Tìm ý tưởng định hình công viên văn hóa ven sông Hồng

Cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi giữa và ven sông Hồng” (do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo tổ chức) vừa khởi động đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia văn hóa, quy hoạch và cộng đồng thiết kế. Đây là bước tiến mới trong lộ trình khai thác các giá trị không gian ven sông Hồng - vùng xanh quý báu giữa lòng đô thị Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian ven sông Hồng là địa điểm yêu thích của nhiều hội nhóm bơi lội, chèo SUP (ván đứng).
Không gian ven sông Hồng là địa điểm yêu thích của nhiều hội nhóm bơi lội, chèo SUP (ván đứng).

Bãi giữa sông Hồng có diện tích khoảng 328 ha cùng bãi ven sông Hồng (từ cầu Tứ Liên đến cầu Trần Hưng Đạo) rộng khoảng 63,2 ha nằm trên địa bàn bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên. Trước kia, diện tích bãi giữa và bãi ven sông Hồng thay đổi nhiều theo mùa nước lũ, tuy nhiên những năm gần đây hai bãi tương đối ổn định do mực nước sông ổn định, hiếm khi dâng cao.

Mong muốn biến nơi đây thành không gian công cộng, không gian sáng tạo đặc trưng và hấp dẫn đã được chính quyền Thủ đô Hà Nội đặt ra từ lâu, song do chưa đủ điều kiện chín muồi và phải đối mặt nhiều vướng mắc cho nên chưa có được một lộ trình khả thi để hiện thực hóa. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, thông qua cuộc thi này sẽ chọn lựa được các ý tưởng hay, độc đáo, khả thi để khai thác không gian đặc biệt của Thủ đô theo hướng bền vững và sáng tạo, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Đề bài cụ thể là “thiết kế công viên văn hóa”, nhưng theo các chuyên gia, không gian ven sông Hồng rất rộng và còn nguyên sơ với hệ sinh thái phong phú, do đó không nên “công viên hóa” kiên cố với mật độ xây dựng dày, mà cần phân chia các khu vực theo chức năng hợp lý để giảm tác động đến môi trường tự nhiên. Các khu vực, như: Không gian ươm trồng cây xanh và dạo bộ thư giãn; không gian sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật; không gian thưởng thức ẩm thực; không gian tổ chức lễ hội, trải nghiệm làng nghề truyền thống cần bổ sung...

Đối với đề nghị cần định nghĩa rõ công viên tiếp cận miễn phí hay chuyển đổi công năng mang tính tư nhân, kiến trúc sư Phạm Minh Tuấn, thành viên Hội đồng Giám khảo cho rằng, công viên bản chất là không gian công cộng mở dành cho mọi người, tuy nhiên để có nguồn thu cho việc bảo tồn phát huy (như di sản kiến trúc cầu Long Biên) thì có thể tổ chức một vài không gian đặc thù có hoạt động dịch vụ, thương mại.

Khu vực bãi giữa và ven sông Hồng là quỹ đất lớn giữa thiên nhiên tương phản với không gian chật chội của nội thành Hà Nội, cho nên từ nhiều năm nay nơi đây đã xuất hiện hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, du lịch... tự phát. Bên cạnh đó, một diện tích không nhỏ được người dân sử dụng trồng trọt, chăn nuôi, thậm chí xây nhà và kinh doanh không phép. Những hoạt động này dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất trật tự an ninh, rủi ro liên quan sức khỏe và tính mạng... Do đó, việc quy hoạch cũng cần xem xét chuyển đổi sinh kế và tích hợp các hoạt động của người dân có sẵn vào quy hoạch phát triển của thành phố.

Tại hội thảo chuyên đề “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng- Tầm nhìn và giải pháp” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tháng 11/2023, nhiều đại biểu đưa ra, đề xuất dựa trên kinh nghiệm các mô hình không gian xanh ven sông đã thành công của Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Điều đặc biệt lưu ý là, bãi giữa sông Hồng rất gần không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, kết nối với nhiều địa danh lịch sử quận Ba Đình và các làng hoa ở hai quận Tây Hồ, Long Biên. Vì thế, nếu được quy hoạch đồng bộ với phát triển giao thông, công viên văn hóa ở bãi giữa sông Hồng sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống người dân mà còn góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế, quảng bá hình ảnh Hà Nội - thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tiến sĩ Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam gợi ý mô hình vườn trồng các cây đại diện vùng miền Việt Nam, vừa cung cấp sản phẩm nông nghiệp, vừa phục vụ ăn uống, dã ngoại, cắm trại... Còn Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Minh (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) đặc biệt lưu ý vai trò điểm nhấn của cầu Long Biên, cho rằng nếu cầu Long Biên là di sản đô thị thì bãi giữa là di sản thiên nhiên, mối quan hệ gắn bó độc đáo này có thể góp phần “nuôi dưỡng bản sắc” và “kiến tạo thương hiệu” đô thị Hà Nội.

Qua nghiên cứu và thực tế nhiều địa phương, nhóm kiến trúc sư Nguyễn Lâm, Phan Bảo An, Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Khánh Chi (Đại học Đà Nẵng) đề xuất năm yếu tố trong thiết kế công viên văn hóa đa chức năng ven sông Hồng. Một - thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng hệ thống cây xanh bản địa để chống ngập lụt, giảm nhiệt độ; hai - bảo tồn và kế thừa văn hóa, tổ chức hoạt động sản xuất truyền thống hoặc lễ hội, nghệ thuật truyền thống; ba - đa dạng và hòa nhập mọi lứa tuổi, chú ý khả năng tiếp cận của trẻ em, người già, người khuyết tật; bốn - áp dụng công nghệ thông minh, tối ưu hóa sáng tạo và giảm tác động đến tự nhiên; năm - xây dựng, vận hành và quản lý theo hướng bền vững, lâu dài.

Dành cho mọi tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, cuộc thi tìm ý tưởng xây dựng công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi giữa và ven sông Hồng tiếp tục hiện thực hóa định hướng sông Hồng là trục phát triển xanh theo Đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua. Các bài thi cũng như góp ý sẽ được tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý hài hòa để tìm ra phương án triển khai thống nhất cho không gian xanh, an toàn, tiện ích ven sông Hồng. Dự kiến, lễ công bố và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào tháng 10/2024.