Tín hiệu vui từ một mùa giải văn học bội thu

“Bản lĩnh của văn học” là chủ đề báo cáo đánh giá tổng kết giải thưởng hằng năm, Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ 3 năm 2023 và tổng kết đợt 1 Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Các tác giả nhận giải thưởng hằng năm và Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2023.
Các tác giả nhận giải thưởng hằng năm và Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2023.

Giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam được trao cho 6 tác phẩm thuộc bốn lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực văn xuôi gồm các tác phẩm: “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” (tiểu thuyết của Nguyễn Một), “Tuyệt không dấu vết” (tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà), “Một mùa hè dưới bóng cây” (tập truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế). Giải thưởng lĩnh vực thơ thuộc về tập thơ “Ðồng sen tàn” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Tác phẩm “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” của hai tác giả Phùng Ngọc Kiên và Ðoàn Ánh Dương đoạt giải thưởng lý luận phê bình, trong khi giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi xướng tên tác phẩm “Cá Linh đi học” của Lê Quang Trạng.

Giải thưởng Tác giả trẻ được trao cho tiểu thuyết “Nhân sinh kép: sống hai cuộc đời” của tác giả Ðức Anh. Hai nhà văn nữ Trần Thị Trường (Hà Nội) và Lê Thị Kim (Thành phố Hồ Chí Minh) được trao giải Nhà văn nữ ấn tượng năm 2023. Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 (2021-2023) cũng bội thu giải thưởng.

Giải nhất được trao cho bản thảo văn xuôi “Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp” của Dương Thị Thảo Nguyên. Hai Giải nhì, bao gồm: bản thảo văn xuôi “Hạt dẻ ơi, về nhà thôi” của Nguyễn Thị Cẩm Hà (Hà Mi) và tập thơ “Dắt mẹ đi chơi” của Mai Quyên. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng tiến hành trao năm Giải ba, bảy Giải khuyến khích cho các tập sách, tập bản thảo.

Trong báo cáo đánh giá tổng kết, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: Từ bản lĩnh, những người làm văn học đã tiến tới xác lập giá trị cho mình thông qua các sáng tác và công trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, các hội đồng xét giải cũng theo lộ trình đi từ nhận thức tới bản lĩnh để ghi nhận, tôn vinh các tác phẩm theo một quy chuẩn tương đối.

Kể từ khi công bố thời gian gửi tác phẩm tham dự xét giải thưởng hằng năm năm 2023 cho đến kết thúc thời hạn, Ban Sáng tác của Hội nhận được 179 tác phẩm. Qua tổ chức đọc vòng loại hết sức nghiêm túc, với nhiều cuộc họp trao đổi, bàn luận dân chủ, từ Hội đồng Sơ khảo các chuyên ngành đến Hội đồng Chung khảo, cuối cùng có sáu tác phẩm được trao giải thưởng.

“Ðược mùa” nhất phải kể tới lĩnh vực văn xuôi với 64 tác phẩm tham dự giải, ba tác phẩm đoạt giải. Lĩnh vực thơ có 61 tác phẩm tham gia, qua nhiều lần trao đổi, tranh luận, tập thơ “Ðồng sen tàn” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành đạt số phiếu đồng thuận cao, trở thành tập thơ duy nhất đoạt giải. Mảng lý luận phê bình, năm 2023 có 22 cuốn sách tham dự giải và cũng chỉ có một tác phẩm đoạt giải là “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do”.

Văn học thiếu nhi có 24 tác phẩm tham dự và tác phẩm “Cá Linh đi học” của Lê Quang Trạng - một trong những hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam đoạt giải. Riêng văn học dịch, chỉ có 8 tác phẩm tham dự xét giải, duy nhất tác phẩm “Thợ săn hoang dã” được Hội đồng Sơ khảo trình lên Hội đồng Chung khảo và sau khi cân nhắc hội đồng quyết định bỏ trống giải thưởng hạng mục này.

