Tình trạng thiếu hụt bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra nhiều năm nay. Tỉnh đã có nhiều giải pháp, trong đó có những chính sách đãi ngộ đặc thù, mang tính “trải thảm”, nhưng vẫn khó thu hút các bác sĩ về công tác.
Bác sĩ Nguyễn Minh An, Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Bên cạnh số lượng bác sĩ ra trường hằng năm còn ít, không đáp ứng được nhu cầu thực tế thì do tác động của cơ chế thị trường, nhiều bác sĩ ở các bệnh viện công lập đã chuyển đến những nơi có điều kiện làm việc tốt hơn và có thu nhập cao hơn như các phòng khám, bệnh viện tư nhân trên địa bàn hay những cơ sở khám, chữa bệnh ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...
Thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chính sách đãi ngộ như: Trợ cấp 30% lương cơ bản cho công chức, viên chức ngành y tế; hỗ trợ bác sĩ thuộc diện thu hút (bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ có chuyên môn cao, bác sĩ về công tác tại tuyến xã...) từ 200 đến 350 triệu đồng/người và một số chế độ khác theo Đề án chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2015-2020. Ngoài ra, mỗi cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đều có những chính sách ưu đãi bổ sung khác. Như tại Bệnh viện Lê Lợi có thêm chính sách nâng hệ số lương trước thời hạn, hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ chi phí đào tạo, chi thù lao làm việc sau ca trực… Tuy nhiên, đến nay, bệnh viện vẫn thiếu từ 15 đến 18 bác sĩ các chuyên khoa sản, gây mê, nội, chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng...
Do thiếu bác sĩ cho nên tại các bệnh viện, mỗi bác sĩ phải khám từ 70 đến 80 người bệnh/tám giờ làm việc (quy định của Bộ Y tế là 50 người bệnh/tám giờ). Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng phải trực với lịch trực dày đặc hơn. Bác sĩ Trịnh Quốc Dương, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Lê Lợi) chia sẻ: Ngoài công việc khá vất vả ở khoa, bác sĩ hồi sức còn phải hỗ trợ cho các khoa khác. Nhưng hiện tại, khoa chỉ có ba bác sĩ cho nên công việc rất vất vả, lịch trực dày, cứ ba, bốn ngày là bác sĩ lại phải trực. Công việc chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của các bác sĩ quá tải, nguy cơ xảy ra sai sót chuyên môn và sự cố y khoa càng cao; đồng thời bác sĩ cũng không có thời gian để tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề.
Theo thống kê, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thiếu hụt gần 250 bác sĩ, trong đó Bệnh viện Tâm thần tỉnh là đơn vị thiếu nhiều bác sĩ chuyên khoa nhất (hiện thiếu tới 27 bác sĩ), thế nhưng suốt 11 năm nay, kể từ khi thành lập năm 2006, không có bác sĩ chuyên khoa tâm thần nào nộp đơn xin về đây làm việc. Bệnh viện Tâm thần tỉnh hiện chỉ có 11 bác sĩ nhưng phải đảm nhiệm công tác khám ngoại trú cho từ 150 đến 200 người bệnh và điều trị nội trú cho từ 100 đến 120 người bệnh/ngày; đồng thời quản lý điều trị hơn 4.200 người bệnh tâm thần trên địa bàn. Thiếu nhân lực dẫn đến việc một ca trực vừa cấp cứu, vừa chăm sóc người bệnh tại bệnh viện thường chỉ có hai bác sĩ và hai điều dưỡng. “Vừa chăm sóc, vừa trông coi cả trăm người bệnh khiến chúng tôi rất vất vả và áp lực”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng khoa Điều trị nam chia sẻ.
Tương tự, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Hữu Chí cũng đang thiếu hụt rất nhiều bác sĩ chuyên khoa. Hiện, bệnh viện mới chỉ có năm bác sĩ, trong đó một bác sĩ chuyên khoa phổi, một bác sĩ chuyên khoa nội hô hấp và một bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát. BS Nguyễn Văn Lương, Giám đốc Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí, cho biết, trung bình hằng năm, Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện khoảng 1.500 ca mắc lao, trong đó 800 người bệnh lao phổi. Để điều trị tốt cho người bệnh, bệnh viện cần có thêm ít nhất 12 bác sĩ nữa, trong đó có năm bác sĩ chuyên khoa lao.
Theo Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa, giải pháp cơ bản hiện nay là đào tạo theo địa chỉ và đào tạo tại chỗ. Ngành y tế đã tham mưu cho tỉnh ban hành “Chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ cho ngành y tế từ nay đến năm 2020”. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ toàn bộ học phí và học bổng hằng tháng cho 161 sinh viên hệ đại học các trường đại học: Y Hà Nội, Y dược Huế, Y dược TP Hồ Chí Minh, Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh), Y dược Cần Thơ. Sau khi ra trường, các sinh viên này sẽ về công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập của tỉnh ít nhất 10 năm.
Ngoài ra, trong năm 2017, ngành y tế cũng cử 71 y sĩ đang công tác tại các đơn vị y tế trong tỉnh đi học liên thông lên bác sĩ. Ngành y tế cũng xác định cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn nhân lực, trong đó chú trọng mời các chuyên gia đầu ngành, các bác sĩ có chuyên môn cao, uy tín đã về hưu để cộng tác với các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao hơn nữa các chính sách đãi ngộ để thu hút và “giữ chân” các bác sĩ chuyên khoa, nhất là các chính sách về nhà ở bởi hầu hết các bác sĩ đang công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều đến từ các tỉnh, thành phố khác có nhu cầu ổn định chỗ ở.
Tuy nhiên, như chia sẻ của rất nhiều y, bác sĩ, muốn “giữ chân” các bác sĩ giỏi, bác sĩ chuyên khoa, thì địa phương không thể chỉ chú trọng đến những chính sách đãi ngộ về vật chất đơn thuần, bởi đội ngũ y, bác sĩ còn cần một môi trường làm việc thân thiện, công bằng, để tất cả đều có cơ hội thăng tiến và trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn.