Giao thông đường bộ không chỉ chiếm 18,5% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, mà còn là nguồn gây ô nhiễm chính cho không khí ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Môi trường-Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2. Trong đó, có ba nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp gần 20 triệu tấn CO2, giao thông hơn 13 triệu tấn CO2, còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác.
Điều đáng nói, trong khi phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng thì phương tiện giao thông công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh (chủ yếu là xe buýt) chỉ đáp ứng từ 9-15% nhu cầu đi lại của người dân.
Tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cao dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Theo kết quả quan trắc, nồng độ bụi mịn trong không khí tại các khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên vượt ngưỡng cho phép. Vì vậy, thúc đẩy các giải pháp cho hệ thống giao thông xanh, đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của thành phố trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết.
Để giải quyết căn cơ các thách thức, đáp ứng nhu cầu giao thương thúc đẩy kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đô thị, mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã lập đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đề án, đến năm 2035, thành phố sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183 km với sáu tuyến metro. Đến năm 2045, xây dựng thêm 168 km, nâng tổng chiều dài metro lên khoảng 350 km. Đến năm 2060, dự kiến thành phố có 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510 km. Hệ thống đường sắt đô thị (metro) này được kỳ vọng góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của thành phố, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Qua đó, đưa tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-45%, và sau năm 2035 đạt 50-60%.
Cùng với đó, thành phố nghiên cứu phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, xe buýt điện, xe buýt sử dụng năng lượng xanh. Hiện, địa phương này có hơn hai nghìn xe buýt. Theo kế hoạch, từ năm 2025 trở đi, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh với tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố đạt 25%.
Từ năm 2030, tỷ lệ xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050, 100% số xe buýt, ta-xi sử dụng điện, năng lượng xanh. Thành phố cũng đầu tư hàng trăm ki-lô-mét mạng lưới đường bộ vành đai, cao tốc liên vùng; mạng lưới đường thủy nội địa; hệ thống cảng, các trung tâm logistics. Những dự án, chiến lược này được kỳ vọng sẽ tạo “bước nhảy” phát triển kinh tế, nhất là giảm tác động đến môi trường, góp phần quan trọng vào việc giảm khí thải carbon, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
“Chuyển đổi xanh” các phương tiện giao thông công cộng đã được thảo luận và đưa vào các chương trình hành động như là giải pháp “đột phá” quan trọng để thành phố hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng diễn ra khá chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn về nguồn vốn và xác định cơ chế đầu tư phù hợp, khiến cơ sở hạ tầng, dịch vụ vận tải, việc cắt giảm khí thải nhà kính vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, hiện, người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng trong đi lại hằng ngày. Ngoài việc sử dụng phương tiện cá nhân thuận tiện trong lưu thông, thì việc di chuyển bằng phương tiện công cộng (chủ yếu là xe buýt) còn nhiều bất cập, nhất là chất lượng và thái độ phục vụ chưa tốt. Một rào cản lớn khác, mang tính quyết định cao đó là xe buýt trễ chuyến, ra vào bến nhiều làm kéo dài thời gian di chuyển.
Thành phố cần tăng tốc triển khai các dự án giao thông nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại; triển khai các chiến lược chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu phát thải carbon sang sử dụng điện và các nhiên liệu xanh thân thiện với môi trường; khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi xe máy dùng xăng sang xe điện, nhiện liệu sạch với các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu, đề xuất các chiến lược và giải pháp giải quyết những thách thức liên quan đến huy động vốn, cơ chế, chính sách nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, đối tác có kinh nghiệm quốc tế. Đây là những đơn vị sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật tiên tiến để giúp thành phố đạt được những mục tiêu đề ra, và trở thành “hình mẫu” về tăng trưởng xanh và bền vững.