấp kiến thức cho du khách còn có thể gợi mở, khám phá các điểm đến khác gắn với di tích trong hành trình du lịch, giúp du khách khám phá sâu sắc hơn cội nguồn sự kiện lịch sử. Sản phẩm du lịch cần lồng ghép giá trị văn hóa đặc trưng bản địa để tạo sự khác biệt và tính sáng tạo.

Theo Thạc sĩ Đào Duy Trình, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên), để gia tăng cảm xúc, trải nghiệm của du khách, song song với triển khai các hoạt động mới trong lộ trình tham quan di tích của du khách (như: khám phá giao thông hào, lắng nghe cựu chiến sĩ Điện Biên kể chuyện...), cần tạo điều kiện để du khách kết hợp tìm hiểu đặc trưng văn hóa bản địa, tham gia múa xòe Thái (di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh), trải nghiệm chẻ sâu chít, dệt thổ cẩm, cắm trại, leo núi, chế biến và thưởng thức ẩm thực... Muốn thu hút được du khách đến với Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên, nhất thiết phải khơi thông “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, tập trung hoàn thiện, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối vùng, khu vực, các tuyến đường từ thành phố Điện Biên Phủ đến các huyện, khu du lịch trọng điểm...

Các chuyên gia cũng đề cập một vấn đề không kém phần quan trọng là cải thiện chất lượng chuyên môn cho đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại di tích. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế, đến tham quan Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đều có nhu cầu tìm hiểu, khám phá về các giá trị lịch sử gắn liền địa danh, được cung cấp đầy đủ, chân thực, lôi cuốn những câu chuyện, thông tin liên quan di tích. Vì thế, đội ngũ này cần được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, có chính sách đãi ngộ xứng đáng để phát triển năng lực ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống ■