Tín hiệu mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

Từ ngày 14 đến 16/11, tại Trung tâm Hội nghị Moscone, San Francisco, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2023 với sự tham dự của gần 2.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và trường đại học trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. (Ảnh TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. (Ảnh TTXVN)

Đây là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp khu vực, được tổ chức hằng năm nhân dịp Tuần lễ cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo APEC.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Chile Gabriel Boric, Tổng thống Peru Dina Boluarte, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim là những khách mời danh dự của hội nghị năm 2023.

Với chủ đề Kiến tạo các cơ hội kinh tế: Bền vững, bao trùm, tự cường, sáng tạo, hội nghị năm nay gồm 20 phiên thảo luận, tập trung vào các vấn đề quan tâm hàng đầu của cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có bài phát biểu quan trọng định hướng cho phiên thảo luận về “Tăng trưởng bền vững và bao trùm”.

Đối tác có tầm quan trọng chiến lược

Trong chương trình tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng 15/11 (giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự buổi trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR). Đây là tổ chức tham vấn, nghiên cứu độc lập về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ với sự góp mặt của nhiều cựu chính trị gia, nhà nghiên cứu tên tuổi tham gia phân tích sâu về các vấn đề quốc tế và tham vấn chính sách đối ngoại.

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch CFR Michael Froman nhấn mạnh đến sự phát triển ấn tượng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là vai trò ngày càng lớn của hợp tác kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ khi thương mại hàng hóa song phương tăng lên 139 tỷ USD - gấp hơn 300 lần so với năm 1995. Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, ông Michael Froman cho rằng, các sáng kiến kinh tế trong khu vực cũng được tăng cường nhờ sự tham gia của Việt Nam.

Đề cập việc hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện; đồng thời tăng cường hợp tác phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, khoa học và công nghệ, chống biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh, ông Michael Froman cho rằng đây là những tín hiệu mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ song phương.

Phát biểu trước các học giả Hoa Kỳ, giới thiệu những nét chính về tình hình Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ, qua gần 40 năm đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Kinh tế phát triển nhanh; hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm ba nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua. Là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới, nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm, là cội nguồn sức mạnh, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, Việt Nam tập trung phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng...

Chủ tịch nước đánh giá, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay; từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước nêu rõ: “Phương châm của Việt Nam trong quan hệ Hoa Kỳ là gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tin cậy nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng. Lãnh đạo Hoa Kỳ khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng. Chúng tôi xác định Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình”.

Trao đổi với các học giả CFR, trả lời câu hỏi về thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong phát triển sản xuất chất bán dẫn, Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam mong muốn Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ được thực hiện một cách đầy đủ, trong đó có vấn đề hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chíp và lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị Hoa Kỳ quan tâm công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Và việc này cần thực hiện bằng quyết sách chính trị; không nên theo quy định một cách cứng nhắc. Cùng với đó, Hoa Kỳ cần sớm tháo gỡ việc xếp hạng Việt Nam trong nhóm nước hạn chế hỗ trợ hợp tác về chíp, chất bán dẫn. Việt Nam cũng mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về vấn đề vai trò của người Mỹ gốc Việt trong tiến trình thúc đẩy hợp tác hai nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có người Việt Nam ở Hoa Kỳ, là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Trong thành tựu đổi mới 40 năm vừa qua, đất nước Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có đóng góp của Việt kiều tại Hoa Kỳ cũng như người Việt Nam tại các nước khác trên thế giới. Chủ tịch nước mong muốn người Việt Nam tại Hoa Kỳ ngày càng khẳng định vị trí của mình trong đời sống kinh tế-xã hội của Hoa Kỳ. Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp người Mỹ gốc Việt đầu tư tại Việt Nam.

Liên quan câu hỏi về những khó khăn của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước nhấn mạnh, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã nỗ lực, chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần có sự ủng hộ, giúp đỡ về quyết tâm chính trị, thông qua những hành động cụ thể của cộng đồng quốc tế. Chủ tịch nước cảm ơn và mong muốn Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này.

Việt Nam không ngừng nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư

Chiều 15/11, tại thành phố San Francisco, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại Tọa đàm bàn tròn kết nối doanh nghiệp và địa phương Việt Nam-Hoa Kỳ. Cùng dự có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Ted Osius; đông đảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch nước đánh giá cao đông đảo doanh nghiệp, địa phương Việt Nam và Hoa Kỳ tham dự Tọa đàm; cho rằng, các thỏa thuận và hợp tác cấp cao chỉ thành hiện thực và mang lại kết quả khi có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và địa phương hai nước. Những thành công ấn tượng của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cho đến nay là minh chứng rõ nét về cơ hội đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Tín hiệu mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại buổi tiếp Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ-APEC. (Ảnh TTXVN)

Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam chào đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm như công nghệ cao, sản xuất chíp, chất bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt. Việt Nam đang nỗ lực tối đa để đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề kinh tế và kinh doanh Ramin Toloui đánh giá cao các vấn đề Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu ra về thúc đẩy hợp tác hai nước và cho rằng, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được xác lập giữa hai nước chính là cơ sở phát triển hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn. Các lợi thế của Việt Nam và sự hợp tác từ phía Hoa Kỳ sẽ giúp xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động cả hai quốc gia cũng như tận dụng tối đa tiềm năng của hai nước.

Dẫn chứng cơ hội thành công dành cho nhà đầu tư Hoa Kỳ khi đầu tư vào Việt Nam, ông Ramin Toloui cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Intel đang tiên phong trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách bền vững. Ngoài ra, hai nước cũng có những dự án hợp tác quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất hợp kim tại Hải Phòng, Đà Nẵng…

Tại tọa đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn cấp cao Việt Nam và các quan chức Hoa Kỳ đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước trong một số lĩnh vực như giáo dục và đào tạo; giảm phát thải khí nhà kính; phát triển các khu công nghiệp; phát triển đô thị và du lịch sinh thái; tiêu thụ nông sản; ươm tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch; cơ sở hạ tầng cảng biển; trí tuệ nhân tạo; phát triển năng lượng tái tạo...

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ, trao đổi với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ-APEC. Cuộc trao đổi có sự tham dự của ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-ASEAN, đại diện lãnh đạo hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ.

Trên đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đề xuất những ý tưởng, lĩnh vực Việt Nam cần tập trung cải thiện để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường đầu tư, phát triển các cảng hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng cứng, hạ tầng số, đẩy mạnh cải cách, thông quan điện tử…

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thông báo đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ về những chính sách và định hướng chiến lược của Việt Nam trong phát triển kinh tế; nhấn mạnh, nhiều năm qua Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, qua đó mang lại giá trị thiết thực cho cả hai bên.

Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Việt Nam đang nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng đầu tư vào Việt Nam đạt hiệu quả cao, đem lại lợi ích cho chính các doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và nhất là các địa phương của Việt Nam, đặc biệt là trên các lĩnh vực là thế mạnh của Hoa Kỳ như đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, nghiên cứu và phát triển…

Cho biết trong chuyến công tác đến San Francisco lần này có lãnh đạo một số địa phương giàu tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn Hoa Kỳ quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các địa phương này. Chủ tịch nước nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai bên chỉ thật sự có hiệu quả khi có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ với các địa phương của Việt Nam.

Ngày 15/11, tại thành phố San Francisco, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp ông Gavin Newsom, Thống đốc bang California. Thống đốc Gavin Newsom nhấn mạnh, bang California cam kết xây dựng quan hệ lâu dài, bền vững với châu Á, trong đó có Việt Nam. Thống đốc Gavin Newsom khẳng định, bang California sẵn sàng tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả, thực chất với Việt Nam, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, cũng như quan hệ giữa bang California và các địa phương của Việt Nam.

Chủ tịch nước đánh giá cao tình cảm và sự quan tâm của Thống đốc, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân của bang California ưu tiên thúc đẩy quan hệ với Việt Nam phù hợp nhu cầu, tiềm năng và lợi thế của hai bên; tin tưởng rằng, trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển, bền vững và với ưu thế như có đường bay thẳng, có cộng đồng người gốc Việt lớn, có nhiều nhà đầu tư hai nước, California sẽ là bang tiên phong trong phát triển quan hệ song phương.

Tiếp Phó Thị trưởng thành phố Los Angeles Erin Bromaghim, Chủ tịch nước đánh giá cao tiềm năng và thành tựu trong phát triển của thành phố Los Angeles. Chủ tịch nước hoan nghênh thời gian qua có nhiều doanh nghiệp của Los Angeles sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác tại Việt Nam; tin tưởng hợp tác giữa Cảng Los Angeles và các doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam sẽ thành công, tạo tiền đề cho các hoạt động hợp tác khác giữa hai bên.

Phó Thị trưởng Los Angeles cho biết, sắp tới sẽ cùng một đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ sang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam; bày tỏ vui mừng bang California đã thiết lập quan hệ với thành phố Hà Nội.

Chiều 15/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân thăm gia đình Việt kiều Phạm Văn Tịch và gặp mặt một số kiều bào tại nhà riêng của ông Tịch. Trong không khí ấm áp, thân tình, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước không bao giờ quên công ơn của kiều bào, cũng như những người bạn Hoa Kỳ thầm lặng tham gia vào phong trào phản chiến, đóng góp một phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chủ tịch nước ghi nhận bề dày truyền thống và những đóng góp của các kiều bào và Hội Việt kiều yêu nước cho sự hình thành và phát triển của Phái đoàn thường trú Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, nhất là trong những ngày đầu còn hết sức khó khăn. Tới nay, dù tuổi cao, nhiều kiều bào vẫn luôn mang tấm lòng hướng về quê hương, trở thành một trong những cầu nối quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước mong rằng các thế hệ kiều bào tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, chủ động thông tin để cộng đồng bà con ta tại Hoa Kỳ, nhất là kiều bào trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba, hiểu rõ hơn về tình hình đất nước và chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; mong cộng đồng người Việt tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của Hoa Kỳ, quan hệ hai nước, cũng như công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương Việt Nam.

Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Bệnh viện và Trung tâm nghiên cứu y tế thuộc Đại học Stanford. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng đến thăm Đại học Stanford, nơi đào tạo nhiều nhà khoa học, bác sĩ, chính trị gia, luật sư, lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, nơi sở hữu 70 giải Nobel, hàng trăm nghìn sáng kiến, đóng góp vào sự phát triển của Hoa Kỳ cũng như sự phát triển của nhân loại.

Nhắc lại một trong những nội dung của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vừa được xác lập là hợp tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe con người, Chủ tịch nước mong muốn Bệnh viện phối hợp các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực này.

Chiều 15/11, tại thành phố San Francisco, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tiến sĩ Brendan Nelson, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing toàn cầu. Đánh giá cao kết quả hợp tác kinh doanh giữa Boeing và các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Chủ tịch nước mong muốn sẽ ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác giữa Boeing với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai.