Mày đay hay còn gọi là mề đay, là hiện tượng một vùng da hiện lên bởi vùng khoanh rõ rệt, gồ lên (sần), đỏ, ngứa và phù nề đột nhiên xuất hiện trong vài phút, có thể kéo dài nhiều giờ. Có thể là một vạt sưng trong, rõ ở trung tâm, trông như những chiếc vòng ban đỏ, xuất hiện ồ ạt, rồi biến mất trong vài giờ hoặc tái hiện ở nơi khác. Có thể mày đay nặng, các nốt phồng lên nối liền nhau, chiếm hầu hết diện tích da.
Phù mạch là những chỗ sưng mờ của mô nhão dưới da hay niêm mạc, xuất hiện ở mu bàn tay, bàn chân, mi mắt, môi, lưỡi, họng, thanh quản, bộ phận sinh dục.
Mày đay và phù mạch là do sự sản sinh ra các chất trung gian hóa học gây viêm từ dưỡng bào và các bạch cầu ái kiềm.
Có nhiều loại mày đay: bản đồ (nốt phồng theo vết gãi), mày đay sinh cholin, sinh ra do nóng, cảm xúc mạnh, luyện tập thể lực cao độ, gây nên nốt sần nhỏ bao quanh một vùng da đỏ. Mày đay mạn được quy ước là mày đay tồn tại liên tục hay tái phát nhiều lần trong khoảng thời gian ít nhất 6 tuần và chỉ có một ít nốt phồng trong một ngày.
Mày đay có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu là dị ứng.
Phù mạch và mày đay nặng được coi là nguy hiểm, cần xử trí như một trường hợp cấp cứu. Nếu phù mạch mặt - thần kinh, đặc biệt là phù lưỡi và thanh quản có thể gây tắc đường thở dẫn đến tử vong.
Thuốc và điều trị
Trước tiên, cần phải tìm nguyên nhân gây dị ứng để tránh tiếp xúc (thuốc, thức ăn, hóa chất, lông gia súc gia cầm, côn trùng v.v...). Nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân do tác nhân gì.
Thuốc bôi ngoài chỉ dùng cho trường hợp mày đay nhẹ như chế phẩm có menthol (cao xoa), calamin, crotamiton, thuốc làm mát, lạnh, giảm ngứa. Ưu tiên dùng các thuốc kháng histamin không làm dịu như loratadin, terfenadin, astemizol... Các kháng histamin làm dịu như hydroxyzin, chlorpheniramin, diphenhydramin được dùng về đêm rất có ích.
Đa số bệnh nhân có hiệu quả tốt với các kháng histamin, nếu không có hiệu quả hoặc hiệu quả phần nào thì cần dùng kết hợp với một thuốc kháng histamin H2 như cimetidin, ranitidin. Sự kết hợp này tỏ ra hiệu quả với mày đay do lạnh, phù mạch. Tuy còn có những tranh cãi, nhưng rõ ràng liệu pháp kết hợp đã được chứng nghiệm thực tế, đặc biệt với những trường hợp mày đay kháng với liệu pháp kinh điển, đơn độc, thông thường. Tuy nhiên, sự kết hợp thuốc này ít có hiệu quả với mày đay bản đồ.
Cũng trên logic ấy, một số nhà dị ứng học đã dùng kết hợp với chất giống giao cảm như terbutalin, thuốc ức chế kênh calci (nifedipin), nhưng kết quả cũng cần được xác minh thêm.
Doxepin với nhiều biệt dược như adapin, deptran, sinequan, sinquan, tridapin v.v..., là một thuốc chống trầm cảm 3 vòng, có tác dụng kháng thụ thể H1 và H2, kháng tiết cholin ở trung ương và ngoại vi, có tác dụng tốt với nhiều bệnh nhân mày đay.
Khi dùng thuốc kháng histamin đường uống, đặc biệt là loại H1, cần lưu ý thuốc có nhiều tác dụng phụ. Với loại thuốc làm dịu: làm suy giảm hệ thần kinh trung ương, gây buồn ngủ nhẹ đến ngủ sâu, mệt mỏi, choáng váng, mất phối hợp (với trẻ em, có khi lại gây kích thích), nhức đầu, keo dịch tiết gây khô niêm mạc (mắt, miệng, mũi...), mờ mắt, táo bón, phát triển khối u tuyến tiền liệt.
Không dùng thuốc cho người động kinh, không uống rượu, bia khi dùng thuốc.
Với loại không làm dịu, có thể gây loạn nhịp tâm thất nguy hiểm vì vậy thuốc không nên dùng cho người bệnh tim. Ở một số nước, thuốc đã bị rút khỏi thị trường.
Ngoài ra các thuốc kháng histamin đều có thể gây ra những bất thường như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau thượng vị, phát ban, phản ứng quá mẫn, rối loạn máu, co giật, rối loạn giấc ngủ.
Việc dùng các corticoid như prednisolon trong thời gian ngắn cho những bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp trên là cần thiết. Một số thuốc khác như danazol, stanozonol, dapson, sulfasalazin, thuốc ức chế miễn dịch, giải mẫn cảm bằng calci chlorid hoặc magne hyposulfid cũng đã được dùng và thu được một số kết quả nhưng mới ở kinh nghiệm lâm sàng.
Với phù mạch thì phải coi là một trường hợp cấp cứu (suy hô hấp, khó thở, thở rít như hen gây nhầm lẫn). Điều trị như một trường hợp sốc phản vệ, phải dùng epinephrin, các kháng histamin, hỗ trợ hô hấp, truyền dịch...
Hiện nay, có nhiều bệnh nhân mắc bệnh mày đay, phù mạch. Đó cũng là mặt trái tất yếu của sự phát triển: thực vật chuyển gen, chất tăng trưởng động vật, hóa chất đặc biệt là thuốc trừ sâu, diệt cỏ, môi trường ô nhiễm, vi sinh vật, thuốc... Cá nhân cố gắng nhận biết những nguyên nhân dị ứng với bản thân, tránh tiếp xúc để ít phải dùng thuốc.
Dược sĩ PHẠM THIỆP