Ở hệ thống Giải thưởng Tác giả trẻ, năm 2023, số lượng tác phẩm tham dự xét giải khá khiêm tốn, chỉ dừng ở con số 14, trong đó văn xuôi 6 tác phẩm, thơ 7 tác phẩm và lý luận phê bình là một tác phẩm. Hội đồng Chung khảo bỏ phiếu chọn tiểu thuyết giả tưởng “Nhân sinh kép: sống hai cuộc đời” của tác giả Ðức Anh để trao giải.

Như vậy, về cơ bản, số lượng tác phẩm tham dự xét giải thường niên vẫn giữ ổn định, có sự phân bố khá đều ở hai thể loại thơ và văn xuôi, lý luận phê bình giảm hơn so với các năm trước dù sự sụt giảm không đáng kể. Ở Giải thưởng Tác giả trẻ, trao cho “Nhân sinh kép: sống hai cuộc đời”, một lần nữa tái khẳng định quan điểm của Ban Chấp hành Hội về ưu tiên khích lệ những tìm tòi, thử nghiệm của người viết trẻ. Với trường hợp của Ðức Anh, qua tác phẩm này, có thể khẳng định sớm rằng, đây là tác giả có can đảm, có ý thức tìm kiếm cho mình một lối đi cá biệt, điều vô cùng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Ðiểm sáng không thể không kể đến là Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đã góp phần cổ vũ những hành động, suy nghĩ tốt đẹp cho thế giới tuổi thơ; hướng các em trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai; làm đa dạng, sinh động thêm đời sống văn học nói chung và văn học về đề tài thiếu nhi nói riêng, qua đó tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn học.

Cuộc vận động diễn ra trong thời gian 5 năm, chia làm hai đợt. Tính đến ngày 15/6/2023, hạn cuối của đợt 1, Ban tổ chức nhận được 246 tác phẩm tham dự, trong đó thơ có 102 tác phẩm, văn xuôi có 144 tác phẩm. Kết quả, có 16 tác phẩm đoạt giải thưởng. Trong tổng số các tác phẩm đoạt giải, có năm tác phẩm đã in thành sách, còn lại là ở dạng bản thảo.

Như vậy, ngay ở chặng đầu của Cuộc vận động đã gặt hái được những thành công nhất định, thể hiện qua số lượng tham gia đông đảo với sự trải rộng khắp các vùng miền, có nhiều tác giả là người Việt Nam hiện đang sinh sống hoặc học tập, công tác tại nước ngoài. Bên cạnh đó, độ tuổi tác giả tham dự khá phong phú, cao nhất là tác giả Huỳnh Sanh Châu 95 tuổi, thấp nhất là Kul Nguyễn, 10 tuổi với tác phẩm “Tích cực” và Vũ Khánh Huyền, 11 tuổi với “Mùa hè quê ngoại”.

Bên cạnh việc có nhiều nhà văn, nhà thơ lớn tuổi, có uy tín trên văn đàn tham gia thì cũng xuất hiện nhiều gương mặt tác giả mới với nhiều hứa hẹn mang tới sinh khí mới cho thể loại này, như: Dương Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Cẩm Hà, Mai Quyên, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Xuân Lai... Về nội dung cũng như hình thức thể hiện, có thể thấy sự phong phú mà văn học viết cho thiếu nhi có thể chạm tới.

Ðó là cách viết hết sức đa dạng, sinh động, giàu mỹ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn để tiến đến sự diễn đạt, truyền đạt tốt và chính xác nhất. Ðáng mừng là trong đó có sự khởi sắc của những thể loại vốn chưa được lưu tâm phát triển trước đây như giả tưởng và khoa học viễn tưởng.

Qua những tín hiệu vui trong một mùa giải bội thu, có thể nhận thấy các tác giả ở mọi độ tuổi, vùng miền đã chú trọng cân bằng cả nội dung lẫn hình thức tác phẩm để gia tăng độ gần gũi cũng như tính thuyết phục, cuốn hút với bạn đọc. Về căn bản, đó là mùa giải thành công bởi đã mang tới những giá trị mới, tác giả mới, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống văn học. Ðiều đó cũng đồng nghĩa với quyền được kỳ vọng của công chúng vào những chặng đường tiếp theo của tiến trình văn học.