Tiếp nối tinh thần phát triển thời trang theo hướng bền vững, các bộ sưu tập được giới thiệu dịp này phần lớn sử dụng nguyên liệu tự nhiên, truyền thống, được sản xuất từ nhiều làng nghề thủ công lâu đời trên cả nước.
Với chủ đề "Shaping the Future-Kiến tạo tương lai", Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam hè 2023 quy tụ 18 nhà thiết kế, thương hiệu thời trang đã có tên tuổi trong và ngoài nước như: Lê Thanh Hòa, Adrian Anh Tuấn, Đặng Trọng Minh Châu, Vũ Thu Phương, Vũ Việt Hà, Ivan Trần, Nguyễn Minh Công, Xuân Thu Nguyễn (Hà Lan), Frederick Lee (Singapore), Christos Chronis (Australia), Kobi Levi (Israel)...; cùng một số nhà thiết kế trẻ từ Học viện Thiết kế thời trang Marangoni (Italia) và Học viện Thiết kế và thời trang London (Anh).
Sau 15 lần tổ chức, Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam đã dần nâng cao chất lượng chuyên môn, khẳng định được uy tín và là bệ phóng cho nhiều nhà thiết kế, người mẫu Việt Nam tài năng bước ra sàn diễn thế giới.
Đặc biệt, những năm gần đây, nhằm bắt kịp xu hướng chuyển đổi "xanh" của làng mốt toàn cầu, Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam cũng nỗ lực truyền tải thông điệp về thời trang bền vững thông qua thiết kế từ các nguyên liệu tái chế hoặc khuyến khích giữ gìn các yếu tố văn hóa bản địa.
Mở màn cho chương trình, bộ sưu tập "Hoa trên sóng nước" của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa gây ấn tượng với những trang phục đẹp mắt, thời thượng được tạo nên từ các chất liệu tự nhiên như lụa Mã Châu, len, lông vũ, sợi cọ raffia.
Đáng chú ý, sản phẩm lụa Mã Châu từ làng nghề hơn 500 năm tuổi ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tiếp tục được tôn vinh với nguồn gốc thuần Việt và thân thiện với môi trường. Lụa Mã Châu có đặc tính đông ấm, hè mát, dùng mầu nhuộm thiên nhiên từ hạt gấc, hạt điều, lá trà... nên rất phù hợp cho thời trang cao cấp mang tính ứng dụng.
Trong khi đó, màn trình diễn kết thúc mang tên "Nước đầu nguồn" của nhà thiết kế Vũ Việt Hà cũng được đánh giá cao với ý tưởng từ họa tiết sóng nước trên trang phục cổ Việt Nam thế kỷ 19. Bộ sưu tập sử dụng chủ yếu vải sợi gai xanh, loại cây được trồng ở nhiều địa phương miền núi phía bắc.
30 thiết kế đa dạng đã ra mắt khán giả trên nền ca khúc "Hồ trên núi" (Phó Đức Phương) và một số bản nhạc dân gian đương đại khác, gợi cảm giác hoang sơ, phóng khoáng. Trong giới thời trang, Vũ Việt Hà được biết đến là một người trẻ tâm huyết với các chất liệu của đồng bào dân tộc thiểu số như sợi gai, vải lanh, thổ cẩm...
Với mong muốn gìn giữ, phát triển và quảng bá nghề ươm tơ của quê hương Cổ Chất (huyện Trực Ninh, Nam Định), nhà thiết kế Vũ Thu Phương mang đến bộ sưu tập thời trang rực rỡ và bay bổng hoàn toàn bằng lụa, được các người mẫu trình diễn trong âm thanh độc đáo của khung cửi dệt vải được lưu giữ khoảng 100 năm.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi được người dân làng Cổ Chất trao truyền qua nhiều thế hệ và trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho nhiều làng nghề dệt vải ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Còn ở phía nam, nhắc đến tơ lụa là không thể không nhắc đến làng lụa Tân Châu (An Giang) với sản phẩm lãnh Mỹ A nức tiếng.
Sợi chuối, vải đũi, lụa, lãnh Mỹ A được nhà thiết kế Nguyễn Minh Công (quê Vĩnh Long) đưa vào bộ sưu tập "Về nhà Út ơi!" mang đậm cảm hứng văn hóa miền Tây Nam Bộ. Hình ảnh quen thuộc của áo bà ba, nón lá, khăn rằn, chợ nổi, trò chơi dân gian... được khéo léo biến tấu thành thời trang hiện đại, chinh phục người xem.
Cùng với những âm thanh đặc trưng như tiếng gà gáy, tiếng mái chèo khua nước, trẻ con hát đồng dao... sàn diễn thời trang trở thành một không gian độc đáo tôn vinh nghề thủ công, khơi gợi ký ức và cảm xúc về những miền quê Việt Nam tươi đẹp.
Ngoài ra, thông điệp về thời trang "xanh" còn được gửi gắm qua bộ sưu tập áo dài "Mộc" của nhà thiết kế Đặng Minh Châu; bộ sưu tập thời trang công sở "Hai Tư Sáu" của nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn; hay thời trang từ vải vụn tái chế của nhà thiết kế người Hà Lan gốc Việt Xuân Thu Nguyễn, nhà thiết kế trẻ Lỗ Thị Thanh Dung...
Thời gian qua, với ý thức tìm về nguồn cội và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngày càng nhiều nhà thiết kế thời trang chọn chất liệu tự nhiên để sáng tạo, đưa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới.
Những nỗ lực đó đang góp phần đáng kể trong việc khôi phục, mở rộng các làng nghề truyền thống và còn hơn nữa là định hướng, truyền cảm hứng tiêu dùng "xanh", bảo vệ môi trường.
Chia sẻ chủ đề "bền vững", Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á kiêm Chủ tịch Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Lê Thị Quỳnh Trang cho biết: "Qua câu chuyện sử dụng chất liệu tái chế (năm 2021), hay đưa văn hóa nghệ thuật vào thời trang (năm 2022), mỗi mùa tuần lễ thời trang sẽ tập trung vào một góc nhìn mới bởi thời trang bền vững không phải là lựa chọn mà là nhiệm vụ. Thời trang bền vững là tất yếu. Thời trang Việt Nam muốn đi xa không thể đứng ngoài dòng chảy chung của thời trang thế giới".