Cuộc thi năm nay thu hút 53 thí sinh, đến từ 18 đơn vị nghệ thuật trong cả nước dự thi, với nhiều trích đoạn cải lương tiêu biểu.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: Cuộc thi là hoạt động ý nghĩa nhằm thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật cải lương. Qua đó, phát hiện những tài năng trẻ, khuyến khích họ đóng góp cho sự nghiệp sân khấu cải lương Việt Nam trong tương lai. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu cải lương, từ đó, có những giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ trẻ trong thời gian tới.
Nhấn mạnh vai trò của sân khấu cải lương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng chia sẻ: Sân khấu cải lương gắn liền với di sản văn hóa độc đáo của miền sông nước Nam Bộ. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cải lương đã trở thành vũ khí tinh thần quan trọng. Nhiều vở diễn anh hùng ca đã ra đời và được lưu truyền rộng rãi từ thành thị đến chiến khu, hiệu triệu quần chúng, cổ vũ tinh thần yêu nước, thôi thúc hàng vạn thanh niên tham gia cách mạng. Trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước, cải lương tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Với ý nghĩa to lớn đó, hy vọng 53 thí sinh sẽ là 53 đóa hoa tươi thắm trong vườn hoa nghệ thuật cải lương, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của nước nhà.
Các tài năng trẻ xuất sắc sẽ được ban tổ chức trao các Huy chương Vàng, Bạc cùng một số giải thưởng khác.
Ngay sau lễ khai mạc là phần dự thi mở màn của các thí sinh đến từ tỉnh Cà Mau.
Cuộc thi sẽ khép lại bằng lễ bế mạc, diễn ra ngày 4-12.