Tổng thống các nước Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và nước chủ nhà, (Tổng thống Bolivia E.Morales tham dự với tư cách là quan sát viên). Hội nghị đã ký hiệp định chính thức công nhận Venezuela là thành viên thứ năm của khối. Đây là sự đánh dấu bước phát triển mới của MERCOSUR nói riêng và tiến trình liên kết, hợp tác khu vực Mỹ la-tinh nói chung.
MERCOSUR ra đời cách đây hơn 15 năm (ngày 26-3-1991), ban đầu gồm bốn nước Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, với mục đích xóa bỏ mọi hàng rào thuế quan, tạo một khu vực buôn bán tự do, thúc đẩy phát triển kinh tế các nước thành viên, nhằm đối phó các tác động tiêu cực và mặt trái của xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Sau khi xoá bỏ thuế quan cho 90% số hàng hóa buôn bán qua lại nội bộ khối và áp dụng mức thuế quan thống nhất cho 85% số mặt hàng nhập từ nước thứ ba, MERCOSUR thật sự trở thành một liên minh thuế quan từ tháng 1-1995. MERCOSUR ký Hiệp định mậu dịch tự do với Chile tháng 6-1996, Bolivia tháng 3-1997 và trở thành khối liên kết kinh tế lớn thứ ba thế giới sau EU và NAFTA (Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ, gồm Mỹ, Canada và Mexico).
Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, MERCOSUR chiếm 59% diện tích địa lý, 62% số dân, 70% GDP, 67% kim ngạch ngoại thương và sản phẩm công nghiệp khu vực Nam Mỹ. Trong thời gian từ năm 1990 đến 1997, tổng kim ngạch buôn bán nội bộ khối tăng bình quân 22%/năm, từ 4,1 tỷ USD lên 20,8 tỷ USD; đầu tư nước ngoài tăng trung bình 33%/năm và kim ngạch ngoại thương tăng từ 9 lên 25%. Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng của Argentina (1998 - 2002) đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế các nước thành viên khác như Brazil, Paraguay và hoạt động thương mại, đầu tư vào khu vực MERCOSUR.
Từ năm 2003 đến nay, các chính sách kinh tế và xã hội của các đảng cánh tả nắm quyền ở Argentina, Brazil và Uruguay đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của MERCOSUR. Các nhà lãnh đạo cánh tả đều khẳng định quyết tâm củng cố và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa các nước thành viên của khối này. MERCOSUR đang xúc tiến các vòng đàm phán tiến tới thống nhất tổ chức này với Cộng đồng các quốc gia An-đết (CAN) thành thị trường chung Nam Mỹ. Nhiều nước trong khu vực như Mexico, Cu-ba... bày tỏ mong muốn được gia nhập MERCOSUR.
Mỹ đặc biệt quan tâm sự hình thành, phát triển của MERCOSUR và các quá trình hợp tác, liên kết kinh tế khu vực Mỹ la-tinh, nơi Oa-sinh-tơn vẫn thường coi là sân sau của họ. Mỹ lo ngại MERCOSUR sẽ là liên minh kinh tế khép kín mà hàng hóa và dịch vụ và vốn đầu tư của Mỹ khó có cơ hội lọt vào thị trường khu vực rộng lớn này.
Vì vậy từ năm 1994, Mỹ đã khởi xướng việc thành lập Khu vực tự do thương mại châu Mỹ và hướng tới năm 2005 sẽ xóa bỏ mọi rào cản để phát triển mậu dịch tự do ở Tây bán cầu. Nhưng, kế hoạch đầy tham vọng này vẫn chưa đạt được kết quả như Oa-sinh-tơn mong muốn, do còn nhiều mâu thuẫn, bất đồng giữa Mỹ với các nước thành viên MERCOSUR (Brazil, Argentina) về vấn đề trợ giá nông sản.
Việc Venezuela, nước sản xuất dầu lớn thứ tám, xuất khẩu dầu đứng thứ năm thế giới và có nền kinh tế đứng thứ ba ở Nam Mỹ chỉ sau Brazil và Argentina chính thức gia nhập MERCOSUR tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nội khối cũng như mối liên kết, hợp tác kinh tế với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Tổng thống Argentina, N. Kirchner, đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của MERCOSUR đã đánh giá sự kiện này là "bước ngoặt lịch sử" và kêu gọi Venezuela đóng góp toàn diện cho sự phát triển mạnh mẽ của khối này.
Tổng thống Venezuela H.Chaves cho rằng, đây là bước khởi đầu để tiến tới thiết lập một khu vực Nam Mỹ thống nhất và tự do. Có thêm Venezuela, MERCOSUR trở thành một thị trường khu vực đầy tiềm năng với gần 260 triệu người tiêu dùng, tổng sản phẩm quốc nội đạt hơn một tỷ USD, tương đương 75% tổng giá trị sản phẩm khu vực Nam Mỹ và thương mại nội khối sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD/năm.